Giữ vững và phát huy thành tựu, tạo đà phát triển đột phá trong tương lai
Kiểm toán Nhà nước đã mở rộng kiểm toán đến các lĩnh vực gắn với nguồn lực công, trong đó tăng cường các nội dung mới như công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường.
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển (11/7/1994-11/7/2024), Kiểm toán Nhà nước đã từng bước xây dựng và trưởng thành vững mạnh, ghi dấu bằng nhiều thành tựu nổi bật, tạo dựng được các trụ cột vững chắc, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Ðòi hỏi cấp thiết đối với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phải đổi mới quản trị nền kinh tế minh bạch với trách nhiệm giải trình cao. Vì lẽ đó, Kiểm toán Nhà nước ra đời, được lãnh đạo Ðảng và Nhà nước gửi gắm rất nhiều kỳ vọng, mong muốn để phát triển một hệ thống công cụ kiểm tra, kiểm soát nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nâng cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước.
Những thành tựu nổi bật
Trong 30 năm hình thành và phát triển, Kiểm toán Nhà nước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần tích cực vào việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thứ nhất là khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước ngày càng hoàn thiện. Do chưa có tiền lệ trong thiết chế bộ máy nhà nước Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước tạo dựng hạ tầng pháp lý, bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của mình một cách hiệu quả. Từ chỗ được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ, địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước năm 1996, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005 và đặc biệt là được quy định trong Hiến pháp năm 2013: “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, mở ra phạm vi hoạt động kiểm toán toàn diện đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Thứ hai là hình thành tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ngày càng cao. Ngay từ khi mới thành lập, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động xây dựng bộ máy, tập trung phát triển đội ngũ cả về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức và văn hóa ứng xử, coi đội ngũ kiểm toán viên là linh hồn cho sự phát triển.
Ðến nay, bộ máy hoạt động của Kiểm toán Nhà nước gồm 32 đơn vị với tổng số hơn 2.000 công chức, viên chức, người lao động. Toàn ngành có 50 tiến sĩ, 1.103 thạc sĩ được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế, chiếm tỷ lệ 55% tổng số công chức, viên chức, người lao động; 100% số kiểm toán viên nhà nước có trình độ đại học trở lên.
|
Việc đào tạo của Kiểm toán Nhà nước luôn kết hợp phương châm “Công minh-Chính trực-Nghệ tinh-Tâm sáng”, coi đây là kim chỉ nam xuyên suốt cho việc chăm lo xây dựng đội ngũ. Chính sự quan tâm xây dựng bộ máy, tuyển chọn đào tạo đội ngũ kiểm toán viên đã giúp Kiểm toán Nhà nước có bước đi vững chắc, từng bước tạo dựng niềm tin, thực hiện những cuộc kiểm toán có chất lượng, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước cũng như công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thứ ba là xây dựng được nền tảng lý luận, tạo tiền đề cho Ðảng, Nhà nước hoạch định chính sách phát triển các hình thức tổ chức kiểm toán. Ngay từ ngày đầu mới thành lập, kiểm toán nhà nước đã tăng cường nghiên cứu một cách bài bản hệ thống lý luận về kiểm toán nhà nước, phân biệt kiểm toán nhà nước với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, từ đó giúp cho các cơ quan Ðảng, Nhà nước trong quá trình hoạch định chính sách quản lý tài chính, tài sản công, tổ chức bộ máy…
30 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức nghiên cứu 625 đề tài khoa học. Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã góp phần cung cấp những cơ sở lý luận chung và đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, góp phần tích cực vào việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho tổ chức, hoạt động, kế hoạch và chiến lược phát triển của ngành, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động; xây dựng hệ thống chuẩn mực, quy trình, phương pháp, nghiệp vụ kiểm toán; phát triển các loại hình kiểm toán và các lĩnh vực kiểm toán mới...
Kiểm toán Nhà nước luôn bám sát các định hướng lớn của Ðảng, Nhà nước với nhiều chuyên đề, nội dung kiểm toán tập trung vào những vấn đề được dư luận cử tri cả nước quan tâm, các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí tiêu cực… Từ năm 1994 đến năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 3.592 cuộc kiểm toán, phát hiện và kiến nghị xử lý hơn 740 nghìn tỷ đồng.
|
Hoàn thành tốt nhiệm vụ trình ý kiến của Kiểm toán Nhà nước để Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm cũng như xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ gần 2.200 nội dung văn bản không phù hợp, kịp thời bịt “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí.
Hướng tới tương lai
Ðể đạt được các thành tựu nêu trên, Kiểm toán Nhà nước không những chú trọng phát triển nội lực mà còn đặc biệt quan tâm công tác hội nhập quốc tế cũng như tăng cường mối quan hệ với các cơ quan Trung ương, địa phương trong nước.
Sớm xác định hội nhập quốc tế là chiến lược quan trọng, Kiểm toán Nhà nước đã gia nhập Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) năm 1996, Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) năm 1997; trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021; hợp tác với hơn 50 cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) và các tổ chức quốc tế, ký 29 thỏa thuận quốc tế...
Ðồng thời, đơn vị luôn tiếp thu có chọn lọc những kiến thức, kinh nghiệm quý để ứng dụng phù hợp; tích cực, trách nhiệm tham gia nhiều hoạt động thể hiện dấu ấn riêng của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế. Ở trong nước, quan hệ phối hợp các cơ quan của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương luôn được Kiểm toán Nhà nước tăng cường, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.
Bước sang chặng đường phát triển mới, Kiểm toán Nhà nước kỳ vọng sẽ có sự phát triển đột phá để trở thành cơ quan kiểm toán tối cao việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Ðảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiểm soát quyền lực; nâng cao trách nhiệm giải trình và bảo đảm tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng tài chính, tài sản công, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý, điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Với sức trẻ tuổi 30, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung phát triển ba trụ cột chính “pháp lý-nhân lực-công nghệ” để phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục củng cố sức mạnh tổng thể của toàn ngành, nhằm tạo được sự phát triển đột phá trong tương lai. Theo đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính tối cao của những quy định về địa vị pháp lý, nguyên tắc Kiểm toán Nhà nước hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Ðồng thời nâng cao toàn diện chất lượng nguồn nhân lực, trong đó tập trung phát triển đội ngũ tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới với đầy đủ bốn tiêu chí: Trung thực-tỉ mỉ-chăm chỉ-nhạy bén. Kiểm toán Nhà nước xác định công nghệ đóng vai trò then chốt cho nên đơn vị sẽ tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số; tạo nền tảng cho việc chuyển đổi sang phương pháp kiểm toán hiện đại, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp cao; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán.
30 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực, tâm huyết của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã đạt được những bước tiến vững chắc, toàn diện. Trong giai đoạn phát triển mới, Kiểm toán Nhà nước xác định tiếp tục giữ vững và phát huy các giá trị cốt lõi “Ðộc lập-Liêm chính-Chuyên nghiệp-Uy tín-Chất lượng”, kiên định với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ”, tạo được sự đồng thuận lớn trong mọi hoạt động để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, phát triển Kiểm toán Nhà nước xứng đáng là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Ðảng, Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Từ năm 2011 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra; hai vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra… Ðặc biệt năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lần đầu thực hiện kiểm toán hai vụ việc và báo cáo kết quả kiểm toán theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Ðảng và Nhà nước.
|
Ý kiến ()