Giữ vững chuỗi liên kết hàng hóa Việt
Ngay trong giai đoạn khó khăn nhất của dịch Covid-19, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã nỗ lực giữ vững chuỗi liên kết hàng hóa Việt Nam để không chỉ đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế mà còn ổn định cung cầu, bảo đảm đời sống người dân. Đây cũng sẽ là giải pháp để bảo đảm nguồn hàng cho dịp cuối năm và Tết sắp tới.
Doanh nghiệp giữ vững chuỗi liên kết
Xác định trứng là mặt hàng thiết yếu hàng đầu của người dân, đặc biệt là người dân khu vực đang bị cách ly, dù khó khăn trong vận chuyển trong thời gian giãn cách xã hội, Công ty CP Ba Huân vẫn luôn nỗ lực giữ vững mối liên kết cung cầu hàng hóa. Luôn chiếm tỷ lệ cao tại các gian hàng tại siêu thị hoặc chợ truyền thống, sản phẩm trứng của Ba Huân bảo đảm chất lượng, song lại được bán với giá thấp hơn giá thị trường.
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân cho biết, để giữ vững chuỗi liên kết cho mặt hàng này, chúng tôi đã luôn chủ động nguồn hàng, kênh vận chuyển và liên kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tháo gỡ kịp thời khó khăn trong khâu vận chuyển lưu thông.
“Trứng có mặt ở rất nhiều món ăn truyền thống trong dịp Tết ở cả 3 miền, nên ngay từ thời điểm này, Ba Huân đã chuẩn bị nguồn cung tăng khoảng 20% để phục vụ tốt nhất người dân trong dịp Tết. Đồng thời, chuẩn bị các kịch bản chi tiết để bảo đảm giao hàng kịp thời, không bị gián đoạn trong giai đoạn cuối năm hoặc trong kịch bản khi dịch bệnh lại tăng cao”, bà Phạm Thị Huân cho hay.
Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng các mặt hàng sát khuẩn phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh, ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chia sẻ, nhằm thích ứng với những tác động của dịch Covid-19, trong thời gian qua lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo kịp thời các đơn vị triển khai và thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các bộ, ban, ngành, địa phương… Đồng thời giữ vững chuỗi liên kết để bảo đảm cung ứng hàng hóa sát khuẩn kịp thời đến mọi người dân.
“Xác định các mặt hàng của Tập đoàn có vai trò quan trọng đối với phòng, chống dịch, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, thuốc sát trùng tiếp tục tổ chức và bảo đảm sản xuất các sản phẩm oxy y tế, chất tẩy rửa, sát khuẩn phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tập đoàn cùng các đơn vị đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt nhằm vừa thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch, vừa giảm thiểu ảnh hưởng đến công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa sản phẩm của Tập đoàn”, ông Bùi Thế Chuyên chia sẻ.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng hay khi chúng ta phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới” thì việc giữ vững chuỗi liên kết đã giúp góp phần ổn định cung cầu hàng hóa trong nước. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhấn mạnh, xác định giữ vững chuỗi liên kết hàng Việt là giải pháp quan trọng trong bối cảnh khó khăn do giãn cách, thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai hàng loạt các biện pháp bảo đảm nguồn cung, hỗ trợ lưu thông, phân phối hàng hóa để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã.
Mối liên kết được duy trì ổn định giữa các bộ, ngành với người dân, doanh nghiệp; giữa địa phương với địa phương; giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối và vận tải… Nhờ đó, trong bối cảnh khó khăn do giãn cách, hoặc những thời điểm như cuối năm, lễ, Tết, nhu cầu hàng hóa tăng cao nhưng người dân vẫn được dễ dàng mua được hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu.
Ngay thời điểm này, để chuẩn bị hàng hóa cho giai đoạn cuối năm, các địa phương cũng tích cực liên kết với nhau nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho dịp cuối năm. Đơn cử, ngày 2/12, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức Hội nghị kết nối cung-cầu giữa Thành phố với các tỉnh, thành năm 2021. Ngành nông nghiệp Hà Nội cũng đã và đang chủ động đẩy mạnh phối hợp các địa phương, kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm…
“Có thể nói, mối liên kết – bản thân nó đã là một giải pháp quan trọng, là chìa khóa quan trọng trong bất kỳ thời điểm nào, nhưng khi dịch bệnh Covid-19 đến, bùng phát nghiêm trọng hay khi chúng ta phải thích nghi với “tình hình mới” thì chiếc chìa khóa đó lại phát huy tác dụng hơn bao giờ hết, để từ đó góp phần giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước”, bà Lê Việt Nga khẳng định.
Phục hồi sản xuất gắn với giữ vững chuỗi liên kết
Để duy trì chuỗi sản xuất hàng Việt Nam bền vững, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới theo tinh thần của Nghị quyết số 128 của Chính phủ, nhất là trong những tháng cuối năm, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong tình huống dịch có thể kéo dài để bảo đảm nguồn cung hàng hóa ra thị trường.
Bên cạnh đó, nhanh chóng tái tuyển dụng và đào tạo lao động, nhất là những ngành thâm dụng cao như: da giày, điện tử, chế biến thực phẩm… do thời gian qua thiếu hụt, lao động chuyển dịch về quê; có chính sách linh hoạt về giờ làm thêm, kiến nghị giảm đóng phí công đoàn, trả thêm thù lao cho lao động làm việc tại chỗ, hỗ trợ giữ trẻ cho người lao động…
Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước khi triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ, có kiến nghị kịp thời về những bất cập phát sinh để tránh xảy ra tình trạng cát cứ, ách tắc lưu thông hàng hóa như vừa qua.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần thống nhất khi triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, để bảo đảm đủ nguyên liệu cho sản xuất.
Bên cạnh việc kết nối cung cầu, bà Lê Việt Nga cho rằng, thời gian tới, doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa để cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại khi dịch bệnh được kiểm soát, chuỗi liên kết được nối liền sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa nhập khẩu tràn vào Việt Nam với giá rẻ do được hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết thời gian qua.
“Doanh nghiệp phải đẩy mạnh hơn nữa chất lượng hàng hóa tại các chợ truyền thống. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công việc số hóa ngành thương mại trong nước bằng cách kết hợp được cả thương mại điện tử, công nghệ số để giúp tiết kiệm được hơn nữa chi phí logistics, giảm giá thành để người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận những hóa tốt và có giá thành hợp lý. Xét cho cùng, chất lượng là yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp chinh phục người tiêu dùng trong mọi hoàn cảnh”, bà Nga nhấn mạnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()