Giữ vững chất lượng khi tuyển sinh đại học muộn
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm học 2018 – 2019 tại điểm thi Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội).
Theo Bộ GD và ÐT năm 2019, các trường đại học (ÐH), cao đẳng và trung cấp sư phạm trên cả nước có tổng số 491.204 chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, hơn 351 nghìn chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia; hơn 140 nghìn chỉ tiêu xét tuyển dựa vào học bạ. Kết quả, thí sinh trúng tuyển và nhập học là hơn 411 nghìn, chiếm 77,7% so với chỉ tiêu. Công tác tuyển sinh năm 2019 đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn còn những bất cập như: Có đơn vị tuyển sinh lạm dụng quyền tự chủ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào thấp, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố… Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học vào khối ngành sư phạm thấp dẫn đến một số ngành chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển, không đủ điều kiện để mở lớp. Vì vậy, một số trường quyết định dừng tuyển sinh nhưng không trao đổi với các cơ quan có liên quan để giải quyết quyền lợi cho thí sinh. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (115,39% so với chỉ tiêu) nhưng tỷ lệ nhập học thấp (63,89% so với số trúng tuyển). Mặt khác, một số trường THPT còn chạy theo thành tích về tỷ lệ học sinh đỗ ÐH dẫn đến khuyến khích thí sinh không có nguyện vọng học ÐH vẫn đăng ký xét tuyển… Vì vậy, trong tuyển sinh năm 2020, Bộ GD và ÐT quy định chế tài xử lý chặt chẽ đối với các trường, cán bộ, thí sinh vi phạm; nhất là vấn đề liên quan gian lận trong thi, tuyển sinh… để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học. Tích hợp các nội dung điều chỉnh trong tuyển sinh đào tạo: Chính quy, vừa học vừa làm, văn bằng 2… vào cùng một quy chế để dễ tra cứu, áp dụng.
Tuy nhiên hiện nay, do học sinh phải nghỉ học kéo dài để phòng, tránh dịch Covid-19, dẫn đến công tác tuyển sinh có những thay đổi. PGS, TS Bùi Ðức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ÐH Kinh tế quốc dân (KTQD) cho biết, học sinh nghỉ học nhiều sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh. Hằng năm, tại Trường ÐHKTQD, sinh viên năm thứ hai trở đi sẽ đi học vào tháng 8; sinh viên mới trúng tuyển năm đầu sẽ khai giảng, đi học vào tháng 9. Trường ÐHKTQD cũng như phần lớn các trường ÐH trên cả nước tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, khi kỳ thi THPT quốc gia lùi khoảng một tháng thì công tác tuyển sinh năm 2020 ít nhất cũng phải chậm hơn khoảng một tháng so với những năm trước. Khi thời gian tuyển sinh chậm hơn sẽ ảnh hưởng thời gian diễn ra năm học của năm sau. Cũng theo PGS, TS Bùi Ðức Triệu, vấn đề đặt ra hiện nay là học sinh lớp 12 phải nghỉ học, chuyển sang ôn tập trực tuyến, chất lượng không thể bằng dạy học trực tiếp cho nên có thể xảy ra tình huống điểm thi THPT quốc gia thấp hơn những năm trước. Tuy nhiên, việc điểm thi có thể thấp hơn không đồng nghĩa với việc năng lực học tập, nhất là năng lực theo học ÐH của các em thấp hơn. Vì vậy, Trường ÐH KTQD sẽ chuẩn bị chu đáo để xét tuyển thí sinh vào học bảo đảm năng lực, chất lượng, hiệu quả trong tuyển sinh, đào tạo.
GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ÐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc học sinh nghỉ học dài ngày sẽ dẫn đến lịch trình tuyển sinh thay đổi hoàn toàn; công tác tư vấn tuyển sinh cũng bất cập. Tuy nhiên, do sinh viên hiện nay học theo tín chỉ, cho nên Trường ÐH Sư phạm Hà Nội sẽ có những điều chỉnh để không ảnh hưởng công tác tuyển sinh, đào tạo. TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường ÐH Mở Hà Nội lo ngại với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, chưa thể khẳng định chắc chắn đầu tháng 8 sẽ có thể tổ chức thi THPT quốc gia. Do đó, về phương thức, hình thức tuyển sinh năm 2020 của các trường ÐH thì không đổi nhưng kế hoạch, lịch trình chắc chắn bị ảnh hưởng. Thông thường hằng năm, đầu tháng 9, Trường ÐH Mở Hà Nội đã tuyển sinh xong. Tuy nhiên, năm 2020, công tác tuyển sinh sẽ muộn hơn. Vì vậy, để bảo đảm chất lượng tuyển sinh, đào tạo, Trường ÐH Mở Hà Nội đang xây dựng kế hoạch học tập năm học 2020-2021 của sinh viên năm thứ nhất sẽ phải muộn hơn.
Theo Bộ GD và ÐT, căn cứ vào việc điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học 2019-2020 và các mốc thời gian kế hoạch năm học có liên quan, lãnh đạo các cơ sở đào tạo xem xét quyết định kế hoạch đào tạo của đơn vị mình phù hợp kế hoạch của kỳ thi THPT quốc gia và kế hoạch tuyển sinh, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Các cơ sở đào tạo cần chú trọng công tác truyền thông, tăng cường phối hợp các sở GD và ÐT cũng như các trường THPT và doanh nghiệp để tư vấn, giới thiệu tuyển sinh đến với thí sinh và xã hội. Trong đó, chú trọng những ngành mở mới, các điểm mới trong công tác tuyển sinh của các nhà trường. Việc truyền thông, tư vấn tuyển sinh phải bám sát nhu cầu, trung thực và công khai thông tin tuyển sinh. Ðáng chú ý, các cơ sở đào tạo cần bố trí bộ phận thường trực gồm các cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, nắm vững quy chế để giải đáp các thắc mắc liên quan công tác xét tuyển và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. Thực hiện việc tuyển sinh đúng quy định; xác định phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo và xây dựng chính sách chất lượng đầu vào. Các sở GD và ÐT chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh, tiếp nhận, nhập thông tin phiếu đăng ký xét tuyển vào cơ sở dữ liệu của cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD và ÐT theo đúng kế hoạch, quy trình…
Ý kiến ()