Giữ tiếng khèn Mông mãi ngân vang
Nghệ nhân Ma Khái Sò (người bên phải), ở huyện Quản Bạ, hướng dẫn lớp trẻ thổi khèn Mông. |
Cây khèn cùng những điệu múa khèn truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông ở các huyện vùng cao tỉnh Hà Giang luôn được họ gìn giữ qua nhiều thế hệ. Giờ đây, những chiếc khèn Mông còn là sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách trong nước và nước ngoài.
Cao nguyên đá Ðồng Văn thuộc bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Ðồng Văn của tỉnh Hà Giang. Ngoài cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ và hùng vĩ, vùng đất này còn có những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong tiến trình hội nhập, không ít giá trị truyền thống bị mai một, nhưng đồng bào Mông trên cao nguyên đá Ðồng Văn vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống độc đáo liên quan đến chiếc khèn, trong đó có nghề làm khèn với kỹ năng chế tạo công phu.
Lớp chế tác nhạc cụ khèn Mông ở xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc có gần 50 học viên tham gia. Họ là những chàng trai, cô gái người Mông được các nghệ nhân hướng dẫn kỹ thuật làm khèn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Nghệ nhân Mua Mí Hồng, ở thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi là người trực tiếp đứng lớp. Từ khi còn nhỏ, ông Hồng đã đắm chìm trong những âm sắc của tiếng khèn ở những phiên chợ hay mỗi khi bản làng có lễ hội. Thế nên, dù nghề làm khèn lắm thăng trầm, nhưng ông Hồng vẫn quyết tâm bám nghề 20 năm nay. Khèn do ông chế tác luôn được người Mông ở huyện Mèo Vạc và các huyện khác lựa chọn, tìm mua bởi độ tinh xảo và chuẩn mực. Khi được mời dạy cách làm khèn, tôi cố gắng truyền đạt những hiểu biết, kỹ thuật chế tác khèn cho thế hệ trẻ. Giữ được nghề làm khèn là giữ được tiếng khèn ngân vang, là giữ được hồn cốt của người Mông trên cao nguyên đá”, Nghệ nhân Mua Mí Hồng vui vẻ cho biết. Tham gia lớp học làm khèn, các bạn trẻ không những biết được cách khai thác, lựa chọn vật liệu, mà còn nắm được kỹ thuật chế tác, trang trí để có được một cây khèn Mông, chuẩn mực và hiểu hơn về lịch sử, ý nghĩa của chiếc khèn trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc mình.
Theo Nghệ nhân Mua Mí Hồng, để làm được chiếc khèn tốt phải mất nhiều công sức và thời gian. Trước hết, phải tìm được gỗ tốt để làm bầu khèn, đó là loại gỗ thông đá, thớ gỗ thẳng, không cong vênh, mối mọt. Khi tìm được gỗ, cắt khúc khoảng 80 cm, bổ đôi, khoét rỗng theo chiều dài thân cây. Sau đó áp hai thân cây vào như cũ rồi buộc chặt lại, để khi nào cây gỗ khô mới tiến hành tạo hình dáng cho bầu khèn, khoét lỗ trên thân khèn để lồng các ống trúc. Ống trúc làm khèn cũng phải chọn những cây trúc hơn 10 năm tuổi, thẳng đẹp. Ðặc biệt, sợi dây dùng để quấn quanh thân khèn phải lấy từ vỏ cây đào rừng, bởi đặc tính chắc và bền, vừa có tác dụng giữ thân khèn và tạo điểm nhấn thẩm mỹ.
Ông Ma Khái Sò, thôn Séo Lủng 2, xã Thái An, huyện Quản Bạ, sinh ra trong gia đình có truyền thống biểu diễn và làm khèn. Từ bé, ông thường theo cha đi thổi khèn giúp bà con, hàng xóm mỗi khi có việc. Từ đó, ông đã yêu thích tiếng khèn và nghề làm khèn lúc nào không rõ. Những người am hiểu về khèn Mông ngày càng ít dần, cũng là điều mà ông Sò luôn trăn trở, băn khoăn. Từ những trăn trở đó, ông Sò đã đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ để truyền đạt và dạy múa khèn, làm khèn Mông cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Mỗi lần truyền đạt, ông đều gửi gắm những kỳ vọng, mong muốn thế hệ trẻ cần phát huy và gìn giữ giá trị văn hóa khèn Mông mà cha ông đã để lại.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang thực hiện nhiều chương trình nhằm khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, trong đó có việc gìn giữ nghề làm khèn của đồng bào Mông. Ngoài ra, các huyện vùng cao của tỉnh cũng mở hàng trăm lớp đào tạo ngắn hạn về nghề làm khèn Mông cho thế hệ trẻ. Ðồng chí Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: “Thời gian qua, tỉnh hỗ trợ để duy trì, phát triển nghề làm khèn truyền thống và tạo điều kiện trưng bày sản phẩm tại các gian hàng ở các hội chợ, triển lãm, gian trưng bày trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, nhiều làng nghề được hình thành, các nghệ nhân làm khèn có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, tỉnh còn duy trì nghề làm khèn, hình thành các làng nghề truyền thống, đặc trưng để phục vụ khách du lịch khi lên tham quan vùng cao Hà Giang”.
Năm 2017, tổ hợp tác làm khèn Mông ở xã Sủng Trái, huyện Ðồng Văn được thành lập. Bảy thành viên trong tổ hợp tác là những nghệ nhân làm khèn lâu năm. Dù mới thành lập, tổ hợp tác đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các cửa hàng bán quà lưu niệm, các trường học, người dân địa phương. “Mới đây, chúng tôi còn mang khèn của tổ hợp tác đi bán tại các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Bắc Cạn và cung cấp khèn cho các nghệ nhân đi biểu diễn ở các lễ hội khèn Mông trong cả nước. Từ khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên đều có thu nhập từ 10 đến 20 triệu đồng mỗi tháng”, anh Giàng Mí Và, Tổ trưởng tổ hợp tác làm khèn Mông, xã Sủng Trái vui mừng chia sẻ.
Cáo nguyên đá Ðồng Văn mỗi năm đón hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan. Một trong những địa điểm ưa thích của du khách là vào các làng nghề truyền thống làm khèn của đồng bào Mông để tận mắt thấy các nghệ nhân chế tác những chiếc khèn. Hiện nay, tại các huyện thuộc vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Ðồng Văn đã thành lập hơn 20 tổ hợp tác làm khèn Mông. Nguồn thu từ nghề làm khèn đã giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định, thoát khỏi đói nghèo.
Ý kiến ()