Giữ ổn định diện tích trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực
Nông dân huyện Hoài Đức (Hà Nội) thu hoạch lúa.
Thách thức từ nhiều biến động
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), những năm qua, Việt Nam liên tục mở rộng sản xuất lúa gạo, song song với đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giai đoạn 2008 – 2018, sản lượng lúa tăng từ 38,7 triệu tấn lên 44 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên hơn 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm sáu nước hàng đầu về chỉ số này và trở thành quốc gia bền vững an ninh lương thực hơn phần lớn các quốc gia đang phát triển ở châu Á. Vai trò của Việt Nam trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác cũng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, trước nhiều biến động mang tính toàn cầu, nhiệm vụ giữ đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực đang đặt ra cho nước ta nhiều thách thức mới. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: “Lúa gạo là mặt hàng chiến lược, liên quan, tác động trực tiếp đến an ninh lương thực, đời sống người dân và sự ổn định kinh tế – xã hội. Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão, lũ lụt, hạn hán, quá nóng hoặc quá lạnh…), dịch bệnh gia tăng, năng suất cây trồng suy giảm”. Những dự báo cho thấy, thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra có thể lên tới 3 đến 5% GDP/năm trong thời gian tới. Do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ giảm 7,2 triệu tấn lúa và ảnh hưởng đến 32,2% diện tích đất nông nghiệp vào cuối thế kỷ 21. Ðiều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng lương thực, đe dọa an ninh lương thực và nhóm người nghèo, cận nghèo. Trong khi đó, năng lực chống chịu và thích ứng điều kiện mới và rủi ro của nông dân ở khu vực nông thôn còn hạn chế cho nên dễ bị tổn thương. Trên thực tế, mặc dù tình trạng nghèo đói cơ bản đã được giải quyết nhưng chúng ta cũng chưa chấm dứt được tình trạng thiếu đói đến cấp hộ, mà phần lớn nguyên nhân do thiên tai, lũ lụt gây ra. Năm 2018 cả nước vẫn có 105 nghìn lượt hộ (420 nghìn lượt nhân khẩu) thiếu đói. Chính vì vậy, an ninh lương thực và công tác bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cần đặt trong bối cảnh mới với những tác động đa chiều của nó.
Ngoài ra, có một thách thức nữa là quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tiếp tục phát triển nhanh, đòi hỏi thêm không gian, lương thực, nước sạch và cạnh tranh các nguồn lực, nhất là nguồn đất và nước đang dành nhiều cho nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa. Dự báo, năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt khoảng 50%, làm gia tăng sức ép ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, tăng chất thải rắn và nước thải. Ðồng thời cũng làm tăng rủi ro thiên tai và phát sinh loại hình thiên tai mới, ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia. Trong khi đó, lao động nông nghiệp có xu hướng chuyển dịch sang các khu vực kinh tế khác, dẫn đến tình trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của sản xuất lương thực hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Nâng cao đời sống cho người trồng lúa
Trước những thách thức về an ninh lương thực nêu trên, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực giữ ổn định đất trồng lúa để bảo đảm cho những mục tiêu dài hạn cũng như chủ động ứng phó với những rủi ro, biến động về thiên tai, dịch bệnh, cạnh tranh thương mại toàn cầu. Việc giữ đất lúa cũng cần dựa trên dự báo nhu cầu tiêu dùng của con người và các nhu cầu khác như chế biến và xuất khẩu. Theo đó, đến năm 2030, với mục tiêu xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo thì diện tích đất lúa cần thiết là 3,56 triệu ha. Theo phương án này, có thể giảm 616 nghìn ha đất lúa so với hiện nay mà vẫn bảo đảm các nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, Việt Nam sẽ chuyển xuất khẩu gạo theo hướng tăng chất lượng, tăng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, điều cần đặc biệt chú trọng trong kế hoạch giữ đất lúa là bảo đảm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người trồng lúa.
Hiện nay, có một thực tế là tổng lợi nhuận của hộ trồng lúa thấp hơn nhiều so với các tác nhân khác trong chuỗi lúa gạo nói riêng, và so với các cây trồng khác nói chung. Nguyên nhân là do các hộ sản xuất lúa gạo vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún. Chính vì vậy, để nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất lúa gạo, cần tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển sản xuất theo quy mô lớn để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết: “Là doanh nghiệp đầu tư thực hiện nhiều cánh đồng lớn liên kết trồng lúa tại các địa phương từ năm 2011 đến nay đạt kết quả tốt, chúng tôi có thể khẳng định nếu thực hiện dự án liên kết đạt đến con số 900 nghìn ha thì ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn sẽ phát triển bền vững, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể tăng gấp đôi so với hiện nay. Ngoài ra, chuỗi liên kết còn mở ra cơ hội thu đến một tỷ USD từ bán oxit silic chiết xuất từ trấu và khoảng một tỷ USD bán dầu gạo chiết xuất từ cám”. Tận dụng được tất cả những lợi thế đó từ sản xuất lúa gạo, thì mục tiêu giữ ổn định đất trồng lúa, giúp nông dân làm giàu trên đất lúa và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là điều có thể thực hiện được đồng bộ trong thời gian tới.
So với mục tiêu đến năm 2020 tại Kết luận số 53-KL/TW ngày 5-8-2009 về đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 và Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23-12-2009 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có ba chỉ tiêu về lúa gạo vượt, đó là diện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt 4,12 triệu ha (mục tiêu là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (mục tiêu là 41 đến 43 triệu tấn); xuất khẩu gạo đạt 6,34 triệu tấn (mục tiêu là 4 triệu tấn). Có hai chỉ tiêu về bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực đạt và vượt, là: Chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực vào năm 2012 (mục tiêu đề ra là 100% người dân ở mọi nơi, mọi lúc có đủ lương thực); thu nhập của dân cư nông thôn năm 2019 đạt 39,3 triệu đồng, tăng 4,3 lần so với năm 2008 (mục tiêu đề ra là gấp 2,5 lần). |
Ý kiến ()