Giữ nguồn nước sạch cho cuộc sống
Nhìn dòng nước đen ngòm của dòng kênh thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được bà con nông dân bơm lên tưới cho rau màu vụ đông, tôi không khỏi lo ngại.
Một diện tích cây trồng rất rộng lớn đang hằng ngày phải “uống” thứ nước ô nhiễm như vậy, để đưa ra thị trường hàng trăm tấn nông sản thì liệu có thật sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng? Chúng ta đang tiến tới một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Muốn vậy, những “vật tư” đầu tiên như đất, nước, không khí… là những điều kiện tiên quyết, mang tính quyết định, để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo đúng nghĩa.
Với 232 km chiều dài kênh chính và hơn 2.000 km kênh nội đồng, từ khi ra đời, đại công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải có nhiệm vụ tưới tiêu cho khoảng 192.045 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân của bốn tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Giờ đây, nhiệm vụ lớn lao ấy đã và đang bị đe dọa, bởi tình trạng ô nhiễm diễn ra ngày càng trầm trọng.
Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải chính là nguồn xả thải từ các khu dân cư. Hệ thống Bắc Hưng Hải đi qua nhiều huyện, xã, phường của bốn tỉnh, thành phố, các địa phương này hầu hết đạt chuẩn nông thôn mới, thậm chí có xã được công nhận về đích nông thôn mới nâng cao, nhưng không xã nào có hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng tiêu chí số 17, trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Khoảng 40-60% hộ chăn nuôi có hầm biogas nhưng công suất không đáp ứng và vận hành không đúng kỹ thuật nên chất thải sau xử lý không đạt yêu cầu (theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Nước thải trong khu dân cư được thu gom nhưng không xử lý đều xả ra kênh, mương thủy lợi, dẫn đến tình trạng nhiều con kênh xanh xanh ngày nào giờ đều lềnh bềnh rác thải, xác động vật, đen đặc và bốc mùi hôi thối.
Việc bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của quá trình phát triển: xu hướng chuyển đổi mô hình sản xuất, đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển cơ sở hạ tầng… trong khi đó chưa đủ nguồn lực để xử lý nước thải, chất thải và rác thải, hệ thống thủy lợi chung đường cấp và thoát nước, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chưa cao. Do đó, cần những giải pháp cấp bách và lâu dài để từng bước xử lý ô nhiễm, dần trả lại nguồn nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt.
Ý kiến ()