Giữ nếp gia đình bằng ứng xử văn hóa
Tháng 9-1971, chàng sinh viên sư phạm năm thứ hai ở Hà NộiNgô Văn Trung nhập ngũ vào Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị là những ngày tháng giúp ông hiểu về giá trị của cuộc sống, của hòa bình. Ông bị thương khi chiến đấu ở làng Nhan Biều, ở bên kia dòng Thạch Hãn và chuyển về làm quân lực tại Đoàn 151 (nay thuộc Quân khu 3). Năm 1974, ông chuyển ngành và quay lại mái trường sư phạm. Năm 1976, ông đi dạy ở Hải Phòng và theo học cao học sư phạm vào năm 1979, rồi về Ban Công tác cải cách sư phạm của Bộ Giáo dục. Cả cuộc đời ông nỗ lực tự học không ngừng. Đến khi nghỉ hưu, ông làm Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học đầu tiên của phường Láng Hạ. Vợ ông, một cô giáo có hơn 30 năm đứng lớp, cũng từng là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Cả con trai và con gái ông đều giữ nếp gia đình, học hành thành đạt. Dù làm những nghề khác nhau nhưng hiện nay, công việc của họ đều là đi trao truyền kỹ năng, kiến thức. Vợ chồng ông tâm niệm rằng, tri thức cho con người rất nhiều thứ. Bằng tri thức, họ có thể giúp con biết điều hay lẽ phải ở đời, để con hiểu và không ngộ nhận những hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội. Ông chứng minh cho con thấy rằng tri thức giúp con người nói và làm có lý, có tình, có sức thuyết phục hơn và nhờ đó, nhiều việc được giải quyết dễ dàng hơn.
Ngoài tri thức, những điều vợ chồng ông Trung dạy con là sống đạo đức và nhân hậu, sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ với mọi người chứ không vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Để làm được điều đó, ông bà dạy con phải có văn hóa ứng xử nền nếp, chuẩn mực. Ông bà dạy con cẩn thận từ đường ăn ý ở, từ câu chào lời hỏi, biết kính già nhường trẻ. Chẳng hạn, ngay trong mâm cơm phải biết ưu tiên người cao tuổi, khi có khách đến không được tỏ vẻ ngang hàng… Trong mối quan hệ họ hàng, làng xóm phải lễ phép, tôn trọng. “Để một người ứng xử có văn hóa, phải kỳ công dạy dỗ từ những thứ nhỏ nhặt nhất, từ ăn mặc tới ứng xử”, ông Ngô Văn Trung bày tỏ.
Năm 2021, ông Ngô Văn Trung được công nhận là một trong 50 công dân học tập tiêu biểu đầu tiên của Thủ đô. Về già, vợ chồng ông vui với cuộc sống hiện tại và rất hạnh phúc bởi các con biết trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tiếp tục giữ gìn nền nếp gia phong, dạy cho các thế hệ tiếp theo những điều học hỏi được từ bố mẹ.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/giu-nep-gia-dinh-bang-ung-xu-van-hoa-742098
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()