Thứ 4, 06/11/2024 01:37 [(GMT +7)]
Giữ môi trường Vịnh Hạ Long
Thứ 4, 14/07/2010 | 15:50:00 [(GMT +7)] A A
Kể từ tháng 12-1995 khi UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã làm rất nhiều việc để giữ cho môi trường vịnh trong lành, sạch đẹp, bảo tồn cảnh quan, khai thác và sử dụng bền vững các tiềm năng đa dạng của tự nhiên.
Đó là việc xóa các cảng bốc dỡ than bên bờ vịnh, xóa sạch cảng tạm, di dời cảng than phải làm trên mặt nước vịnh cũng chấm dứt. Các tàu, sà-lan muốn chuyển tải than phải làm ở cảng Hòn Nét cách Vịnh Hạ Long khoảng 50 km. Hơn 300 tàu, thuyền chở khách du lịch được sắp xếp lại nơi neo đậu, đón khách. Các thủy thủ đều được huấn luyện về bảo vệ môi trường, tàu nào cũng có thùng chứa rác, rác thải được thu gom đổ lên bờ.
Khó khăn nhất là việc quản lý các nhà bè và làng chài trên vịnh. Lối sống “đầu mom, cuối bãi” nhiều đời, đã tạo thói quen tùy tiện, vo gạo, rửa rau mũi thuyền, xả rác, phóng uế đuôi thuyền. Thay đổi nếp sống của ngư dân trên vịnh, chính quyền và các đoàn thể đã bỏ nhiều tiền của, công sức giúp họ nuôi cá, làm các nhà bè bền vững, vừa chống được gió bão, vừa giữ được môi trường. Ban quản lý vịnh còn trang bị thuyền nan và các dụng cụ vớt rác, chi tiền cho nhiều ngư dân canh giữ, bảo vệ các rạn san hô. Gần 20 năm kiên trì huấn luyện, chăm sóc, hướng dẫn ngư dân đã mang lại kết quả rõ rệt. Bây giờ khách du lịch trên vịnh đều nhìn thấy các em bé, các cụ già chở thuyền nan vớt rác. Đi trên tàu, thuyền thấy người phục vụ, không còn vứt vỏ cam, giấy gói kẹo xuống vịnh. Họ biết thu gom rác vào thùng, chiếc tàu về bến, mang lên đất liền đổ vào nơi quy định. Bây giờ làng chài Vung Viêng khách quốc tế gọi là làng chài xanh. Làng có 55 hộ dân, 256 khẩu sống dập dềnh trên mặt vịnh, mà có nhà văn hóa, có trường tiểu học, có thùng rác cộng đồng, mọi người trong làng đều biết giữ gìn xanh, sạch nơi mình sống.
Tuy nhiên sự gia tăng về dân số, phát triển nhanh về công nghiệp (khai thác than và đóng tàu) cùng với xây dựng, giao thông, du lịch đang đè nặng lên môi trường vịnh. Nguy cơ ô nhiễm nước vịnh, không gian trên vịnh vẫn hiển hiện hằng ngày. Nước vịnh bị ô nhiễm từ hai nguồn: nước thải từ đất liền chảy ra và rác thải từ bờ đổ xuống. Ngăn chặn nguồn nước thải chảy xuống vịnh, tỉnh Quảng Ninh (được tài trợ của nước ngoài) đã xây dựng hệ thống thu gom nước thải ở Bãi Cháy và Hòn Gai. Cả hai hệ thống đã được đưa vào sử dụng. Chưa phải đã thu gom và xử lý hết mọi nguồn nước thải nhưng cách xử lý đã làm giảm hẳn việc ô nhiễm ở một số vùng nước ven bờ.
Ngăn ngừa đất đá, rác thải lấp dần bờ vịnh, chính quyền đã cho xây dựng kè chắn bằng đá. Nhưng qua nhiều năm theo dõi thì thấy hệ thống kè đá chạy ven bờ vịnh, đã lấn dần mặt nước, làm nông mặt vịnh. Theo các cán bộ kỹ thuật đó là hiện tượng phản áp. Đất đá bị nén ép (do khoan, đóng móng ở phía trong kè) đã làm vỡ kè, bung nền trồi lên mặt vịnh. Nén càng mạnh, bệ phản áp càng lớn, đất đá trồi ra vịnh càng nhiều. Khắc phục hiện tượng phản áp bằng cách nào?
Tham khảo ý kiến của tư vấn cùng các chuyên gia môi trường, học tập kinh nghiệm của: Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu “Lấn biển để giữ môi trường biển”, Quảng Ninh chọn cách xây dựng tường bê-tông, cốt thép để neo giữ môi trường vịnh. Tỉnh đưa ra ba yêu cầu: Một là, không được xâm phạm vào vùng bảo vệ tuyệt đối của Vịnh Hạ Long mà Chính phủ Việt Nam và UNESCO công nhận. Hai là, không được làm ảnh hưởng, cản trở đến giao thông trên vịnh. Ba là, khi thủy triều cạn kiệt nhất, nước ngoài tường chắc còn ở mức 0,5 m. Yêu cầu thứ ba này là để bảo đảm cho việc ra vào, neo đậu của tàu thường được thuyền xuyên và để giữ được sự trong sạch của không gian, nước và đất liền ven vịnh theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chiếc cọc đầu tiên được đóng xuống vịnh vào ngày 20-9-2009. Đến nay sau gần sáu tháng tường bê-tông dự ứng lực đã rõ hình hài. Để đóng được cọc (là khối bê- tông lòng máng, rộng 1 m, dài 17 m, nặng tám tấn), người ta phải dùng máy cắt nước với áp lực lớn. Nước thổi bay bùn đất, phá vỡ đá rắn, lỗ sạch đến đâu, cọc ép ngay tới đó. Theo kỹ sư Vũ Quang Hợp, cán bộ Ban quản lý các công trình trọng điểm, thì cọc được gắn kết với nhau thành bức tường thép. Đầu cọc được giằng néo bằng bê-tông cốt thép. Thân cọc neo vào các ụ neo bằng thép không rỉ tạo thành bức tường ngăn bền vững. Phía trong tường là đường giao thông, ngoài tường là nước vịnh trong xanh. Sẽ không còn những bãi phản áp những chân kè đá chỗ lành, chỗ vỡ. Anh Phan Huy Trầm, 48 tuổi đã 27 năm làm nghề xây tường ven biển, người chỉ huy đóng chiếc cọc đầu tiên xuống bờ Vịnh Hạ Long khẳng định: Làm tường là đẹp thêm cảnh quan, nhưng quan trọng hơn là giữ gìn và bảo vệ được môi trường Vịnh Hạ Long. Từ kinh nghiệm của một vài tỉnh phía nam tôi dám nói chắc như vậy.
Dĩ nhiên làm tường bê-tông cốt thép sẽ tốn kém hơn so với việc làm kè đá, vì khảo sát kỹ, quy hoạch hợp lý cả không gian trên mặt nước, dưới mặt nước theo từng đoạn tự nhiên của bờ vịnh.
Đồng chí Vũ Đức Đam, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói về việc xây tường chắn như sau: Đảng bộ và chính quyền đều thấy rõ những lợi ích mà đường bê-tông cốt thép mang lại. Tường trước hết là để bảo vệ môi trường, tôn vinh và làm đẹp thêm cảnh quan tự nhiên tạo ra hệ thống giao thông ven biển theo quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Cho nên dù có tốn kém tỉnh cũng quyết tâm làm. Tất nhiên phải làm dần, làm trong nhiều năm. Trong hai năm (2010 – 2011) tỉnh sẽ hoàn thành đường bê-tông ven biển dài 1,1 km thuộc dự án đường bao biển Lán Bè – Cột Đồng Hồ nối đường bao biển núi Bài Thơ và công viên văn hóa Hạ Long. Các đoạn khác sẽ tiếp tục làm trong các năm sau.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()