Giữ môi trường nông thôn trong lành
Cuối năm 2012, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ vệ sinh và môi trường xã Chí Ðám (huyện Ðoan Hùng, Phú Thọ) được tổ chức với 11 thành viên tham gia, vốn điều lệ 300 triệu đồng. Sau khi thành lập, hoạt động của HTX tỏ ra khá hiệu quả, bước đầu nghiên cứu, xây dựng và sử dụng lò đốt rác thải bệnh viện theo nguyên tắc bếp Hoàng Cầm công suất cao, tiến tới mở rộng phạm vi, dịch vụ hoạt động.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng dân số và nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn ngày càng tăng. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, người nông dân ít chịu sự tác động của ô nhiễm nên không mấy quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Do tác động của cuộc sống hiện đại, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên bức xúc đối với bà con. Rác thải từ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, thói quen trong sinh hoạt của nhân dân cùng với khó khăn về ngân sách, quy hoạch trong tổ chức thu gom, xử lý rác thải chưa được thực hiện là nguyên nhân khiến ô nhiễm môi trường ngày càng tăng trong khu vực nông thôn. Hậu quả của nạn ô nhiễm môi trường đã gây nên dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống, kinh tế của người dân, cảnh quan môi trường và sự phát triển kinh tế – xã hội của các làng, xã. “Xứ bưởi” Chí Ðám (huyện Ðoan Hùng) cũng không ngoại lệ, ô nhiễm môi trường từng ngày “đe dọa” cuộc sống yên bình của người dân, đặt ra yêu cầu bức thiết có một tổ hợp chuyên đứng ra làm dịch vụ thu gom, xử lý rác thải trong xã.
Theo chương trình phối hợp giữa UBND huyện Ðoan Hùng và Liên minh HTX tỉnh, cùng với sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, cuối năm 2012, HTX dịch vụ vệ sinh và môi trường xã Chí Ðám được tổ chức với vốn điều lệ 300 triệu đồng, có 11 thành viên tham gia, trên cơ sở kế thừa hoạt động của tổ vệ sinh môi trường trước đây. Ngay sau khi thành lập, ngoài việc thực hiện các nội dung về xây dựng bộ máy, cán bộ, hoàn thiện các khâu cần thiết để đi vào hoạt động, HTX đã tập trung triển khai công tác chuyên môn và đạt được một số kết quả khích lệ. Từng thành viên trong HTX đã tích cực phối hợp các đơn vị hữu quan, tổ chức đoàn thể thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn và một số địa phương lân cận, nhằm từng bước nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Từ việc làm này, HTX đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận tích cực của các cán bộ, đảng viên, nhân dân và các đơn vị trong khu vực, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người và mỗi đơn vị trên địa bàn, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, tự mình bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính mình. HTX đã thực hiện được việc thu phí thu gom rác thải trên cơ sở tự nguyện, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với từng hộ dân và các đơn vị, không tạo áp lực, khó chịu cho người dân. Ðây là nét mới, vận dụng sáng tạo thành công của HTX trong việc giải quyết mức thu phí vệ sinh môi trường. Từ thành công này giúp cho HTX có thêm cơ sở, điều kiện để cân đối thu – chi trong hoạt động của mình.
Cùng với giải pháp thu phí vệ sinh môi trường, đơn vị đã tích cực nghiên cứu, mở rộng địa bàn thu gom rác thải, kết nạp thành viên, mở thêm ngành nghề dịch vụ. Khi hoạt động theo mô hình tổ vệ sinh môi trường trước đây, tổ mới chỉ thực hiện thu gom rác thải dọc quốc lộ 2 thuộc địa bàn năm khu dân cư thuộc xã Chí Ðám, đến nay HTX đã mở rộng địa bàn thu gom tại 11/17 khu trong xã, hợp đồng thu gom tại Bệnh viện Hùng Vương và khu vực Nhà máy 129 thuộc xã Ðội Bình (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang). Với việc mở rộng địa bàn, số lượng rác thải thu về bãi tập kết đã tăng lên khoảng ba tấn/ngày. Ðể đáp ứng yêu cầu công việc, HTX kết nạp thêm tám thành viên, nâng vốn điều lệ từ 300 triệu đồng lên 500 triệu đồng. Ðồng thời, mở rộng thêm một số dịch vụ khác như nhận thầu các hồ đập, cải tạo một số đầm lầy hoang hóa với diện tích 10 ha để nuôi trồng thủy sản, trồng sen thu hạt và có nguồn nguyên liệu dự trữ, sản xuất phân vi sinh cung ứng cho thị trường trong tương lai. Không ngừng tham quan, học hỏi, Chủ nhiệm HTX đã tự nghiên cứu, xây dựng và đưa vào sử dụng lò đốt rác thải bệnh viện theo nguyên tắc của bếp Hoàng Cầm với công suất gần 300 kg rác thải/mẻ, kinh phí 28 triệu đồng. Qua sử dụng, bước đầu cho thấy mô hình này khá hiệu quả, vừa rẻ hơn nhiều so thiết bị đốt rác của các bệnh viện đang sử dụng, khói thoát ra sau khi đốt có mầu trắng, thể hiện mức độ ô nhiễm môi trường ít, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện của đơn vị. Dự kiến trong thời gian tới, HTX sẽ nhận thi công, duy tu, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức dịch vụ tang lễ, bơm hút hầm bi-ô-ga; dịch vụ trồng cây xanh, cây cảnh,…
Chủ nhiệm HTX Trần Ngọc Bình cho biết: HTX mới thành lập và còn gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ lao động… Năm 2013, doanh thu của đơn vị mới đạt 140 triệu đồng, lợi nhuận 38 triệu đồng, lương bình quân thành viên HTX hơn 1,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, HTX vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Ðược chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong vùng đồng thuận, tự nguyện tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, anh Trần Ngọc Bình tin tưởng những hoạt động của HTX trong thời gian tới chắc chắn sẽ ngày càng hiệu quả, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, giảm ô nhiễm, đưa hoạt động bảo vệ môi trường dần trở thành ý thức thường xuyên và mục tiêu hành động của mỗi người dân nơi đây.
Làm cho cảnh quan địa phương ngày càng xanh, sạch, đẩy lùi dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho nhân dân là cách khẳng định vai trò, vị thế của HTX dịch vụ vệ sinh môi trường xã Chí Ðám trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()