Giữ lời hứa với cử tri và nhân dân - Nhìn từ nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: Kiểm soát, chống tha hóa quyền lực
Với mỗi cán bộ giữ các chức vụ lãnh đạo, lời hứa lớn nhất trước Đảng, Quốc hội, cử tri và đồng bào là hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ; hết lòng, hết sức phụng sự Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Quốc hội có chức năng giám sát tối cao, kiểm soát quyền lực để mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước phải hoàn thành đúng bổn phận, chức trách của mình, chống tha hóa quyền lực, ngăn chặn các hành vi tiêu cực.
Vai trò của Quốc hội trong kiểm soát quyền lực
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định rõ định hướng: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”.
Đồng thời xác định một trong những nội dung của đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế là “tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”. Thực hiện chủ trương của Đảng, cả hệ thống chính trị của nước ta trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình đều đang nỗ lực hết sức nhằm kiểm soát quyền lực, chống tha hóa quyền lực.
Đại biểu Quốc hội giơ biển đề nghị được tranh luận trong phiên chất vấn về nhóm vấn đề văn hóa-xã hội tại Kỳ họp thứ sáu. Ảnh: VPQH cung cấp
Ở nước ta hiện nay đang có nhiều cơ chế kiểm soát quyền lực khác nhau. Đó là cơ chế kiểm tra, giám sát của Đảng; cơ chế kiểm soát quyền lực chéo giữa các cơ quan thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cơ chế kiểm soát từ các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm toán; cơ chế tự kiểm soát thông qua các thiết chế kiểm soát nội bộ; cơ chế kiểm soát từ trên xuống thông qua lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cơ chế kiểm soát từ dưới lên thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị; cơ chế phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể thành viên; cơ chế giám sát, phản biện trực tiếp từ nhân dân, báo chí…
Trong đó, bên cạnh cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Quốc hội có đầy đủ chức năng, quyền hạn Hiến định để phát huy tốt nhất vai trò kiểm soát quyền lực, chống tha hóa quyền lực. Trong bài viết có tựa đề “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, góp phần kiểm soát quyền lực và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” đăng trên Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu nhận định: “Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Quốc hội Việt Nam luôn thể hiện vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ cơ chế tổ chức, vận hành, thực thi và kiểm soát quyền lực nhà nước, luôn khẳng định bản lĩnh một Quốc hội hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước”.
Cụ thể, Quốc hội kiểm soát quyền lực thông qua hoạt động lập pháp. Bằng cách xây dựng các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Quốc hội quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan trong các luật tổ chức; quy định rõ những việc mà cán bộ, công chức, viên chức được làm, những hành vi bị nghiêm cấm và chế tài cụ thể với từng loại hành vi lạm quyền, tha hóa quyền lực.
Với chức năng giám sát tối cao, Quốc hội kiểm soát quyền lực, chống tha hóa quyền lực bằng cách giám sát việc thực thi Hiến pháp và pháp luật. Các hình thức giám sát chuyên đề, giám sát thường xuyên; chất vấn hoặc yêu cầu thành viên Chính phủ và người đứng đầu các cơ quan ở Trung ương giải trình; lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri, nhân dân; thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… thể hiện rất rõ là những phương thức kiểm soát quyền lực, chống tha hóa quyền lực rất hữu hiệu.
Với chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội quyết định các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công; quyết định chủ trương đầu tư các dự án lớn, trọng điểm quốc gia; bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao… Đây cũng là phương thức kiểm soát quyền lực, chống tha hóa quyền lực hiệu quả, tránh để quyền lực tập trung quá lớn vào một cá nhân hay một cơ quan; trực tiếp xử lý người có hành vi lạm quyền hoặc tha hóa quyền lực thông qua việc bãi nhiệm các chức danh thuộc thẩm quyền…
Áp lực và động lực
Kế thừa và phát huy những thành tựu của Quốc hội các khóa trước, Quốc hội khóa XV liên tục có sự đổi mới phương thức hoạt động qua từng kỳ họp và những nỗ lực đổi mới ấy đã mang lại những kết quả cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã thực hiện hai nội dung rất quan trọng là lấy phiếu tín nhiệm và chất vấn việc thực hiện các nghị quyết chất vấn, nghị quyết giám sát của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ tư.
Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ sáu.
Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: VPQH cung cấp
Nghị quyết đã quy định rõ về các căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm. Trong đó có trách nhiệm nêu gương của bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm và của cả vợ/chồng, con của người được lấy phiếu tín nhiệm trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao thể hiện bằng số lượng, chất lượng sản phẩm cụ thể; kết quả việc thực hiện các cam kết, vấn đề đã hứa và việc thực hiện các nghị quyết chất vấn, nghị quyết giám sát của Quốc hội… Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Người có số phiếu tín nhiệm thấp từ quá nửa đến dưới 2/3 có thể xin từ chức hoặc được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm; nếu có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp thì đề nghị thực hiện thủ tục miễn nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp cho các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ sáu là áp lực, tuy nhiên áp lực đó được chuyển hóa thành động lực để các cá nhân thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm nỗ lực, cố gắng hết sức mình để ghi điểm trước cử tri, đồng bào và trước Quốc hội, bởi đó là một trong những thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ.
Nói về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: “Qua lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội, cử tri mong muốn và kỳ vọng ở Chính phủ nhiều hơn nữa, vì vậy, chúng ta đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, tập trung giải quyết công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”.
Thể hiện tốt vai trò đại diện cử tri, nhân dân
Lần đầu tiên tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành chất vấn việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, nghị quyết giám sát của Quốc hội khóa XIV và Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ tư. Với đổi mới rất căn bản, tất cả thành viên Chính phủ, trưởng ngành cùng lúc sẵn sàng trả lời chất vấn, Quốc hội khóa XV đã chất vấn theo 4 nhóm lĩnh vực. Sự đổi mới này giúp công tác chất vấn tập trung hơn để làm rõ vấn đề, người được chất vấn không bị “kéo căng” trong thời gian quá dài, trong khi đó có những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, ngành.
Do đó, chất lượng công tác chất vấn đã được nâng lên rõ rệt. Chỉ trong 2,5 ngày chất vấn, hơn 70 vấn đề nổi lên thuộc 21 lĩnh vực đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra trước nghị trường thông qua 152 lượt đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn và phát biểu tranh luận. Kết thúc thời gian chất vấn nhưng vẫn còn tới 310 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 15 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu tranh luận chưa có cơ hội đăng đàn trực tiếp, mà phải gửi chất vấn, tranh luận bằng văn bản tới các cơ quan hữu quan. Số lượt đại biểu đăng ký chất vấn, tranh luận cao kỷ lục, gần như ngang bằng với số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV cho thấy, các đại biểu Quốc hội khóa XV đang tích cực thực hiện lời hứa của mình khi ứng cử, thực hiện rất tốt vai trò đại diện cho cử tri, nhân dân cả nước tại Quốc hội.
Tại các kỳ họp của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã dành thời gian thích đáng cho việc nghe báo cáo, thảo luận về báo cáo của Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao năm 2023; báo cáo công tác của Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2023; báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023; báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. Kết quả của các hoạt động này tiếp tục tạo ra áp lực, động lực để các cơ quan nói trên tiếp tục nghiêm túc thượng tôn pháp luật, thực thi chức trách, nhiệm vụ, hạn chế hiện tượng lạm dụng quyền lực, tha hóa quyền lực.
Có thể khẳng định, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được Đảng, cử tri và nhân dân tin tưởng phó thác trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, kiểm soát và chống tha hóa quyền lực, góp phần tích cực bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/giu-loi-hua-voi-cu-tri-va-nhan-dan-nhin-tu-nua-nhiem-ky-quoc-hoi-khoa-xv-bai-4-kiem-soat-chong-tha-hoa-quyen-luc-753917
Ý kiến ()