Giữ 'liêm,' cái gốc của người cán bộ - ngọc càng mài càng sáng
Rèn luyện để giữ liêm là cả quá trình, đòi hỏi mỗi cá nhân phải luôn răn mình, nhẫn nại và nỗ lực, nêu cao chữ liêm để giữ được thanh danh, bồi đắp thêm niềm tin của người dân với cán bộ công quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội tháng 12/1966.
Giữ “liêm” trong cán bộ, đảng viên là yêu cầu đặt ra cho mỗi người trong sinh hoạt, nếp sống cũng như thừa hành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đây là quá trình tôi luyện lâu dài, đòi hỏi mỗi cá nhân tự ý thức để tự răn, tự rèn, để liêm khiết phải luôn là phẩm chất hàng đầu của người cán bộ.
Tự răn, tự rèn
Trước tiên phải thấy rằng đạo đức của cán bộ, đảng viên không phải tự nhiên mà hình thành, như cách nói của Người, đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống, mà do tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ hằng ngày để phát triển, củng cố, như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.”
Theo lời Người, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, việc rèn luyện đạo đức cách mạng là yêu cầu nội tại, thường xuyên, liên tục.
“Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào, thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít…”
Liêm và giữ được liêm, trước hết phải là quá trình tự thân. Muốn bền chặt, vững chãi, hẳn phải từ gốc, đó là nhận thức, tình cảm, là quyết tâm của chính mỗi người khi hiểu về chữ liêm và tôi rèn để có liêm.
Cuộc sống vốn nhiều cám dỗ, đặc biệt khi mở ra cơ chế thị trường, những tác động trái chiều cũng từ đó ùa theo, len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.
Đất nước hơn 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu vô cùng tự hào, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến những biến động đáng lo ngại về đạo đức, lối sống và nhận thức của con người, trong đó có một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Từ đây đã nảy sinh những tư tưởng, ý thức, tiêu chí đạo đức đi ngược lại với những giá trị truyền thống của dân tộc.
Quan hệ chủ yếu, xuyên suốt trong cơ chế thị trường là hàng hóa-tiền tệ, đồng tiền đã đi vào mọi hoạt động xã hội, cả trong đời sống tinh thần, trong quan hệ gia đình.
Điều này đã có những tác động không nhỏ tới tâm tư, tình cảm của con người, đưa tới những thay đổi mà hệ lụy của nó là hình thành những tư tưởng, suy nghĩ, hành động không còn theo chuẩn mực truyền thống đã có, những tiêu cực, trái chiều từ đó nảy sinh trong xã hội.
Đâu đó xuất hiện thói khoe khoang, sống xa hoa, vương giả, đâu đó là thái độ cửa quyền, sách nhiễu, gây khó khăn cho người dân trong giải quyết công việc, đâu đó là sự thờ ơ, vô cảm trước những thói hư, tật xấu trong xã hội…
Những hiện tượng này xuất hiện không ít trong cuộc sống, có tác động, ảnh hưởng không tốt tới những giá trị chuẩn mực trong xã hội.
Để liêm, điều căn bản, sâu xa nhất là nhận thức, hiểu rõ được tầm quan trọng, từ đó mới có hành động đúng.
Người cán bộ, đảng viên phải giữ liêm bằng bản lĩnh và sự tỉnh táo, trọng danh dự, nhân phẩm của mình hơn vinh hoa phù du.
Muốn liêm và giữ liêm, mỗi cán bộ, đảng viên phải giác ngộ, tự tu dưỡng và rèn luyện. Nó bắt nguồn từ những việc rất nhỏ trong cuộc sống, trong công việc, trong cách ứng xử.
Đó là làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình trong thừa hành công vụ, là dám đấu tranh, lên án với những hành vi sai trái, vụ lợi, là loại bỏ ham muốn tiền bạc, giàu sang bất chính, là sống khiêm nhường, không khoe khoang hợm hĩnh, không bợ trên nạt dưới, không vòi vĩnh, tranh thủ để tư lợi cho mình và người thân…
Rèn luyện để giữ liêm là cả quá trình, đòi hỏi mỗi cá nhân phải luôn răn mình, nhẫn nại và nỗ lực, phải nêu cao chữ liêm để giữ được thanh danh, từ đó bồi đắp thêm niềm tin của người dân với cán bộ công quyền.
Việc tự tu dưỡng, rèn luyện không hề dễ dàng mà cần kiên định và quyết tâm, như ví von của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài thơ “Nghe tiếng giã gạo”(Tập thơ Nhật ký trong tù): “Gạo đem vào giã bao đau đớn/Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/Sống ở trên đười người cũng vậy/Gian nan, rèn luyện mới thành công.”
Điều này đang càng trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết bởi như Người dặn: “mọi thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu.”
Cán bộ chính là mắt xích quan trọng, là dây chuyền của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể, Nhân dân, “là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng.”
Nêu gương phải trở thành triết lý sống của xã hội
Sinh thời, Chủ tịch luôn coi trọng công tác cán bộ bởi Người luôn coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc.”
Vì thế Người luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên.” Một trong những cách thức, biện pháp mà Người luôn nhắc tới khi xây dựng đội ngũ cán bộ đó là “nêu gương.”
Đề cao tính hiệu quả của nêu gương trong lãnh đạo, nhất là trong công tác tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.”
Người cho rằng: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới.”
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chí Hiếu (Tạp chí Cộng sản) sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh là ở chỗ nói luôn đi đôi với làm, dù việc lớn hay việc nhỏ, tự mình phải làm gương trước. Tấm gương nói đi đôi với làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ quan niệm của Người, từ lòng dạ trong sáng, chính tâm, thật sự vì dân, vì nước. Người khuyên mọi người sống trong sạch, không ham tiền tài, danh vọng, không cậy quyền thế mà đục khoét của dân.
Cuộc sống giản dị, trong sạch của Bác thật sự là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền phải tự soi lại mình.
Nhấn mạnh tới yêu cầu đặt ra hiện nay là thực hiện noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những hành động cụ thể, thực chất và thiết thực, tránh rơi vào “bệnh” hình thức, thành tích hoặc thực hiện theo kiểu cho có phong trào một cách đại khái, qua loa, chiếu lệ, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, cần phải nhận thức rõ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải việc làm cao siêu, to tát, mà rất gần gũi, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị và sinh hoạt hằng ngày. Phương châm thực hiện cần quán triệt ở đây là “trên trước, dưới sau,” “trong trước, ngoài sau,” học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng vấn đề nêu gương.
Theo giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Bác không chỉ tâm nguyện mà Bác còn hành động. Cả cuộc đời Bác không màng danh lợi, ở ngoài vòng danh lợi để có thể toàn tâm, toàn ý vì dân. Bác nhấn đi nhấn lại rằng, chúng ta phải là đầy tớ, công bộc trung thành, tận tụy của dân, Bác còn dạy là nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động, lời nói đi đôi với việc làm, đã nói thì phải làm.
Muốn nêu gương trước hết chủ thể nêu gương ấy phải gương mẫu, trung thực, trách nhiệm, phải có đức hy sinh, tức là có động cơ sống trong sáng, vì dân, vì nước, không có gì riêng tư.
Giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, nêu gương không chỉ là vấn đề nhận thức, mà còn là hành động, hai nội dung phải nhất quán với nhau, nói đi đôi với làm.
Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, được người dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành bản Quy định này, giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cho rằng, phải triển khai những giải pháp đồng bộ, trong đó điều đầu tiên là phải nâng cao nhận thức, phải xây dựng, giáo dục về liêm sỉ, danh dự, giáo dục sự biết tự phê phán, tự cảnh tỉnh mình khi làm những điều xấu xa, không xứng đáng.
Lương tâm và danh dự rất quan trọng, nhất là đối với người lãnh đạo. Đi cùng với việc giáo dục nâng cao nhận thức, rất cần dựa vào nhân dân để kiểm tra, giám sát và siết chặt kỷ cương, luật pháp, các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị.
Bàn luận về tầm quan trọng của việc nêu gương trong bối cảnh hiện nay, giáo sư-tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang Liêm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nêu một thực tế, khi con người ở tình huống gay cấn, nguy cấp, sẽ dễ bộc lộ những phẩm chất vượt trội, thực sự xứng đáng là tấm gương.
Trong cuộc sống bình an, hình như nhu cầu trở thành tấm gương và việc nêu gương không rõ ràng. Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa đóng góp to lớn của nêu gương, theo giáo sư-tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang liêm, cần giáo dục cho mọi người hành động nêu gương phải trở thành ý thức tự nhiên, sự rèn luyện thường xuyên, trở thành triết lý sống của xã hội, một triết lý luôn luôn mong muốn tử tế, tốt đẹp hơn.
Việc nêu gương phải bền bỉ, phải trở thành việc làm thường xuyên. Trong Lời kêu gọi thi đua ngày 1/8/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ.”
Công tác thi đua, xây dựng các tấm gương, nêu gương và lan tỏa hình ảnh đẹp của các tấm gương cần được thực hiện với tâm thế phấn khích, liên tục, không được đánh trống bỏ dùi – ông Nguyễn Quang liêm nêu quan điểm.
Đưa ra những phân tích, nhìn nhận về những tác động mặt trái, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nhấn mạnh biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong nội bộ Đảng là phải đoàn kết chặt chẽ, đẩy mạnh việc quán triệt, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, bằng việc nêu gương, trước hết là nêu gương về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, gương mẫu đi đầu trong công việc; hoàn thành nhiệm vụ, nói đi đôi với làm, thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kiên quyết chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân…
Đó là cơ sở để giữ vững ổn định chính trị, phát triển đất nước, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa: ‘Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư,’ trở thành tấm gương sáng cho quần chúng học tập, noi theo.”/.
Ý kiến ()