Giữ không gian đẹp cho mùa lễ hội
Để lưu giữ những nét đẹp đó, những năm qua công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điển hình là tình trạng ăn xin, ăn mày cửa đền, chen lấn, phản cảm ở một số lễ hội đã giảm, hiện tượng hàng quán lộn xộn, chèo kéo du khách cũng đã hạn chế ở nhiều lễ hội. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ khách trẩy hội đầu năm, dường như đã và đang có một cách hiểu sai lệch, xa lạ với những giá trị tốt đẹp của lễ hội. Cũng bởi vậy, sự thành kính, linh thiêng của nơi thờ cúng bị lợi dụng, thương mại hóa để kiếm tiền, cầu danh, cầu lợi cho bản thân, đốt vàng mã tràn lan, gây lãng phí. Công tác quản lý chưa chặt chẽ, thiếu quy hoạch khiến lễ hội ở nhiều nơi trở nên lộn xộn, mất an ninh, trật tự, giao thông ùn tắc. Rồi thu dọn rác thải, vệ sinh công cộng ở các lễ hội yếu kém khiến môi trường bị ô nhiễm cùng việc dựng hòm công đức bừa bãi, rải tiền lẻ tiếp tục tái diễn, gây phản cảm…
Múa sư tử tại hội Háng Ví, xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng |
Bước vào mùa lễ hội năm 2014, nhằm giảm thiểu những tệ nạn, tiêu cực, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành công văn, kế hoạch chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động mừng Đảng – mừng Xuân Giáp Ngọ và khai mạc Lễ hội Xuân Xứ Lạng 2014. Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thành phố yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông, phối hợp với thanh tra giao thông tăng cường tuần tra lưu động, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Bố trí ứng trực, thực hiện phân luồng và xử lý kịp thời khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các lễ hội vào giờ cao điểm. Cùng với đó, triển khai nghiêm túc công văn số 84/UBND-KTTH của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng.
Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Sở đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý phù hợp để người dân tham gia lễ hội sử dụng tiền mệnh giá nhỏ có giới hạn nhất định, điều chỉnh hành vi của mình, thực hành tín ngưỡng lành mạnh và tiết kiệm. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan tăng cường quản lý tại khu di tích, đền, chùa, lễ hội, nghiêm cấm các hình thức kinh doanh đổi tiền có mệnh giá nhỏ để hưởng chênh lệch, đồng thời vận động, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh, sử dụng đồng tiền hợp lý, đúng mục đích văn hóa trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Có dịp thực tế tại một số đền trên địa bàn tỉnh, chúng tôi ghi nhận có những chuyển biến tích cực. Tình trạng ăn xin- từng là một vấn nạn ở đền Bắc Lệ (Hữu Lũng) cơ bản còn không tồn tại. Hiện tượng “chặt chém”, chèo kéo khách cũng đã hạn chế.
Theo Ban tổ chức đền Bắc Lệ, trước những bức xúc của người dân trong mùa lễ hội 2013 về tình trạng người ăn xin, ăn mày phổ biến nơi cửa đền, chính quyền địa phương đã triệt để chấn chỉnh tình trạng này…. Ở lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc), năm nay thời tiết thuận lợi nên lượng khách du lịch trong tỉnh, ngoài tỉnh, khách nước ngoài đến tham dự lễ hội rất đông. Từ kết quả và kinh nghiệm những mùa lễ hội khác, Công an tỉnh, huyện đã huy động nhiều lực lượng cùng tham gia đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường nhân lực và phương tiện tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa tội phạm… Vì vậy, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, không xảy ra ùn tắc giao thông; không xảy ra tệ nạn cờ bạc trá hình và các hoạt động trộm cắp, cố ý gây thương tích, lợi dụng mê tín dị đoan gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Qua đây, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách tham dự lễ hội.
Có thể nói, cùng với việc tăng cường công tác quản lý lễ hội, việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về giá trị lịch sử văn hóa của di tích, ý nghĩa của lễ hội; đồng thời bổ sung các bảng, biển hướng dẫn du khách chấp hành các quy định, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội.
Ý kiến ()