Giữ khoảng cách an toàn, ngăn tai nạn giao thông
LSO-Thời gian qua, trên địa bàn cả nước cũng như ở Lạng Sơn xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) do lái xe không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước. Để ngăn ngừa tai nạn, ngoài việc tuân thủ quy định “cự ly tối thiểu giữa hai xe”, người điều khiển phương tiện cần căn cứ vào tình hình giao thông thực tế mà giữ khoảng cách an toàn phù hợp.
Cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh kiểm tra hành chính đối với lái xe ô tô lưu thông trên quốc lộ 1A |
Trong năm 2016, trên địa bàn Lạng Sơn xảy ra 2 vụ TNGT do lái xe không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước. Theo phân tích của Ban An toàn giao thông tỉnh, tuy không chiếm tỷ lệ cao như vi phạm về phần đường, tốc độ… song việc lái xe không giữ khoảng cách an toàn là một trong những nguyên nhân dẫn tới TNGT.
Thiếu tá Hứa Quang Huy, Phó Đội trưởng phụ trách Đội Tuyên truyền – Xử lý vi phạm, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh phân tích: Việc không giữ khoảng cách an toàn tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao là bởi khi chúng ta chạy quá gần xe phía trước, sẽ không có đủ thời gian để có thể đưa ra những phản ứng kịp thời với thay đổi từ xe phía trước. Giả sử khi xe phía trước phanh gấp, ta cũng sẽ phải phanh, nhưng nếu đi quá gần thì khoảng cách giữa xe của ta với xe phía trước không đủ để có quãng đường phanh an toàn.
Giữ khoảng cách an toàn là một trong những quy tắc giao thông được quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể là người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ chạy xe trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình. Ở nơi có biển báo “cự ly tối thiểu giữa hai xe”, lái xe phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.
Khoảng cách an toàn được quy định tại Thông tư 91/2015 của Bộ Giao thông – Vận tải. Theo đó, khoảng cách an toàn (cự ly tối thiểu) giữa hai phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ ứng với mỗi tốc độ chạy xe. Ví dụ, đối với ô tô, trường hợp mặt đường khô ráo, tốc độ chạy xe từ 60 km/h – 80 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 35 m; tốc độ 80 km/h – 100 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 55 m…
Anh Triệu Đức Bình, giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm Dạy nghề tư thục Tùng Linh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nguyên tắc giữ khoảng cách an toàn đó là tốc độ càng cao thì khoảng cách càng xa. Khi chạy xe trên đường cao tốc hoặc quốc lộ, lái xe có thể nhìn xe phía trước đi tới một điểm cố định bên đường như cột điện, biển báo và đếm nhẩm từ 1 đến 10 hoặc từ 1 đến 8… (tùy tốc độ chạy xe, điều kiện đường sá…), nếu đếm xong mà xe của bạn chưa tới hoặc vừa tới điểm mốc đó thì hai xe đang giữ khoảng cách an toàn. Còn trên đường đô thị, lái xe phải linh hoạt trong giữ khoảng cách với xe phía trước và tập trung để làm chủ tay lái, sẵn sàng phản ứng với mọi trường hợp.
Theo kinh nghiệm của nhiều lái xe, ngoài việc giữ khoảng cách an toàn tương ứng với tốc độ chạy xe thì người tham gia giao thông phải căn cứ vào mật độ phương tiện, điều kiện giao thông thực tế mà điều chỉnh khoảng cách phù hợp. Anh Nông Đức Thiện, lái xe tải, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường quanh co, đèo dốc, tốt nhất là điều chỉnh khoảng cách an toàn với xe chạy liền phía trước lớn hơn khoảng cách quy định để kịp thời xử lý nếu xảy ra tình huống bất ngờ.
Hiện nay, mức phạt cao nhất đối với hành vi không giữ khoảng cách an toàn là 5-6 triệu đồng (trường hợp lái xe ô tô không giữ khoảng cách an toàn theo quy định gây TNGT), người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn. Phạt nặng là nhằm răn đe, giáo dục song để ngăn ngừa TNGT, quan trọng hơn cả vẫn là người điều khiển phương tiện tự giác tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn khi lưu thông trên đường.
BẢO VY
Ý kiến ()