Giữ gìn vẻ đẹp sang trọng cho thơ
Quan sát đời sống thơ ca thời gian qua, có thể nhận ra không ít tồn tại mà nếu điều chỉnh, cải thiện được sẽ góp phần nâng lên sự trân trọng hoặc đánh giá đầy đủ hơn, thiện chí hơn trong xã hội đối với tác phẩm thơ, với nhà thơ.
Vị thế của thơ ca và nhà thơ đang ở đâu?
Do tác động của kinh tế thị trường và sự cởi mở trong cơ chế xuất bản, sách văn học được xuất bản rất nhiều, trong đó có rất nhiều ấn phẩm thơ. Đáng chú ý, trong những năm qua, dễ nhận thấy, rất phổ biến trong việc xin-cấp giấy phép là các tập thơ của lực lượng đông đảo các tác giả không chuyên. Những tập thơ thường chất lượng không cao, ít có sự tìm tòi, đổi mới về ngôn ngữ, ý tứ, cách diễn đạt. Những tập thơ như vậy thường in với số lượng ít, khoảng vài trăm bản, và có phạm vi lưu hành, sử dụng hẹp, trong các nhóm thi huynh, thi hữu ở địa bàn cơ sở, giữa các câu lạc bộ, các tác giả với nhau.
Cao hơn về chất lượng thường là thơ của các nhà thơ hội viên các hội văn học nghệ thuật địa phương, Trung ương. Nhưng cũng thường được in với số lượng không nhiều. Và việc phát hành cũng không thuận lợi do thị trường xuất bản, bạn đọc kém mặn mà với thơ. Các nhà xuất bản, đơn vị làm sách thường lắc đầu với bản thảo thơ. Nhiều tập thơ của các tác giả được coi là chuyên nghiệp cũng phổ biến ở việc tặng, trao đổi giữa các đồng nghiệp, hiếm có dịp xuất hiện và được mua nhiều ở các hiệu sách, hội sách. Việc phát hành thơ qua mạng xã hội cũng thưa thớt bên cạnh các tác phẩm văn xuôi, văn học dịch.
Nhà thơ Huyền Thư ký tặng độc giả tập thơ “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu” tại Đường sách TP Hồ Chí Minh, tháng 1-2018. Ảnh: KHẮC TIẾN |
Ngược lại, tận dụng thế mạnh của hoạt động báo chí, truyền thông, đã có những tác giả, đơn vị xuất bản tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá, ra mắt ấn phẩm thơ. Nhưng không ít kỳ cuộc lại có sự thông tin, tôn vinh, khen ngợi quá đà. Đáng băn khoăn, khi dường như xuất hiện một điều hơi nghịch lý, là trong các hoạt động sinh hoạt thơ ca thì việc đọc, trình diễn, thể hiện thơ lại phần nào bị lấn át bởi việc phẩm bình, nhận xét, trao đổi về thơ.
Còn vị thế nhà thơ, dường như có điều gì đó bất thường, nhưng đã quá quen và quá lâu nên trở thành bình thường. Có những khi trong đời sống xã hội, nhà thơ được nhắc tới, được bình luận, thậm chí được thể hiện, thường hơi… không bình thường với những trạng thái suy nghĩ lơ mơ, lãng mạn, thiếu thực tế. Tệ hơn là với bộ dạng lôi thôi, có khi không được sạch sẽ! Và dù chỉ là việc đùa vui nhưng cũng phần nào cho thấy trong mắt nhiều người, với thơ và người làm thơ, có gì đó buồn cười. Đáng ngại nữa là một mặc định ngầm ẩn nào đó rằng người làm thơ thì thường hay thâm nho, thích châm chích, hay viết xỏ xiên, vì thế, đó là một “đối tượng” cần phải… đề phòng!
Hình ảnh nhà thơ, từ bậc trí giả trong xã hội xưa, đồng nhất với con người uyên thâm, giàu chữ nghĩa, nói và viết những điều đạo lý, triết lý sâu xa; đến nét văn minh, lịch lãm, thổi những làn gió mới mẻ, trẻ trung vào việc đọc thơ, vào cách viết, cách dùng từ ngữ của công chúng trong thời kỳ giao lưu văn hóa thời kỳ Thơ mới; đến tư thế hào sảng, khí thế kiên cường, tinh thần nhập cuộc cùng thời đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ; đến cái nhìn bị thiên lệch với bộ dạng, hành động có phần đáng cười cợt, hơi không tỉnh táo, hơi dị biệt trong đời sống hôm nay; có lẽ đây là một đề tài đáng để phản ánh, lý giải từ góc độ nghề nghiệp, tư cách công dân của nhà thơ và nhận thức xã hội.
Chất lượng thơ không cao; sự ra đời ồ ạt của các tập thơ trung bình; hạn chế trong việc định hướng với xã hội về giá trị thơ ca; thiếu hụt trong quảng bá rộng rãi các tác phẩm thơ chất lượng cao; những cái nhìn có phần hạn hẹp, thiếu ủng hộ đối với những nỗ lực tìm tòi, đổi mới thơ ca; thêm một phần tác động từ quan niệm còn hạn chế trong xã hội về hình ảnh nhà thơ… Những điều này có lẽ đã phần nào dẫn đến sự lúng túng của một bộ phận bạn đọc trong việc chọn lựa, cảm thụ tác phẩm thơ, thậm chí lạnh nhạt với thơ.
Đầu tư sâu cho tác phẩm, bản thảo chất lượng tốt
Trong chính sách đầu tư sáng tác của Nhà nước với hội nghề nghiệp như Hội Nhà văn Việt Nam, hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố, nên thúc đẩy hình thức xét chọn bản thảo để chọn lọc đầu tư, đầu tư sâu đối với các bản thảo chất lượng tốt, trong đó có bản thảo thơ; đồng thời nên giúp cả đầu tư cho in ấn, quảng bá, phát hành. Như vậy, có thể đầu tư đối với tác giả về cả công sức sáng tạo lẫn nhuận bút thỏa đáng khi tác phẩm được ấn hành, cũng như cả phần lợi nhuận chính đáng nếu tác phẩm được phát hành tốt. Sự đồng hành trong khâu quảng bá, phát hành cũng nên được áp dụng với các tác phẩm thơ giành được giải cao của hội nghề nghiệp như giải thưởng thơ hằng năm, và rộng hơn là qua các giải thưởng uy tín khác trong xã hội. Bởi ngoài sự tiếp nhận của xã hội, cần có sự đồng hành, tiếng nói định hướng thuyết phục của hội nghề nghiệp, đơn vị chuyên môn để công chúng có được nhiều thông tin và nhanh hơn, dễ dàng hơn, thuận tiện hơn trong việc tìm các tác phẩm thơ hay.
Tất nhiên, trách nhiệm thẩm định của các hội đồng chuyên môn, hội nghề nghiệp sẽ rất nặng nề. Trong khi quan điểm, ý kiến về thơ hay, tác phẩm, bản thảo chất lượng tốt lại rất đa dạng, nhiều khi không đồng nhất. Vì thế, để tránh bó hẹp, xuôi chiều, hội nghề nghiệp nên mở rộng đối tượng chọn lựa, thẩm định đối với cả các bản thảo thơ lẫn tác phẩm thơ tham dự giải thưởng. Đặc biệt, công tác này nên được làm thường xuyên chứ không chỉ vào quãng vài tháng cuối năm vốn vẫn hay được coi là mùa xét giải thưởng.
Trong hoạt động xuất bản, việc cấp giấy phép cho các tập thơ là rất thông thoáng, nhưng năng lực các tác giả không chuyên có hạn nên mâu thuẫn giữa việc in ấn nhiều mà chất lượng không cao, ít dấu ấn, thiếu sự nổi trội dường như khó giải quyết. Một cách cần làm hơn cả là nâng cao hiệu quả lao động thẩm định, biên tập của biên tập viên nhà xuất bản. Các biên tập viên cần đồng hành tích cực hơn với các tác giả trong việc biên tập, chỉnh sửa, nâng cấp các bản thảo về mặt ngôn ngữ, nghệ thuật, nội dung… Biên tập viên nên/cần là người gợi ý với tác giả trong việc chỉnh sửa câu chữ, gợi ý điều chỉnh, tái sáng tạo từ bản thảo trước khi có thể đề xuất cấp phép. Như vậy, đòi hỏi biên tập viên phải có tay nghề cao chứ không chỉ là người “làm sạch” về câu chữ. Có lao động nghiêm cẩn, chặt chẽ hơn thì mới bảo đảm được phần nào chất lượng các ấn phẩm thơ cung cấp ra xã hội.
Nhận thức về thơ ảnh hưởng quan trọng đến quan niệm, cái nhìn về thơ ca, tác giả và công việc sáng tác. Thông tin thiếu, ít, thiên lệch, cộng với bản thân sự sáng tác dễ dãi và các thủ thuật lăng xê thái quá, ngợi khen rầm rộ dễ mang đến cái nhìn lệch lạc hoặc đánh giá thấp, có khi coi thường của công chúng, của xã hội đối với sáng tác thơ và nhà thơ. Vậy nên, công tác thông tin, tuyên truyền về những giá trị đẹp đẽ, chân thực của thơ ca rất cần được thúc đẩy, điều chỉnh, góp phần tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận, nâng cao nhận thức của công chúng với những tác phẩm tốt, giàu giá trị nghệ thuật.
Vai trò này rất cần được đề cao hơn trong hoạt động của các hội nghề nghiệp, của ngành văn hóa thông qua hệ thống báo chí, cửa sổ điện tử, trang mạng, ấn phẩm của mình. Nên quan tâm tạo dựng các diễn đàn, các chuyên mục giới thiệu tác phẩm thơ hay, trao đổi, bàn luận, hỏi đáp… về tác phẩm thơ hay và quảng bá rộng rãi để công chúng tiếp cận. Đó cũng là một cách để phần nào bớt đi sự rầm rộ, ồn ào và khen ngợi thái quá trong việc truyền thông, quảng bá cho thơ.
Tất cả những yếu tố trên không thể thay thế được chính nhà thơ và năng lực sáng tạo của mình. Chính người sáng tác mới có thể là người có vai trò quyết định chủ yếu trong việc tạo dựng vẻ đẹp của tác phẩm, cũng như giữ cho tác phẩm sự sang trọng bằng những nỗ lực tìm tòi, sáng tạo của mình.
Như một tất yếu của khả năng cải tạo xã hội, làm đẹp tâm hồn con người, bồi bổ thẩm mỹ cho công chúng, việc sáng tạo thơ ca vẫn luôn là cần thiết và đáng quý, đáng trọng, dù cho hoàn cảnh chung cũng như điều kiện cá nhân người sáng tác có những khi không thuận lợi. Sẽ càng đáng quý và đáng giá khi trên hành trình sáng tạo, nhà thơ nhận được sự đồng hành của những ai nhận ra thơ có giá trị với cuộc sống. Và vì thế, cùng phải tạo dựng, phải giữ gìn sự sang trọng cho thơ, dành cho thơ ca sự tôn trọng.
Ý kiến ()