Lễ hội mùa xuân đã trở thành một nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc. Mỗi độ Xuân về, từ đô thị đến nông thôn, từ vùng đồng bằng đến vùng núi cao, lễ hội mùa xuân được tổ chức để đón mừng năm mới với niềm tin về một năm mới tốt đẹp hơn, để tưởng nhớ tổ tiên, người có công với cộng đồng và cũng là dịp để mọi người vui chơi, giải trí sau một năm lao động sản xuất.Lễ hội ở nước ta thật đa dạng và phong phú với lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn như: Những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, giàu lòng cứu nhân độ thế. Trong các ngày hội diễn ra sôi động bằng những sự tích, công trạng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế...
Lễ hội mùa xuân đã trở thành một nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc. Mỗi độ Xuân về, từ đô thị đến nông thôn, từ vùng đồng bằng đến vùng núi cao, lễ hội mùa xuân được tổ chức để đón mừng năm mới với niềm tin về một năm mới tốt đẹp hơn, để tưởng nhớ tổ tiên, người có công với cộng đồng và cũng là dịp để mọi người vui chơi, giải trí sau một năm lao động sản xuất.
Lễ hội ở nước ta thật đa dạng và phong phú với lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn như: Những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, giàu lòng cứu nhân độ thế. Trong các ngày hội diễn ra sôi động bằng những sự tích, công trạng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Các năm gần đây, việc ra đời của một số lễ hội mới, phục dựng một số lễ hội đã mai một sau một thời gian dài, các lễ hội truyền thống được tạo điều kiện để tổ chức với quy mô lớn hơn, với sự bổ sung một số thành phần lễ hội mới, như: Trò chơi, thi đấu thể thao, hội diễn văn nghệ, các chương trình biểu diễn nghệ thuật… Các yếu tố này giúp cho lễ hội ngày càng thu hút công chúng, góp phần làm cho bức tranh mùa xuân của đất nước ngày càng thêm sinh động, phong phú, đa sắc mầu.
Tuy nhiên, cùng với sự “lên ngôi” của lễ hội đã đưa tới một số hệ lụy gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước hết, phải kể tới việc một số người lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, tổ chức cờ gian bạc lận, trục lợi từ lễ hội, gây lãng phí thời gian, phung phí tiền bạc vào vàng mã và lễ vật. Cùng với đó, là những hành vi ứng xử thiếu văn hóa ở nơi công cộng, nâng giá bắt chẹt khách thập phương, xâm hại các công trình văn hóa, gây ùn tắc giao thông. Khâu tổ chức ở một số lễ hội phần “lễ” nặng hơn phần “hội”; các trò vui chơi có thưởng thực chất là cờ bạc công khai, móc túi du khách còn nhiều, mà những trò vui mang tính giải trí lành mạnh còn ít… Vì thế, nét đẹp của lễ hội cũng bị giảm đi phần nào.
Đối với mỗi người dân Việt Nam, lễ hội đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh của nhân dân. Để bảo đảm cho các lễ hội vui tươi và lành mạnh, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ chính quyền các địa phương, MTTQ các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế mở hội truyền thống. Cần ngăn chặn tích cực và triệt để các hoạt động mê tín dị đoan, các tệ nạn cờ bạc, chống mọi biểu hiện thương mại hóa lễ hội bằng việc đặt nhiều hòm công đức, các khoản thu phí không hợp lý, trái với quy định. Tổ chức và quản lý tốt lễ hội là thiết thực bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa cổ truyền, góp phần vun đắp và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()