LSO-Quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong những năm qua, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đều ra sức thực hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT), vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã hết sức được quan tâm.Lễ hội truyền thống mỗi năm là dịp tốt để các văn nghệ sĩ Lạng Sơn sáng tác được những tác phẩm đậm đà bản sắc dân tộcHội VHNT tỉnh hiện có hơn 230 hội viên, các chuyên ngành như: nhiếp ảnh, văn học, mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc… Ở mỗi chuyên ngành đều có thế mạnh riêng. Các hội viên chuyên ngành đều có chung một điểm là rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng Xứ Lạng trong các hoạt động, sáng tác của mình. Nhìn chung, trong hoạt động VHNT, các hội viên văn nghệ sĩ của tỉnh đã bắt được dòng...
LSO-Quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong những năm qua, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đều ra sức thực hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT), vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã hết sức được quan tâm.
|
Lễ hội truyền thống mỗi năm là dịp tốt để các văn nghệ sĩ Lạng Sơn sáng tác được những tác phẩm đậm đà bản sắc dân tộc |
Hội VHNT tỉnh hiện có hơn 230 hội viên, các chuyên ngành như: nhiếp ảnh, văn học, mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc… Ở mỗi chuyên ngành đều có thế mạnh riêng. Các hội viên chuyên ngành đều có chung một điểm là rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng Xứ Lạng trong các hoạt động, sáng tác của mình.
Nhìn chung, trong hoạt động VHNT, các hội viên văn nghệ sĩ của tỉnh đã bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân. Song song với đó, công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc cũng được đẩy mạnh. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển, nhiều câu lạc bộ VHNT ra đời, góp phần động viên, khích lệ quần chúng nhân dân hoạt động văn hóa, văn nghệ, sáng tác VHNT, khai thác, truyền bá các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa quê hương, đất nước.
Có thể kể ra những tác phẩm thuộc các chuyên ngành như văn học, lý luận phê bình văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật,… được đánh giá cao, đạt các giải thưởng tại các cuộc thi như: Rừng vàng, Phò mã Động Giáp, Nét đẹp văn hóa trong thơ văn các dân tộc, Chuyện tình ở bản Nà Lài, Bảy dòng suối hát, Dấu ấn Mẫu Sơn, Sáng ngời Phạc Lạn… Riêng trong hoạt động bảo tồn, phát huy, truyền bá các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc có thể thấy tiêu biểu qua việc truyền dạy, biểu diễn các làn điệu dân ca như hát then, sli, lượn.
Đáng nói hơn, hàng năm, trong mùa lễ hội hay tại các sự kiện của tỉnh, huyện, thành phố, chúng ta thấy rất nhiều văn nghệ sĩ đi thực tế, tìm cảm hứng. Trong đó, ở chuyên ngành nhiếp ảnh là dễ nhận ra nhất. Đã có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đạt giải, ghi được dấu ấn đậm nét tại các cuộc thi, triển lãm của tỉnh và khu vực. Đơn cử như, tác phẩm “Kết hoa dâng Bác” đạt Huy chương Bạc tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ X năm 2010 tại Điện Biên của Đàm Sơn là chụp cảnh đồng diễn kết hoa chào mừng Đại hội thể dục thể thao của tỉnh tại sân vận động Đông Kinh. Hay tác phẩm “Trống hội” của Trần Quốc Cường đạt giải khuyến khích thì là cảnh những người phụ nữ dân tộc với trang phục truyền thống, nụ cười rạng rỡ, tươi vui tại ngày hội….
Hoặc năm 2009, liên hoan lần thứ IX tại Vĩnh Phúc, tác phẩm “Mùa xuân” của Vũ Kiên Cường đạt giải khuyến khích phản ánh cảnh đẹp bình dị với nếp nhà truyền thống dân tộc, vườn lê hoa nở tinh khiết. Đến liên hoan lần thứ XI/2011 tại Sơn La, cũng có rất nhiều tác phẩm phản ánh đậm nét văn hóa các dân tộc Xứ Lạng được trưng bày tại triển lãm như: “Hát lời sli mới” của Trịnh Trọng Anh, “Băng giá Mẫu Sơn” của Lưu Minh Dân… Đặc biệt tại cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn lần thứ V năm 2011 với chủ đề “Đất và người Lạng Sơn”, văn hóa các dân tộc Xứ Lạng đã được phản ánh phong phú, nhiều góc độ.
Anh Lý Văn Sáng, Trưởng Ban công tác hội viên, Hội VHNT tỉnh cho biết, thời gian qua, Hội VHNT tỉnh luôn động viên các hội viên, cộng tác viên trong các hoạt động, sáng tác VHNT thường xuyên quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, quê hương, đất nước. Do đó, đã có nhiều tác phẩm được sáng tác mang đậm dấu ấn văn hóa các dân tộc trong nhiều loại hình nghệ thuật như: thơ, văn xuôi, tranh, ảnh,… Hàng năm, các đợt đi sáng tác thực tế, hội đều cố gắng tạo điều kiện để anh em hội viên, văn nghệ sĩ có điều kiện tiếp cận thực tế với các địa bàn, đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Từ đó có thêm tư liệu, cảm hứng để sáng tác được những tác phẩm VHNT chất lượng, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Hiện nay, Hội VHNT có Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng được xuất bản hàng tháng.
Trên tạp chí, diện tích, dung lượng dành cho phản ánh nét đẹp bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được chú trọng như đăng các tác phẩm văn học bằng tiếng dân tộc thiểu số, các bài hát về quê hương Xứ Lạng, các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh… Qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu và nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đến đông đảo công chúng.
Tại Đề án phát triển VHNT Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015 được UBND tỉnh phê duyệt tháng 9/2011 thì nhiệm vụ được đặt ra với hoạt động sáng tác cũng chỉ rõ, phát triển VHNT Lạng Sơn theo xu thế vừa hướng về cội nguồn, phản ánh, bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc vừa hội nhập quốc gia, quốc tế để có tiếng nói chung… Theo đó, nhiệm vụ đối với từng chuyên ngành cũng được nêu ra như sáng tác các đề tài về truyền thống lịch sử, văn hóa, đề tài về quê hương Lạng Sơn. Đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian thì chú trọng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những giá trị văn học dân gian các dân tộc trong tỉnh;…
Trong thời gian tới, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong các hoạt động, sáng tác VHNT sẽ tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh nhằm góp phần tích cực hơn nữa vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và sự nghiệp VHNT chung của cả nước.
Hoàng Thịnh
Ý kiến ()