Giữ gìn uy tín và trách nhiệm nêu gương
Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài “Chức vụ và uy tín” với bút danh Trọng Nghĩa, đăng trên Tạp chí Cộng sản số 2/1984.
Đọc bài viết, tôi càng thấu rõ hơn thông điệp mà Tổng Bí thư truyền tải về trách nhiệm nêu gương, về ý thức tự giác tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất, uy tín của người cán bộ.
Mở đầu bài viết, tác giả nêu luận điểm: “Thông thường, bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải có một uy tín nhất định; chức vụ càng cao thì uy tín càng lớn”. Tuy nhiên, bài báo cũng khẳng định, không phải hễ cứ có chức vụ là đã có uy tín, càng không phải đã có uy tín đầy đủ. Uy tín, theo đúng nghĩa chân chính của nó là sự tín nhiệm mà người đó có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình. Chức vụ không đẻ ra uy tín, không quyết định uy tín. Uy tín không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chức vụ. Lý giải điều gì quyết định uy tín, tác giả cho rằng, uy tín không phải tự nhiên mà có. Nó phải là kết quả của sự phấn đấu và rèn luyện gian khổ, bền bỉ của bản thân mỗi người.
Khả năng khái quát lý luận và đúc kết thực tiễn qua bài viết cho thấy tầm tư duy sắc sảo, vượt thời gian của tác giả. Sau gần 40 năm, bài biết vẫn còn nguyên tính thời sự. Sau này, trên cương vị người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương.
Thực tế công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đã chỉ ra những bài học sâu sắc về việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao, cán bộ dày dạn kinh nghiệm cũng như cán bộ trẻ được đào tạo bài bản. Tình trạng cán bộ suy thoái dẫn đến những sai phạm hết sức nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước, ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, giảm sút niềm tin trong nhân dân. Trước mỗi quyết định thi hành kỷ luật đảng, nhiều người thường đặt câu hỏi, vì đâu nên nỗi. Bởi nhiều cán bộ, đảng viên đã trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu, nỗ lực không ngừng, có người từng là anh hùng; có cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, nhưng đã không giữ nổi bản thân trước cám dỗ danh lợi. Nguyên nhân dẫn đến suy thoái thì có nhiều, nhưng có lẽ, căn bản nhất là bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân…
Để sàng lọc ra khỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, Trung ương đã ban hành Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Đây là “công cụ” để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” phải trở thành việc bình thường trong công tác cán bộ. Quy định có hiệu lực thực tế ngay sau khi ban hành, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thể hiện rõ quan điểm kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, toàn diện hơn trong công tác xây dựng Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật.
Với quyết tâm chính trị cao, nói đi đôi với làm, Đảng ta quyết liệt thực hiện sàng lọc đội ngũ, để ai không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng công việc đứng sang một bên, nhường vị trí cho cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín có triển vọng phát triển. Việc làm đó nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao từ cán bộ, đảng viên và nhân dân, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe đối với một số cán bộ, đảng viên, những người có biểu hiện sa sút về phẩm chất, uy tín không còn đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng góp phần nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình mới.
NGUYỄN HUỲNH HUYỆN Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định
——————————————————-
Tu dưỡng, rèn luyện, trị bệnh “quan cách”
Ngăn ngừa sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề được nêu ra trong nhiều bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách mới xuất bản vừa qua. Tôi đặc biệt ấn tượng với bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, ngày 27/2/2012. Trong bài viết này, đồng chí đã đưa ra những câu hỏi và lý giải sát với bản chất sự việc bằng góc nhìn trực quan của người lãnh đạo luôn đồng cảm với nhân dân. Câu hỏi: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện từ chỗ nào?” được lý giải một cách trực tiếp, sinh động: “sống ích kỷ, cá nhân, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách thì quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống thì xa hoa, hưởng lạc…” (Sách, tr 327).
Biểu hiện về sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cấp cơ sở đã được người đứng đầu Đảng ta đúc kết và khái quát qua các chuyến đi cơ sở. Đồng chí viết: “Rất nhiều lần đi cơ sở, tôi vẫn nói với anh em cán bộ xã: ra thăm đồng gì mà dân thì lội bùn cày cấy ở dưới ruộng, cán bộ đứng trên bờ mặc comlê đi giày, có người che ô, chướng quá”. Hay một đoạn khác, Tổng Bí thư viết: “Xuống với dân, làm việc với cơ sở mà cứ phải có khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí về thăm, làm việc”. Việc nhỏ thôi mà cũng có lắm lý sự; nhưng quan trọng là phải biết nghe dân. Dân người ta nói không phải là chuyện tốn kém, mà là tác phong, phong cách. Cái đó có phải là quan cách không?”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc nhân dân quan tâm đến tác phong, phong cách. Trong sách đồng chí viết, có đoạn: Bây giờ các đồng chí biết ca dao, hò vè người ta nói gì không? Chắc là biết, nghe nhiều hơn tôi: “Họp thì có người ghi, đi thì có người chở, ở thì có người chăm, nằm thì có người bóp,…”. Đồng chí kết luận bằng một câu hỏi tu từ rất thấm thía: “Tại ai, tại cái gì? Tại cơ chế à? Tại khách quan à? Hay tại mình không chịu tu dưỡng, rèn luyện?”.
Trong thực tế, những việc như thế này chúng ta rất thường gặp ở nhiều địa phương, đơn vị cơ sở. Việc tưởng như rất nhỏ, nhiều cán bộ cũng dễ bỏ sót, cho qua. Đọc tác phẩm của Tổng Bí thư, ngẫm ra, để trị bệnh “quan cách”, thật sự phải xuất phát từ cái tâm chân thành tu dưỡng, rèn luyện.
Mặc dù được tin tưởng, giao trọng trách, nhiệm vụ, được quán triệt, học tập đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhưng một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng vai trò của việc tự tu dưỡng, rèn luyện, từ đó có biểu hiện buông lỏng bản thân, mà “quan cách” là một trong những biểu hiện dễ dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Để xóa sạch bệnh “quan cách”, trước hết cán bộ, đảng viên cần gần dân, sát dân, thấu hiểu đời sống của nhân dân, giải quyết công việc đúng phương châm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng chính là luôn chăm lo đời sống nhân dân, xóa bỏ những suy nghĩ và việc làm cơ hội, thực dụng, chỉ lo cho mình và gia đình.
Đảng ta cũng đã có Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, tu dưỡng, rèn luyện phải là việc hằng ngày, tự soi, tự sửa để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao năng lực và giữ vững phẩm chất, đáp ứng yêu cầu công việc và sự tin yêu của quần chúng nhân dân.
NGUYỄN HỮU THỊNH (Phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An)
Nguồn:https://nhandan.vn/giu-gin-uy-tin-va-trach-nhiem-neu-guong-post756663.html
Ý kiến ()