Giữ gìn nghề truyền thống ở Pác Ma
LSO-Thôn Pác Ma, xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng có 85 hộ dân thì hầu như hộ nào cũng biết nghề đan lát, trong số đó chiếm gần 30% số hộ thường xuyên có sản phẩm cung cấp trên thị trường.
Ông Lâm Triệu Vàng chuẩn bị vật liệu để đan lát |
Trưởng thôn Hoàng Văn Đức cho biết: Giờ đây đến được thôn Pác Ma cũng còn gian nan lắm, tuy con đường đã được mở rộng nhưng nền đường vẫn là đường đất với nhiều dốc cao, vực thẳm. Ở Pác Ma, người dân trong thôn sống dọc hai bên con suối nhỏ không tên, cùng với đó là những cánh rừng già, những dải tre, vầu xanh mướt, cũng nhờ nguồn nguyên liệu sẵn có này nên dân thôn Pác Ma vẫn còn giữ được nghề đan lát.
Người dân trong thôn ai cũng quý mến ông Lâm Triệu Vàng, nay đã 80 tuổi nhưng hầu như ngày nào đôi bàn tay ông cũng thoăn thoắt chuốt từng sợi giang. Ông than thở, hiện nhiều người trẻ không còn tha thiết với nghề này, ở thôn bây giờ chủ yếu người lớn tuổi, phụ nữ là còn bám trụ với nghề. Thời còn trai trẻ vào những phiên chợ cuối năm là ông lại tự mang hàng chục sản phẩm như: nong, nia, sàng sảy… đến tận các chợ phiên ở huyện Chi Lăng, Hữu Lũng. Những sản phẩm này hầu hết các hộ gia đình nông dân đều cần đến, nên lúc nào cũng bán được. Biết được tâm lý tiêu dùng, cùng với nghề nông, ông Vàng vận động người dân trong thôn làm nhiều sản phẩm từ nghề đan lát để vừa có thêm thu nhập vừa gìn giữ nghề truyền thống, ông tin tưởng nghề đan lát của thôn sẽ được mở rộng và phát triển.
Các sản phẩm đan lát được bày bán tại chợ |
Được biết nghề đan lát ở thôn Pác Ma đã từng có sự phát triển khá mạnh với các chủng loại sản phẩm đa dạng về mẫu mã, phong phú về chức năng và mang đặc điểm riêng, đây không còn là hàng tre đan với nghĩa bình thường nữa mà là những sản phẩm nghệ thuật. Các nguyên liệu chủ yếu là nứa, giang, vầu, tre, mây, trúc. Người dân trong thôn làm ra từng loại sản phẩm đều có chức năng sử dụng riêng như: giang, vầu thường đan thúng, mẹt; tre, nứa để đan sọt, bồ đựng thóc, bàn ăn… Chị Nông Thị Miền người trong thôn thổ lộ: Hằng tuần tôi đến các hộ gia đình trong thôn có các sản phẩm đan lát, thu gom để đưa ra chợ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn bán, mỗi thứ kiếm lời từ 40 đến 50 nghìn đồng; những sản phẩm như chiếc làn, cái nong… giá bán chỉ từ 100 đến 150 nghìn đồng. Từ nhiều năm nay, cứ đến phiên chợ ở các địa phương trong tỉnh là chị lại giúp thu mua các sản phẩm đan lát của người dân trong thôn để đem bán kiếm thêm thu nhập.
Để phát triển mở rộng làng nghề, ông Lâm Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng khẳng định: Hiện nay không chỉ người dân thôn Pác Ma còn giữ được nghề truyền thống đan lát, mà một số thôn bản khác trong xã cũng đang từng bước khôi phục lại nghề truyền thống này. Nghề đan lát, tuy đã có từ lâu đời, nhưng sản phẩm làm ra còn khiêm tốn, nhiều hộ dân chỉ coi nghề đan lát như một nghề phụ, chỉ tranh thủ vào những ngày nông nhàn nên chưa đầu tư làm ra các sản phẩm có chất lượng ngày càng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong thời gian tới, xã sẽ vận động bà con thành lập các tổ, nhóm liên kết, đa dạng hóa những sản phẩm ngày càng tinh sảo hơn để phục vụ sinh hoạt, phục vụ sản xuất.
Điều nhận thấy rằng, ở thôn Pác Ma, nghề đan lát từ chỗ chỉ phục vụ nhu cầu riêng thì nay đã dần trở thành hàng hóa, bước đầu mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân. Đây chính là khởi đầu để khôi phục nghề truyền thống, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các nét tinh hoa văn hóa dân tộc.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()