Thứ 5, 06/02/2025 10:48 [(GMT +7)]
Giữ gìn nghề làm ngói máng ở Quỳnh Sơn
Thứ 2, 24/10/2011 | 09:49:00 [(GMT +7)] A A
Chúng tôi chia tay với những người “dân thợ” khi cơn mưa chiều đang ập tới, mọi người tất bật, hối hả che đậy sản phẩm để tránh cho ngói bị hư hỏng. Nhìn họ đăm chiêu, lo lắng ngước mắt về phía những đám mây đang vẫn vũ, chúng tôi thật sự cảm thông và mong muốn được chia xẻ với nỗi gian truân của những người dân làng nghề. Hương đất quê ngai ngái từ những lò khói, như quyện mãi theo nhịp chân chúng tôi trên đường về.
LSO-Không ai nhớ chính xác nghề làm ngói máng (có nơi gọi là ngói âm dương) ở xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn có từ bao giờ, nhưng sản phẩm ngói máng của Quỳnh Sơn hiện hữu trên những mái nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng khắp các bản làng gần xa đã có thâm niên trên 100 năm. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, nghề làm ngói tưởng chừng như đã bị mai một bởi sự ra đời của nhiều loại ngói mới và tấm lợp pro xi măng đang thịnh hành. Thế nhưng đến nay, nghề làm ngói máng nơi đây vẫn tồn tại, gìn giữ và phát triển ổn định.
Người dân đến chọn mua ngói máng |
Đến giáp chân đèo Tam Canh, rẽ trái chưa đầy 50 m, hai bên đường san sát những lán trại, bên trong từng hàng, từng hàng ngói máng thô mộc nhiều vô kể xếp đều tăm tắp đang chờ vào lò nung. Cách đó là những lò ngói mộc mạc, đơn sơ đang từ từ nhả khói. Thế nhưng điều làm cho chúng tôi thật sự ấn tượng đó là khung cảnh tấp nập của một làng nghề. Đó đây, bên trong hay trước cửa lán trại, những người dân cặm cụi, say sưa làm việc, người mê mải dẫm đất, người cẩn thận cắt xén những vuông đất nhỏ, người thì hì hụi cho đất vào khuôn tạo nên những viên ngói đều nhau chằn chặn…
Ngay trước lán trại ngói đầy ăm ắp, cùng với hương đất ngai ngái, anh Dương Doãn Hoành, 40 tuổi thoăn thoắt, nhẹ nhàng làm ngói bằng chiếc khuôn thô sơ. Khi chúng tôi hỏi: “nghề này có từ lâu chưa”, anh mỉm cười hồ hởi: Ấy dà, có từ thời tổ tiên ông bà rồi, cũng không biết bao lâu nữa. Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt sạm nắng, anh Hoành giải thích: ngói ở Quỳnh Sơn có 2 loại, đó là ngói máng và ngói bò, trong đó ngói máng để lợp còn ngói bò để úp nóc nhà. Ngói ở đây làm bằng thứ đất sét dẻo quánh, mịn màng được lấy lên từ những khu ruộng ngập úng. Một điều quan trọng để có sản phẩm đẹp, chất lượng ngói tốt, bền, đáp ứng thị hiếu của khách hàng thì phải cẩn thận từ khâu làm đất, ủ đất đúng, đủ thời gian, nếu ủ đất không kỹ thì ngói dễ bị “sống” khi nung trong lò.
Trò chuyện với những người “thợ ngói” nơi đây, trong câu chuyện thân mật, mọi người vui vẻ cho biết, người dân Quỳnh Sơn chủ yếu thuần nông, thu nhập chính chỉ dựa vào cây lúa, cây ngô… Vào những ngày nông nhàn hoặc vào dịp cuối thu, đầu đông mới tập trung làm ngói máng để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình. Trước đây nghề làm ngói có hơn chục hộ của xã Quỳnh Sơn thường xuyên làm ra sản phẩm cung cấp cho huyện Bắc Sơn và những huyện lân cận như Võ Nhai (Thái Nguyên), Văn Lãng, Bình Gia, Văn Quan (Lạng Sơn) đến nay đã có 50 hộ gia đình làm nghề thành thục; trong đó xã Quỳnh Sơn có 30 hộ, xã Long Đống có 20 hộ. Tuy số hộ làm ngói tăng, nhưng ngói ra lò đến đâu là hết đến đấy, có nhiều gia đình ở các địa phương khác đến đặt hàng trước. Mặc dù đang thời kinh tế thị trường, có nhiều loại ngói khác nhau sẵn sàng chiều “thượng đế”, thế nhưng ngói Quỳnh Sơn vẫn được người dân ưa chuộng, tiêu dùng. Điều đó khẳng định sản phẩm truyền thống ở nơi đây vẫn được duy trì bền vững.
Theo anh Dương Công Hồng, Trưởng thôn Nà Riềng 2 (xã Quỳnh Sơn), cũng là một trong số hộ đang làm ngói thì, nghề ngói nhọc nhằn, gian nan, qua nhiều công đoạn, nhưng thu nhập kinh tế thì thật sự chỉ dừng ở mức “khiêm tốn”. Tính toán chi li, trừ chi phí các khoản, tính ra tiền công thu nhập mỗi người được 60.000 đồng/ngày/công, trung bình mỗi người thu nhập 1 triệu 800 nghìn đồng/người/tháng.
Tước đất lọc bỏ sỏi đá vụn |
Trông vào doanh thu của nghề ngói, trong thời buổi giá cả hàng tiêu dùng leo thang, biến động, thì thu nhập từ nghề truyền thống thực sự rất thấp. Thế nhưng, chị Dương Thị Thùy, thôn Tân Sơn (Quỳnh Sơn) cùng những người làm ngói của làng nghề truyền thống nơi đây luôn tự tin: mặc dù thu nhập không cao, nhưng cái chủ yếu là được lưu giữ và làm nghề “gia truyền” của tổ tiên để lại, đồng thời họ rất vui vì ngói máng của Quỳnh Sơn vẫn đang được nhân dân các địa phương lân cận ưa chuộng và đặt hàng. Chung với suy nghĩ của người dân nơi đây, ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Sơn tâm sự: tuy còn nhiều khó khăn, chưa thành lập ban quản lý tổ hợp tác, đội ngũ thợ lành nghề không nhiều, sản xuất bằng phương pháp thủ công, vùng nguyên liệu chưa ổn định, chưa mạnh dạn trưng bày, quảng bá sản phẩm, nhưng cùng với dòng thời gian, sản phẩm truyền thống ngói của làng nghề vẫn mãi mãi tồn tại phát triển.
Chúng tôi chia tay với những người “dân thợ” khi cơn mưa chiều đang ập tới, mọi người tất bật, hối hả che đậy sản phẩm để tránh cho ngói bị hư hỏng. Nhìn họ đăm chiêu, lo lắng ngước mắt về phía những đám mây đang vẫn vũ, chúng tôi thật sự cảm thông và mong muốn được chia xẻ với nỗi gian truân của những người dân làng nghề. Hương đất quê ngai ngái từ những lò khói, như quyện mãi theo nhịp chân chúng tôi trên đường về.
Mai Văn Hoa
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()