Giữ gìn danh dự là hoàn thiện phẩm chất cao đẹp của cán bộ, đảng viên
Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, danh dự là điều thiêng liêng nhất. Đó là suy nghĩ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh và phân tích sâu sắc trong các bài nói, bài viết quan trọng. Vì sao người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhắc đi nhắc lại điều tâm huyết đó. Ai cũng biết rằng cơ đồ và sự nghiệp có được hôm nay là do Đảng lãnh đạo toàn dân tộc làm nên, là công sức, kể cả xương máu của bao thế hệ các nhà lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên.
Nhưng còn có một sự thật khác, như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII đã chỉ ra là vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Những khuyết điểm đó làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng “là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(1).
Vẫn có những cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo chưa nhận thức được rõ điều thiêng liêng là danh dự của người cộng sản dẫn đến những sai trái nghiêm trọng, kéo dài. Một người bình thường, danh dự đã là cao quý. Là cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, quản lý danh dự càng cao quý, thiêng liêng. Khi được kết nạp vào Đảng, mỗi người đều có lời thề trước Đảng về trung thành, phấn đấu theo lý tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của đảng viên, chấp hành kỷ luật của Đảng, giữ gìn đạo đức, phẩm chất của người cộng sản và góp phần xây dựng Đảng vững mạnh.
Đó là lời thề danh dự và cũng là định hướng hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. V.I.Lê-nin từng nêu rõ, Đảng Cộng sản là lương tâm, danh dự, trí tuệ của thời đại mới – thời đại xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Lý tưởng cách mạng được bảo đảm bởi những phẩm chất đặc biệt của đảng viên cộng sản trong đó danh dự là điều thiêng liêng.
Thấm nhuần sâu sắc lý tưởng cách mạng mới thật sự biết trọng danh dự và đề cao trách nhiệm. Lý tưởng của Đảng, của cách mạng và dân tộc Việt Nam mà Bác Hồ đã bồi đắp là độc lập tự do và đi tới chủ nghĩa xã hội. Phấn đấu cho lý tưởng đó, biết bao đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ những tấm gương đấu tranh chống ly khai Đảng Cộng sản tại nhà tù Côn Đảo những năm 1958 – 1961. Đó là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và lãnh tụ, là đức hy sinh và danh dự của người yêu nước, cách mạng.
Có câu chuyện vô cùng cảm động về ông già tù nhân Cao Văn Ngọc, sinh năm 1897, quê ở Long Điền, tỉnh Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã kiên cường đấu tranh chống ly khai, bảo vệ Đảng và lãnh tụ, dù ông không là đảng viên. Ông đối mặt với kẻ thù và khẳng định: Cụ Hồ giải phóng cho dân tộc khỏi ách nô lệ, tôi mang cái nợ đó, tôi phải trả suốt đời.
Ông cũng nói với các đồng chí bị giam cùng phòng: Mấy chú là đảng viên, mấy chú được chiến đấu cho lý tưởng cộng sản, được chết cho lý tưởng cộng sản thì còn vinh dự nào bằng. Trong cuộc đấu tranh một mất một còn đó, đã có những tấm gương sáng ngời, được gọi là năm ngôi sao sáng: Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh, Lê Văn Một. Ở những con người đó là sự hòa quyện, thống nhất giữa lý tưởng, danh dự và trách nhiệm, niềm tin vào thắng lợi.
Đấu tranh giải phóng dân tộc phải hy sinh cả tính mạng, nhưng đồng chí, đồng bào vẫn trung thành với lý tưởng, trọng danh dự, vững niềm tin. Ngày nay, đất nước đã độc lập, thống nhất, ngày càng phát triển, cán bộ, đảng viên, nhân dân đã sống sung sướng hơn rất nhiều, vì sao vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về lý tưởng chính trị.
Đó là biểu hiện: “Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái”(2).
Cần thiết phải lý giải vì sao có thực trạng đó từ phía tổ chức đảng và từ phía mỗi cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nêu rõ, phải chống tham nhũng và chống tiêu cực trong Đảng. Tiêu cực đáng lo ngại nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Chống tham nhũng có thể thu hồi được tiền bạc, của cải, nhưng suy thoái về tư tưởng chính trị sẽ mất Đảng, mất chế độ. Cảnh báo đó của Tổng Bí thư cần được từng tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên nhận thức và hành động nghiêm túc.
Danh dự thuộc phạm trù đạo đức, lối sống và làm nên phẩm hạnh con người. Sinh thời, Bác Hồ vẫn nhắc nhở cán bộ, đảng viên giữ gìn, bồi đắp đạo đức, nhân cách: Hạnh dục phương nghĩa là đức hạnh phải vuông vắn, ngay thẳng. Phải tránh xa những thói xấu “lười biếng, gian giảo, tham ô”. Phải biết sống “ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng”, “không tham địa vị. Không tham tiền tài”.
Đó là phẩm chất, đức hạnh, danh dự của người cộng sản. Cán bộ, đảng viên phải biết giữ “thanh danh của Đảng” và “danh giá của mình”(3). Giữ gìn danh giá của mình tức là trọng danh dự, do đó sẽ không sa vào tham nhũng và những biểu hiện tiêu cực khác. Nếu có sai phạm thì dũng cảm nhận lỗi, quyết tâm sửa chữa, đó cũng là biết trọng danh dự. Từ vụ án tham nhũng của Trần Dụ Châu năm 1950, Bác Hồ nêu rõ bài học về công tác cán bộ: “danh lợi dễ làm hư người… Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc. Đồng thời, phải giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ”(4). Bài học về công tác cán bộ vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống nhân nghĩa, đại nghĩa, đề cao nghĩa khí và trọng danh dự. Trong lịch sử, có nhiều bậc hào kiệt với những suy nghĩ, hành động vì sự tồn vong của đất nước và vì cuộc sống của người dân. Đầu thế kỷ 19 có hai nhân vật như thế. Đó là Nguyễn Văn Thoại tước Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) quê ở huyện Diên Phước, trấn Quảng Nam (nay là phường Bắc Mỹ An, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), là võ tướng nhưng lại chú trọng chăm lo cuộc sống của nhân dân, chỉ huy khai khẩn vùng đất An Giang, Hà Tiên, cho đào kênh Đông Xuyên (nay là kênh Long Xuyên), kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đến Hà Tiên dài 97 km.
Các kênh đó đến nay vẫn rất quan trọng trong phát triển kinh tế trong vùng. Nhân dân biết ơn lập đền thờ và lưu truyền mãi công lao của ông. Nguyễn Công Trứ (1778-1858) quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, 28 năm làm quan, ở vùng nào ông cũng dồn tâm sức làm cho dân được ấm no, yên vui. Ông tổ chức đào kênh, làm thủy lợi ở nhiều tỉnh Bắc Kỳ, đặc biệt tổ chức khai khẩn vùng ven biển, lập huyện mới Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình). Nhân dân yêu quý, kính trọng lập đền thờ ông khi ông còn sống. Nguyễn Công Trứ từng nói: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Danh ở đây không phải là quyền cao chức trọng, khoa bảng mà là đạo làm người, phụng sự đất nước và nhân dân, là nghĩa khí, coi thường danh lợi.
Những tấm gương nói đến trong bài viết này chỉ là số ít trong rất nhiều nhân vật tiêu biểu của Đảng và dân tộc, mãi mãi để đời sau suy ngẫm, noi theo. Nếu danh lợi dễ làm hư người, thì danh dự đề cao và hoàn thiện con người, nhất là với những ai đang gánh vác trọng trách với dân, với nước.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng. H,2016, trang 23.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng. H,2016, trang 28.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 295.
(4) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG-ST, H, 2016, tập 4, trang 392.
Theo Nhandan
Ý kiến ()