Thứ 5, 13/02/2025 15:41 [(GMT +7)]
Giữ đất trồng lúa: Căn cơ trên từng thửa ruộng
Thứ 5, 31/05/2012 | 17:12:00 [(GMT +7)] A A
Đất trồng lúa là một tư liệu sản xuất đặc biệt, đóng vai trò cốt lõi trong việc đảm an ninh lương thực. Trong bối cảnh phải đảm bảo hài hòa các nhu cầu đất đai khác, trước thực trạng đất lúa đang chịu nhiều sức ép về việc giảm về diện tích và không thể mở rộng thêm, 5% diện tích đất lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên của Lạng Sơn thực sự cần những giải pháp quản lý, bảo vệ khai thác và sử dụng hết sức căn cơ trên từng cánh đồng, từng sào ruộng...
LSO-Theo số liệu thống kê, sản lượng lương thực bình quân trên đầu người của Lạng Sơn năm 2000 là 267kg/năm, đến năm 2010 con số này là 365kg/năm, tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ tiếp tục đảm bảo chỉ tiêu an toàn lương thực với mức bình quân đầu người đạt 378kg/người/năm.
![](https://mediabls.mediatech.vn/upload/image/201205/medium/353166_0001.jpg)
Đất trồng lúa tại Lạng Sơn bị chia cắt mảnh do địa hình
Để đạt được mục tiêu này, Lạng Sơn cần duy trì diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 70.000ha, diện tích ngô là 25.000ha, sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 300.000 tấn. Đây thực sự là một nhiệm vụ nặng nề đặt ra cho ngành nông nghiệp Lạng Sơn. Theo dự tính, từ nay đến năm 2020, Lạng Sơn sẽ phải tiếp tục chuyển trên 11.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để phục vụ cho nhu cầu phát triển của tỉnh, trong đó có khoảng gần 1.200ha đất trồng lúa. Đối với các diện tích đất nông nghiệp ngoài lúa bị chuyển đổi, tỉnh hoàn toàn có thể bù lại diện tích từ quỹ đất chưa sử dụng bằng việc khuyến khích đầu tư khai hoang, tạo thêm đất sản xuất. Thậm chí diện tích đất nông nghiệp dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ tăng khá do tỉnh có chủ trương đẩy mạnh khai hoang, cải tạo 67.000ha đất chưa sử dụng hiện có. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện đối với diện tích đất trồng lúa, bởi đất trồng được lúa gần như đã không còn khả năng khai thác mở rộng. Trong diện tích đất nông nghiệp, Lạng Sơn sẽ chuyển trên 100ha đất trồng lúa 1 vụ hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm. Như vậy, từ nay đến năm 2020, ước tính diện tích đất trồng lúa của Lạng Sơn sẽ giảm khoảng 1.300ha (giảm khoảng 3% trên tổng diện tích đất trồng lúa). Trong quá trình này, Lạng Sơn sẽ chủ động hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đổi diện tích lúa 2 vụ mà chủ yếu là diện tích lúa 1 vụ, hiệu quả thấp. Đây là con số phù hợp với việc phân bổ các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh mà Chính phủ đã quyết định tại công văn số 23/CP – KTN ngày 23/2/2012, đồng thời cũng phù hợp với dự kiến nhu cầu sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020 và phù hợp với chiến lược đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020, đáp ứng được các nhu cầu bắt buộc phải sử dụng đất trồng lúa vào các mục đích quan trọng khác. Phân bổ của Chính phủ “cho phép” Lạng Sơn giảm khoảng 1.300ha diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 nhưng giao nhiệm vụ tăng thêm gần 2000 ha diện tích đất trồng lúa 2 vụ, nâng diện tích lúa 2 vụ từ 20.059ha năm 2010 lên 22.000ha năm 2020. Vậy con số này ở đâu ra? Đó là câu chuyện của việc giải bài toán chuyển đổi.
![](https://mediabls.mediatech.vn/upload/image/201205/medium/353167_0002.jpg)
Đất trồng lúa trước sức ép từ việc mở rộng các khu dân cư
Theo dự kiến, từ nay đến năm 2020, Lạng Sơn sẽ phấn đấu chuyển khoảng 63.400ha đất chưa sử dụng thành đất sản xuất nông nghiệp và các loại đất khác. Đây là một tín hiệu vui đối với đất lúa bởi diện tích đất chưa sử dụng được đưa vào khai thác sẽ giảm bớt sức ép từ việc lấy đất lúa phục vụ cho các mục đích sử dụng đất khác. Tuy nhiên, trong diện tích đất dự kiến đưa vào sử dụng không có cơ cấu cho đất trồng lúa, nguyên nhân là bởi những diện tích đất khả dĩ có thể trồng được lúa đã được khai thác triệt để từ nhiều năm nay. Do đó 2000ha đất lúa 2 vụ tăng thêm chỉ có thể khai thác từ chính…diện tích đất lúa 1 vụ. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để những hộ đang canh tác trên những ruộng 1 vụ tích cực thâm canh, tăng vụ lúa. Để làm được điều ấy, người trồng lúa rất cần sự hỗ trợ kịp thời của ngành và các cấp chính quyền về điều kiện canh tác như đầu tư thủy lợi, đảm bảo nước tưới, giống, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật…Có những cơ chế khuyến khích cụ thể, người trồng lúa sẽ yên tâm bám ruộng, đẩy mạnh thâm canh , tăng vụ, từ đó tỉnh sẽ có cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ tăng thêm 2000ha lúa 2 vụ trong khoảng gần 10 năm tới từ chính diện tích đất lúa hiện có.
Đất trồng lúa là một tư liệu sản xuất đặc biệt, đóng vai trò cốt lõi trong việc đảm an ninh lương thực. Trong bối cảnh phải đảm bảo hài hòa các nhu cầu đất đai khác, trước thực trạng đất lúa đang chịu nhiều sức ép về việc giảm về diện tích và không thể mở rộng thêm, 5% diện tích đất lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên của Lạng Sơn thực sự cần những giải pháp quản lý, bảo vệ khai thác và sử dụng hết sức căn cơ trên từng cánh đồng, từng sào ruộng…
Trúc Lam
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Poll
Ý kiến ()