"Giữ chân" nhà đầu tư nước ngoài
Suốt hơn hai tuần qua kể từ khi xảy ra việc lợi dụng biểu tình, đập phá máy móc và tài sản của doanh nghiệp (DN) vi phạm pháp luật tại một số địa phương, phần lớn các DN bị thiệt hại, tổn thất đã nhận được những hỗ trợ từ tinh thần cho đến vật chất của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đến nay, hầu hết các DN đã quay trở lại hoạt động bình thường. Song, để "giữ chân" các nhà đầu tư nước ngoài, từng bước lấy lại hình ảnh, niềm tin trọn vẹn đối với môi trường đầu tư Việt Nam, vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa.
Suốt hơn hai tuần qua kể từ khi xảy ra việc lợi dụng biểu tình, đập phá máy móc và tài sản của doanh nghiệp (DN) vi phạm pháp luật tại một số địa phương, phần lớn các DN bị thiệt hại, tổn thất đã nhận được những hỗ trợ từ tinh thần cho đến vật chất của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đến nay, hầu hết các DN đã quay trở lại hoạt động bình thường. Song, để “giữ chân” các nhà đầu tư nước ngoài, từng bước lấy lại hình ảnh, niềm tin trọn vẹn đối với môi trường đầu tư Việt Nam, vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa.
Lạc quan, tin tưởng
“Khi xảy ra sự cố, chúng tôi cũng hơi dao động. Tuy nhiên, sau gần hai tuần sản xuất trở lại, đến nay tình hình đã bình thường và chúng tôi tin tưởng vào khả năng giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ nhà đầu tư của chính quyền tỉnh Bình Dương”, ông Lin Hshen Chi, Giám đốc Công ty TNHH Ðồ gỗ gia dụng Dinh Gia (Khu công nghiệp Kim Huy, Bình Dương) chia sẻ với chúng tôi.
Không chỉ Giám đốc Lin Hshen Chi, ông Tsai Hun Lie, Tổng Giám đốc Công ty giày Thông Dụng (Bình Dương) rất cảm kích trước sự quan tâm của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng như sự khẩn trương xem xét, hỗ trợ DN khắc phục thiệt hại. Còn ông Chang Liang Ping, Tổng Giám đốc Công ty TNHH may mặc quốc tế Viet Hsing tự hào đã có 20 năm gắn bó với Bình Dương và rất yên tâm về vấn đề an ninh trật tự. “Sự cố vừa qua chỉ là hành động quá khích của một số người. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để sớm giải quyết các thủ tục cần thiết, nhằm khôi phục hoàn toàn sản xuất”, ông Chang Liang Ping nói.
Chính sự yên tâm, tin tưởng của các chủ DN đã góp phần giúp các công ty nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh. Tại Công ty Xuất nhập khẩu Trenster (KCN Sóng Thần 3, Bình Dương), không khí sản xuất nhộn nhịp trở lại. Tuần trước, công ty đã xuất khẩu được 30 công-ten-nơ hàng thành phẩm sang Mỹ. Công ty TNHH Phong Toàn (thị xã Thuận An, Bình Dương) đã trở lại hoạt động bình thường, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5-2014 đạt khoảng 900 nghìn USD vẫn được công ty bảo đảm hoàn thành.
Trong vụ việc gây rối vừa qua, Bình Dương có hơn 600 DN nước ngoài bị thiệt hại, trong đó có 44 DN bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên, với sự động viên và hỗ trợ kịp thời của trung ương và tỉnh, sau thời gian ngắn các DN đã khắc phục hậu quả và đến nay, gần 100% số DN hoạt động ổn định trở lại. Ngoài sự giúp đỡ từ chính quyền các cấp, nhiều DN như Công ty CP Ðại Nam đã phát huy tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt Nam, sẵn sàng giúp đỡ DN nước ngoài sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Công ty CP Ðại Nam cho Công ty Active International Việt Nam (chuyên sản xuất yên xe đạp) mượn 5.000 m2 đất trống (KCN Sóng Thần 2), từ 5 đến 15 năm, không thu phí. Ðồng thời, cho nhóm Công ty xe đạp Asama, DN bị thiệt hại nặng nhất, được sử dụng miễn phí 18.000 m2 nhà kho tại Trung tâm hành chính Dĩ An để chứa vật tư phục vụ sản xuất…
Tương tự, tại Ðồng Nai, trong tổng số 204 DN bị ảnh hưởng, thiệt hại, đến nay chỉ còn một DN đang khẩn trương khắc phục nhà xưởng để bắt đầu hoạt động trở lại vào đầu tháng 6 tới. Nhận định về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, ông Li Chung Hsien, Giám đốc Công ty bao bì Hồng Chang (KCN Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) cho biết: “Tôi hài lòng với sự hỗ trợ của chính quyền Ðồng Nai, như cử người xuống nắm bắt tình hình thiệt hại của công ty và có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhất là các vấn đề về giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty. Do đó, sau vài ngày tạm ngừng sản xuất, khoảng 500 công nhân của chúng tôi quay lại làm việc bình thường”.
Hỗ trợ tối đa cho DN
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, thống kê sơ bộ đến ngày 26-5 vừa qua, có hàng trăm DN bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Ðồng Nai và Hà Tĩnh. Phần lớn trong số đó bị thiệt hại không lớn, chỉ có khoảng 20 – 30 DN bị thiệt hại nặng. Ðến nay, hầu hết các DN bị ảnh hưởng đã trở lại sản xuất, kinh doanh. Có khoảng 20 DN bị đập phá dây chuyền sản xuất, chưa hoạt động trở lại. Hiện các địa phương, DN và các công ty bảo hiểm đang khẩn trương thực hiện việc thống kê và xác định giá trị thiệt hại của từng DN. Tuy nhiên, điều vướng mắc hiện nay là việc thẩm định giá trị thiệt hại tương đối khó khăn, bởi hiện nay mới chỉ có con số thiệt hại ước tính ban đầu, chưa có con số cụ thể của từng DN để làm căn cứ hỗ trợ DN. Bộ Tài chính cho biết, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã chỉ đạo các DN bảo hiểm (BH) khẩn trương vào cuộc tiến hành các công tác kiểm tra, xác định những thiệt hại cụ thể về tài sản đã được BH để kịp thời giải quyết bồi thường theo hợp đồng…
Hơn hai tuần qua, các ngành chức năng của tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai chạy đua với thời gian khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN. Tại Bình Dương, tỉnh đã cơ bản hoàn thành thống kê, xác minh và thẩm tra thiệt hại của DN; đang xem xét miễn, giãn và giảm thuế cho DN; tập trung trả sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho các DN để lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và sớm nhận được sự hỗ trợ theo quy định… Cục trưởng Hải quan Bình Dương Nguyễn Phước Việt Dũng cho biết, sẽ hỗ trợ tối đa các DN bị thiệt hại, cụ thể là đơn giản hóa một số thủ tục xuất nhập khẩu, nhất là việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Cục trưởng Hải quan Ðồng Nai Lê Văn Danh cho biết: “Ðơn vị đã cử nhân viên đến từng DN để nắm bắt tình hình và đã có những giải pháp hỗ trợ ngay DN, như trường hợp bị tiêu hủy, mất tờ khai, giấy tờ liên quan đến hải quan, DN đề nghị Chi cục Hải quan quản lý giải quyết sao y. Trước mắt, Cục Hải quan Ðồng Nai sẽ xem xét không xử phạt đối với các trường hợp thiệt hại do bất khả kháng này”. Các trường hợp mất dữ liệu thanh lý, dữ liệu về mã nguyên liệu nhập khẩu, mã sản phẩm xuất khẩu, chi tiết tờ khai DN, dữ liệu theo dõi nợ thuế…, Chi cục Hải quan trực thuộc sẽ cung cấp dữ liệu thông qua biên bản bàn giao giữa cơ quan hải quan và DN.
Bên cạnh đó, các DN có phần mềm khai báo điện tử bị ảnh hưởng, Chi cục Hải quan trực thuộc phối hợp các công ty máy tính cài đặt ngay các chương trình phần mềm phục vụ khai báo thủ tục hải quan điện tử để hoạt động xuất, nhập khẩu của DN không bị gián đoạn; trường hợp mất dữ liệu, hồ sơ chứng từ bị đốt phá, DN khi nộp hồ sơ hoàn thuế sẽ không bị thu phạt quá hạn theo quy định, cơ quan Hải quan cũng sẽ không xử phạt vi phạm hành chính. Cục Hải quan Ðồng Nai cũng khẩn trương thực hiện gia hạn tiền nộp thuế, xử lý miễn giảm; không thu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu, máy móc nhập khẩu theo hợp đồng gia công, sản xuất hàng xuất khẩu…
Liên quan các giải pháp về thuế, Phó Cục trưởng Thuế Ðồng Nai Nguyễn Văn Ngàn chia sẻ: “Cục Thuế Ðồng Nai đã có văn bản hướng dẫn DN làm thủ tục kê khai, giảm trừ và gia hạn thuế… Mặt khác, những DN này cũng được Cục Thuế ưu tiên giải quyết trước để giúp DN sớm ổn định và đi vào hoạt động”. Theo Bộ Tài chính, trong quá trình hỗ trợ DN, các cục thuế địa phương cũng đã kiến nghị cụ thể một số giải pháp cần thiết, như: Với một số DN bị cháy hết hóa đơn, nhưng chưa kịp đặt in, đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế hướng dẫn Cục Thuế bán hóa đơn cho DN. Ðồng thời, cho phép DN gia hạn kỳ kê khai thuế tháng 5 thêm một tháng vì hiện nay một số DN chưa thể phục hồi ngay được sổ sách, chứng từ kế toán.
“Tỉnh đã thống nhất chỉ đạo các sở, ngành tích cực hỗ trợ các DN về giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động, hỗ trợ DN khôi phục dữ liệu, hồ sơ, giấy tờ, chứng từ liên quan; thực hiện việc giảm thuế, miễn thuế, gia hạn thời gian nộp thuế,… Kiến nghị của DN nào thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh sẽ được giải quyết, những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ trình Chính phủ giải quyết trong thời gian ngắn nhất. Bình Dương đang khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, người lao động bị ảnh hưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”. TRẦN THANH LIÊM Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương |
Các hoạt động hỗ trợ mà tỉnh Ðồng Nai đang thực hiện, như hỗ trợ về khôi phục các giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN, con dấu của một số công ty bị thất lạc… đang được triển khai nhanh chóng và cũng có văn bản gửi đến từng DN.
“Vướng mắc theo tôi cần giải quyết ngay là vấn đề trả tiền lương cho công nhân trong những ngày các công ty tạm ngừng hoạt động. Chúng tôi cần hướng dẫn cụ thể, nhanh chóng và sớm có thông báo bằng văn bản để các DN thống nhất chi trả tiền lương, tránh trường hợp mỗi DN trả theo một cách khác nhau, dẫn đến sự so bì của công nhân trong các DN”.
GIANG CHÍ MINH
Chủ tịch Hiệp hội thương mại Ðài Loan (Trung Quốc) tại Ðồng Nai
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()