Giữ bình yên bầu trời đất cảng
Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở Trung đoàn 238. Đứng chân trên địa bàn TP Hải Phòng, Trung đoàn tên lửa 238 Anh hùng thuộc Sư đoàn Phòng không 363 đã hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng phòng không tạo thành "lưới lửa" đập tan cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ trước đây và luôn sẵn sàng bảo vệ bình yên, vững chắc bầu trời TP Cảng "Trung dũng - Quyết thắng" trong cuộc sống hôm nay.Trung đoàn 238 (Đoàn Hạ Long) - trung đoàn tên lửa thứ hai của binh chủng tên lửa Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng là đơn vị bắn rơi máy bay B52 đầu tiên của không quân Mỹ trong lịch sử. Trong suốt chiến dịch 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, Trung đoàn 238 vinh dự là đơn vị bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên và cũng là đơn vị bắn hạ chiếc máy bay Mỹ cuối cùng trên vùng trời Hải Phòng. Trong những năm tháng chiến tranh, trung đoàn đã cơ động, chiến đấu qua 18 tỉnh, thành phố trong nước và hai tỉnh của nước...
Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở Trung đoàn 238. |
Trung đoàn 238 (Đoàn Hạ Long) – trung đoàn tên lửa thứ hai của binh chủng tên lửa Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng là đơn vị bắn rơi máy bay B52 đầu tiên của không quân Mỹ trong lịch sử. Trong suốt chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Trung đoàn 238 vinh dự là đơn vị bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên và cũng là đơn vị bắn hạ chiếc máy bay Mỹ cuối cùng trên vùng trời Hải Phòng. Trong những năm tháng chiến tranh, trung đoàn đã cơ động, chiến đấu qua 18 tỉnh, thành phố trong nước và hai tỉnh của nước bạn Lào, bắn rơi 157 máy bay các loại trong đó có chín chiếc B52. Trung đoàn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cùng nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công…
Sau khi thành lập đúng một năm, năm 1966, trung đoàn đã hành quân vào chiến đấu tại chiến trường Khu 4 ác liệt – “túi bom” của Mỹ – ngụy khi đó. Và cũng tại đây, trên vùng đất thép Vĩnh Linh, chiều tối 17-9-1967, chiếc B52 đầu tiên mà quân đội Mỹ từng huênh hoang là “pháo đài bay” bất khả xâm phạm đã bị tên lửa của trung đoàn bắn hạ. Chiến công vang dội này không chỉ làm nức lòng quân và dân cả nước, sự cảm phục của bạn bè quốc tế, mà còn khiến cho kẻ địch khiếp sợ. Chiến công này của đơn vị đã được Bác Hồ ký lệnh tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 2.
Để có chiến thắng oanh liệt này, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã trải qua bao tháng ngày gian khổ luyện tập, hành quân vất vả trong mưa bom, bão đạn, với sự chở che đùm bọc của nhân dân các địa phương. Đến nay, nhiều cựu chiến binh của đơn vị vẫn không thể nào quên những ngày mà phương tiện, vũ khí, khí tài của đơn vị phải nằm ngụy trang tránh máy bay Mỹ dưới những mái nhà, phên liếp tranh tre, được bà con dỡ vội từ ngôi nhà thân yêu của mình, khi đơn vị phải nằm chờ khôi phục cầu Rác (Hà Tĩnh) bị sập; những khi đưa tên lửa vượt sông Gianh qua những đoạn đường sình lầy giữa đạn bom ác liệt được lấp tạm bằng hàng vạn bó bổi thấm cả máu của người dân nơi đây; những đêm vượt ngầm Bùng bằng lộ tiêu “sống” của những cô gái TNXP; những ngày đêm chờ đánh B52 phải đưa cả xe chỉ huy xuống hầm dưới mặt đất với hệ thống thoát khói xe máy như bếp Hoàng Cầm; và cả những khi vất vả tự mò mẫm sửa chữa, hiệu chỉnh vũ khí, khí tài, “vá” lại ăng-ten bằng vật liệu thủ công… trong điều kiện thiếu thốn phương tiện, công cụ và ác liệt của đạn bom… Trong suốt các năm từ 1967 đến 1971, trung đoàn đã chiến đấu trên nhiều chiến trường, bắn rơi nhiều máy bay cường kích và máy bay chiến lược B52 của Mỹ.
Tháng 7-1971, Trung đoàn tên lửa 238 rời chiến trường Khu 4 hành quân ra bắc, biên chế vào Sư đoàn Phòng không 363 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu vực trọng yếu Hải Phòng – nơi đế quốc Mỹ đặc biệt “ưu tiên” đánh phá trong cuộc chiến tranh phá hoại. Thượng tá Nguyễn Duy Hiền, Phó Chính ủy trung đoàn cho biết, khi đó, nhiệm vụ đánh máy bay địch bảo vệ Hải Phòng là nhiệm vụ rất nặng nề đối với các đơn vị phòng không bởi nơi đây giáp biển – lợi thế cho máy bay địch, nhưng lại khó khăn cho lực lượng phòng không của ta. Hơn nữa, Hải Phòng là cửa ngõ của tuyến đường biển quan trọng ra quốc tế và là một tấm lưới chắn cho Thủ đô Hà Nội… Cùng với đó, do thất bại nặng nề trên chiến trường miền nam, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá ác liệt miền bắc, tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng.
Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, dưới bom đạn cày xới của hàng trăm lượt máy bay chiến thuật Mỹ, đêm 19-12-1972, Tiểu đoàn 81 từ trận địa Minh Kha đã bắn rơi một máy bay F4 ở cửa sông Văn Úc – chiếc máy bay đầu tiên bị lực lượng tên lửa bắn rơi trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ thành phố Cảng. Trong cuộc đọ sức quyết liệt của quân và dân Hải Phòng suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972, Trung đoàn tên lửa 238 đóng góp tích cực vào hỏa lực tầng cao đánh B52 trên bầu trời thành phố Cảng, bắn rơi năm máy bay, trong đó có hai chiếc B52. Hồi 22 giờ 36 phút đêm 26-12-1972, Trung đoàn tên lửa 238 đánh trận cuối trong chiến dịch và Tiểu đoàn 81 đã tiêu diệt một máy bay B52 – chiếc máy bay cuối cùng của đế quốc Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời thành phố Cảng.
Năm 1972, Trung đoàn 238 có hiệu suất bắn rơi máy bay chiến đấu cao nhất của Sư đoàn Phòng không 363 với 28 chiếc bị bắn hạ, trong đó có chiếc thứ 300 trên bầu trời Hải Phòng, chiếc thứ 3.800 trên bầu trời miền bắc. Những chiến công của trung đoàn đã góp phần tô thắm thêm trang vàng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và bộ đội tên lửa nói riêng. Góp phần đập tan cuồng vọng về trận thắng quyết định bằng không quân trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán tại Pa-ri (Pháp), chấm dứt chiến tranh tại miền bắc. Những chiến công vang dội góp phần làm nên truyền thống Anh hùng LLVTND của trung đoàn còn có sự đóng góp xương máu của 394 anh hùng liệt sĩ trong đơn vị đã nằm lại tại các chiến trường.
Mấy chục năm đã qua, sự yên bình trở lại trên bầu trời cả nước, nhưng các thế lực thù địch vẫn nhăm nhe chống phá công cuộc cách mạng đất nước. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 238 cùng những “rồng lửa” vẫn luôn thường xuyên quan sát bầu trời, chủ động sẵn sàng chiến đấu, giữ yên bầu trời TP Cảng và vùng đông bắc của Tổ quốc trong mọi tình huống. Truyền thống Anh hùng LLVTND của trung đoàn vẫn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị gìn giữ, phát huy.
Theo Nhandan
Ý kiến ()