Giữ an toàn hồ, đập mùa mưa, lũ
– Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng một số hồ, đập xuống cấp, thậm chí bị vỡ. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp, ngành liên quan, đơn vị quản lý, khai thác các công trình đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đảm bảo giữ an toàn hồ, đập khi mùa mưa, lũ năm 2023 đang đến gần.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 161 hồ chứa, 1.494 phai, đập dâng, 165 trạm bơm. Trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý 123 hồ chứa, 206 đập dâng, 80 trạm bơm điện.
Nhiều công trình hồ đập xuống cấp
Theo kết quả rà soát từ các huyện, thành phố và Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi, trên địa bàn tỉnh hiện có 34 hồ, 25 đập và 2 trạm bơm, 99 km kênh mương bị hư hỏng… Trong đó, có những công trình hồ chứa xây dựng cách đây 30 – 50 năm đã bị hư hỏng, xuống cấp với những mức độ khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Hữu Lũng cho biết: Đơn vị đang quản lý 9 hồ chứa, 25 đập dâng. Trong đó, có hồ Cốc Lùng được xây dựng từ năm 1971 đã xuống cấp, hư hỏng, mái hạ lưu đập bị võng, lún xuất hiện nhiều dòng thấm ở chân đập, đống đá tiêu nước bị tắc, thân cống lấy nước có nhiều chỗ bị mục… Trước hiện trạng đó, đơn vị đã phải hạ mực nước hồ chứa để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh những hồ xuống cấp do được xây dựng lâu năm, nhiều hồ, đập bị hư hỏng do ảnh hưởng do mưa lũ năm 2022. Cụ thể vào tháng 5/2022, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn diện rộng, nước lũ dâng nhanh dẫn đến một số trạm bơm điện bị ngập. Mưa to còn làm xói lở các taluy âm, tạo “hàm ếch” cho đường quản lý công trình và mương gây nguy cơ mất an toàn cho các công trình. Qua kiểm tra, rà soát, một số hồ chứa trong quá trình tích nước cao đã xuất hiện hiện tượng thấm qua thân đập như hồ Phai Thuống, Khau Hường, Khuôn Ngân, huyện Bắc Sơn; hồ Hua Khao, Cao Lan, Kéo Quân, Khuổi Hin, huyện Tràng Định…
Nghiêm trọng hơn, tháng 8/2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra sự cố vỡ đập Khuổi Quật, huyện Lộc Bình (công trình được xây dựng từ năm 1977). Từ đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn hồ đập.
Từ thực tế đó, bước vào mưa bão năm 2023, các cấp, ngành, đơn vị liên quan đã và đang khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn hồ, đập.
Đồng bộ giải pháp ứng phó
Là đơn vị quản lý, khai thác các công trình hồ, đập lớn trên địa bàn tỉnh nên ngay từ đầu năm, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn. Ông Liễu Văn Thông, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, công ty đã chủ động kiểm tra các công trình thủy lợi, từ đó nắm bắt cụ thể hiện trạng công trình và có phương án khắc phục, sửa chữa kịp thời. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay có 12 công trình hồ chứa đã thi công xong; rà soát và có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp 38 công trình (trong đó có 22 công trình hồ chứa và 16 công trình khác).
Ngày 18/5/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 1071/SNN-TL về việc quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa lũ 2023. Trong đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục chỉ đạo vận hành hồ, đập thủy lợi trên địa bàn bảo đảm an toàn công trình và hạ du; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông phổ biến rộng rãi các quy định về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi; tăng cường kiểm tra, qua đó đánh giá mức độ an toàn của từng công trình, tu bổ, sửa chữa những hạng mục công trình xung yếu… |
Bên cạnh chủ động rà soát, sửa chữa các công trình, công ty đã chủ động kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023; tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết. Khi có mưa lũ cử cán bộ thường trực 24/24 giờ tại công trình, nhất là các công trình ảnh hưởng lớn tới hạ du, công trình xung yếu; chỉ đạo xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi các huyện, thành phố phối hợp cùng chính quyền cơ sơ xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp mùa mưa bão đối với từng công trình;…
Ông Nguyễn Viết Quyến, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Lộc Bình cho biết: Xí nghiệp được giao quản lý 14 hồ chứa, 21 đập dâng và 3 trạm bơm điện. Để đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa bão, đơn vị đã xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa, phương án giả định trường hợp mất an toàn và đề ra phương án xử lý. Trước mùa mưa bão, đơn vị đã kiểm tra, rà soát hiện trạng công trình và đề ra phương án khắc phục; chỉ đạo công nhân trong đơn vị phát quang, nạo vét toàn bộ hệ thống tràn xả lũ; đối với hệ thống đập dâng, đơn vị kiểm tra toàn bộ các sân tiêu năng, bể tiêu năng và 2 bên tường cánh; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ trực mưa bão… Trong thời điểm mưa bão, đơn vị sẽ chủ động nắm bắt diễn biến mưa, bão; tổ chức trực 24/24 giờ tại đơn vị cũng như công trình hồ, đập theo dõi mực nước cũng như sự cố phát sinh ảnh hưởng đến công trình để kịp thời khắc phục.
Cùng với sự chủ động của từ đơn vị quản lý, khai thác, các huyện, thành phố, các xã chủ động trong việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ, đập mùa mưa bão, đặc biệt là các xã có hồ chứa lớn nằm trên địa bàn. Ông Hoàng Quang Phiệt, Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho biết: Trên địa bàn xã có hồ Khau Hường. Để đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa, lũ, UBND xã đã phối hợp với Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sơn tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình, từ đó kịp thời phát hiện, đề xuất phương án xử lý kịp thời (năm 2022 hồ xuất hiện vùng thấm ở mái hạ lưu); xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp trong mùa mưa, bão; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân các nội dung liên quan đến bảo vệ hồ, đập, các phương án ứng phó, di dời khi có sự cố xảy ra…
Ông Chu Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để đảm bảo an toàn công trình hồ, đập, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã phối hợp với cơ quan liên quan chủ động kiểm tra, đánh giá hiện trạng và có phương án xử lý, khắc phục đối với các công trình xuống cấp, hư hỏng, nguy cơ mất an toàn; tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản chỉ đạo về việc đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa, lũ 2023…
Với sự chủ động của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, hy vọng rằng năm 2023, công tác đảm bảo an toàn hồ, đập trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được những kết quả tích cực. Từ đó, không chỉ phục vụ tốt nước sản xuất cho người dân mà còn góp phần vào việc điều tiết, thoát lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
“Để khắc phục tình trạng hồ, đập bị xuống cấp cần thêm các nguồn lực đầu tư. Thực hiện tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), giai đoạn 2021 – 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 10 hồ đập được sửa chữa, đến hết năm 2022, dự án đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều hồ đập được đầu tư xây dựng từ lâu, đập đất có bề rộng mặt đập nhỏ, chiều cao đập vào khoảng 15 – 30 m, mái đập thượng, hạ lưu khá dốc, bị xói lở, sạt trượt không được gia cố; thân đập, thiết bị thoát nước không hoàn chỉnh; tràn, cống bị hư hỏng, xói lở…Trước thực tế đó, đơn vị đã tham mưu các cơ quan chức năng đề xuất thực hiện Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập vay vốn Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2021 – 2025 với số lượng 14 hồ và dự án sửa chữa, nâng cao an toàn đập và hệ thống kênh mương tỉnh Lạng Sơn gồm 8 hồ chứa và 42,5 km kênh mương”. |
Ý kiến ()