Chủ nhật, 24/11/2024 16:11 [(GMT +7)]
Giống lúa mới trên vùng đất khô: "Chìa khóa" tăng thu nhập cho người nông dân
Thứ 6, 28/10/2011 | 09:43:00 [(GMT +7)] A A
Vì thế, trong vụ mùa năm 2010, bà con nông dân trong vùng đã gieo trồng (nhân rộng) 2 giống CH207 và CH208 với diện tích 15 sào. Nếu được đầu tư để tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện trong một vài vụ tới, các giống lúa chịu hạn này sẽ mở ra hướng mới cho bà con nông dân trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sử dụng hợp lý đất sản xuất, từ đó tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi.
LSO-Bắt đầu từ tháng 1/2009, giống lúa chịu hạn CH207, CH208 được đưa vào trồng khảo nghiệm trên đồng ruộng xã Cường Lợi, huyện Đình Lập. Qua 3 vụ sản xuất, giống lúa này đã chứng tỏ khả năng chịu hạn tốt, cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Nếu được đưa ra sản xuất đại trà, những giống mới này sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân.
Lãnh đạo Sở KHCN và các ngành tham quan mô hình trồng lúa trên địa bàn Đình Lập |
Huyện Đình Lập có diện tích tự nhiên gần 119.000 ha, nhưng diện tích gieo trồng chỉ gần 2.774ha, trong đó diện tích trồng lúa gần 1.774ha. Do địa hình phức tạp, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu nước tưới cho sản xuất nên diện tích lúa chủ động được nước tưới rất thấp: 446,92ha, năng suất lúa trên một đơn vị diện tích không cao. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, lựa chọn ra các giống lúa chịu hạn có năng suất cao, phù hợp với điều kiện của huyện có ý nghĩa rất quan trọng nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, giúp bà con xóa đói giảm nghèo.
Xuất phát từ yêu cầu đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu lựa chọn một số giống lúa chịu hạn phù hợp với điều kiện canh tác huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài được triển khai tại thôn Quang Hòa, xã Cường Lợi trong 3 vụ: vụ đông xuân 2009, vụ mùa 2009 và vụ đông xuân 2010 với tổng diện tích 24 sào/vụ. Các giống tham gia khảo nghiệm là CH207, CH208 (đã tham gia khảo nghiệm quốc gia năm 2004; đã được khảo nghiệm sản xuất tại Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Trị, Nghệ An, Cao Bằng); giống Sán ưu 63 và Khang dân (làm đối chứng).
Trong thời gian thực hiện đề tài, Phòng NN&PTNT huyện đã tổ chức tập huấn cho 150 học viên là cán bộ thôn, xã, các hộ dân tham gia đề tài và người dân quanh vùng; cấp phát 200 bộ tài liệu hướng dẫn bà con gieo trồng đúng mật độ, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời tổ chức 3 hội nghị đầu bờ để các đại biểu, các hộ dân tham quan, rút kinh nghiệm. Qua khảo nghiệm cả 3 vụ trên những chân ruộng bậc thang, không chủ động nước tưới, gặp thời tiết bất lợi (hạn ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng-trổ bông), giống lúa CH207, CH208 đều chứng tỏ khả năng chịu rét, chịu hạn và chống đổ tốt hơn giống Sán ưu 63 và Khang dân.
Về năng suất, CH207 đạt 51,9 tạ/ha, CH208 đạt 53,3 tạ/ha, thấp hơn Sán ưu 63 (58,9 tạ/ha) nhưng cao hơn Khang dân (45,8 tạ/ha). Mặc dù giống Sán ưu 63 cho năng suất cao nhất nhưng do chất lượng cơm không được nhiều người dân ưa chuộng nên giá thành 1kg thóc thịt rẻ hơn, do đó hiệu quả kinh tế thấp hơn so với giống CH207, CH208. Theo hạch toán sơ bộ, sau khi trừ chi phí, từ lúa CH 207, CH208, người nông dân thu lãi từ 4-4,4 triệu đồng/ha, cùng diện tích đó, nếu trồng Sán ưu, họ chỉ lãi hơn 3,5 triệu đồng.
Theo Kỹ sư Vi Thị Thanh Mai, Phòng NN&PTNT huyện Đình Lập-Chủ nhiệm đề tài, qua khảo nghiệm cho thấy giống CH207, CH208 tương đối phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, ưu điểm là để được giống cho vụ sau và gieo cấy được 2 vụ trong năm, nhược điểm của giống là thời gian sinh trưởng tương đối dài (155 ngày trong vụ xuân) nên có thể ảnh hưởng đến thời gian gieo trồng vụ sau (vụ mùa). Mặc dù vậy, hai giống này đều chứng tỏ khả năng chịu hạn tốt và cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện canh tác tại vùng thực hiện đề tài nói riêng và huyện Đình Lập nói chung.
Vì thế, trong vụ mùa năm 2010, bà con nông dân trong vùng đã gieo trồng (nhân rộng) 2 giống CH207 và CH208 với diện tích 15 sào. Nếu được đầu tư để tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện trong một vài vụ tới, các giống lúa chịu hạn này sẽ mở ra hướng mới cho bà con nông dân trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sử dụng hợp lý đất sản xuất, từ đó tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi.
Bảo Vy
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()