Giống lạc năng suất cao L19: Cải tạo đất, tăng thu nhập
LSO- Lạc là cây trồng được nông dân sản xuất đại trà từ nhiều năm nay, tuy nhiên, các giống lạc được trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là giống lạc đỏ, hạt nhỏ năng suất thấp. Giống lạc L19 cho năng suất, chất lượng cao được trồng thử nghiệm thành công tại huyện Cao Lộc vừa giúp cải tạo đất, vừa tăng thu nhập.
Đầu tháng 7/2018, tại xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, Hội Làm vườn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển đậu, đỗ thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá đề tài: “Nghiên cứu và khảo nghiệm một số giống lạc năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài được triển khai từ tháng 3/2018 trên diện tích 3,6 ha với 20 hộ dân tham gia. Sau 5 tháng trồng và chăm sóc, giống lạc L19 cho thu hoạch với năng suất cao hơn dự tính.
Ngay tại đồng ruộng, các hộ tổ chức thu hoạch thí điểm mỗi hộ 1 m2 giống lạc L19. Kết quả cho thấy, trên mỗi mét vuông thu được hơn 1 kg lạc củ tươi; mỗi củ có 2 hạt; hạt lạc to, mẩy, đều… Theo kết quả thực tế cho thấy, mỗi sào cho trên 300 kg lạc, 1 ha cho gần 10 tấn lạc củ tươi. Các giống lạc đỏ khác, trung bình chỉ cho 198 kg/sào, đạt 5,5 tấn củ tươi/ha. Như vậy, có thể thấy, năng suất giống lạc L19 cao gần gấp đôi so với giống lạc đỏ. Với giá thu mua lạc củ tươi là 10.000 đồng/kg, mỗi sào lạc L19 cho nông dân thu nhập hơn 3 triệu đồng. Đây là nguồn thu đáng kể giúp bà con tái đầu tư sản xuất.
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển đậu, đỗ (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) kiểm tra năng suất, chất lượng giống lạc L19 trồng tại xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc
Bà Trình Thị Luyến, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết: Cây lạc phù hợp trồng trên đất cát pha thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu, dễ thoát nước, làm đất kỹ, nhặt sạch cỏ dại trước khi lên luống. Rạch hàng lên luống rộng 75 – 80 cm, luống cao 20 – 25 cm, đảm bảo mặt luống rộng 45 – 50 cm, gieo 2 hàng dọc theo chiều dài luống. Sau khi làm đất tiến hành bón lót bằng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, phân lân, vôi bột.
Lạc củ sau khi bóc lấy hạt, ngâm trong nước khoảng 2 giờ, ủ lạc trong vải thô, ủ ấm ở nhiệt độ 28 – 30oC. Sau khoảng 3 ngày, hạt nẩy mầm hoàn toàn có thể mang đi trồng. Khoảng cách hàng cách hàng 25 cm, hốc cách hốc 10 cm, gieo 1 hạt/hốc, hoặc hốc cách hốc 20 cm gieo 2 hạt/hốc, đảm bảo mật độ 35 – 40 cây/m2. Khi gieo hạt phải đủ ẩm, phủ sâu 3 – 5 cm. Khi cây được 1 – 2 lá thật, tiến hành bón thúc lần 1 với phân đạm, kali, kết hợp xới phá váng để đất tơi xốp, tạo điều kiện thuận lợi cho nốt sần của bộ rễ lạc hoạt động giúp cây phát triển nhanh. Khi cây lạc được 5 – 6 lá, bón thúc lần 2, kết hợp làm cỏ, vun cao luống chống đổ cho cây. Sau 80 đến 115 ngày quả lạc vào chắc là có thể thu hoạch. Bà Tô Thị Vẹt, thôn Nà Sla, xã Thạch Đạn cho biết: Phương pháp chăm sóc tương tự nhưng giống lạc L19 có năng suất cao hơn giống lạc đỏ chúng tôi thường trồng. Hiệu quả kinh tế cao hơn lúa và ngô tới 2 đến 3 lần. Những vụ tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục trồng giống lạc này.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quất, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: Mỗi năm, nước ta nhập khẩu khoảng 1.000 tấn lạc giống từ Trung Quốc. Tuy nhiên chất lượng giống không ổn định. Chính vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu, cho ra giống lạc năng suất, chất lượng cao L19. Giống lạc này hiện đang được trồng đại trà tại Cao Bằng. Tại Lạng Sơn, thành công của dự án “Nghiên cứu và khảo nghiệm một số giống lạc cho năng suất, chất lượng cao phù hợp với sinh thái tỉnh Lạng Sơn” là tiền đề để chúng tôi xây dựng vùng nguyên liệu giống lạc năng suất, chất lượng cao cung cấp cho các tỉnh miền Trung; khắc phục tình trạng phụ thuộc giống vào nước ngoài.
Diện tích ngô, lúa hằng năm trên địa bàn xã Thạch Đạn là trên 200 ha. Diện tích cây lạc chỉ khoảng 2 ha, chủ yếu nông dân trồng để phục vụ nhu cầu gia đình. Với đặc điểm phù hợp với đất ruộng và đất nương bãi của giống lạc L19, nông dân trên địa bàn có thể đưa giống lạc này vào trồng thay thế cây ngô, lúa. Như vậy, vừa có thể tăng thu trên cùng một diện tích lại có thể làm cho đất thêm phì nhiêu, tơi xốp.
Ý kiến ()