tle=”Giống đào huyền thoại trên đất Nhật Tân”> Anh Lê Hàm chăm sóc đào thất thốn. Đào thất thốn mang dáng vẻ trầm mặc. Từ gốc đến cành đều xù xì, phong trần sương gió.
Từ cái gốc xù xì ấy, đào thất thốn có thể bất chợt nảy lên một bông mầu đỏ thẫm. Chỉ một bông ấy đã đủ làm sáng bừng không gian. Tuy vậy, đào thất thốn là loại cây khó trồng. Mười người trồng, không chắc đã có một người thành công. Nhưng với tình yêu hoa, đã có người Nhật Tân dày công chinh phục, để đào thất thốn ra hoa đúng dịp Tết.
Vẻ đẹp “bước ra” từ tranh thủy mặc
Người Hà Nội rất coi trọng ý nghĩa các loài hoa. Hoa lan tượng trưng cho sự thanh khiết tâm hồn. Hoa cúc tượng trưng cho sự đủ đầy. Xuân về, mầu đỏ hoa đào tượng trưng cho dương khí, như hơi ấm xua đi cái lạnh giá của mùa đông. Sắc đào càng đỏ, càng quý. Bích đào Nhật Tân (ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) có sắc đỏ thắm, vốn là niềm tự hào của người Hà Nội. Thế nhưng, khi nói đến chơi đào, những bậc cao niên ở Nhật Tân vẫn bảo rằng, có một thứ đào quý hơn thế rất nhiều, đó là đào thất thốn.
Lão nghệ nhân Chu Tử Thành là người trồng đào nổi tiếng ở làng Nhật Tân. Khi đất nước vừa bước vào thời kỳ đổi mới, ông là người đầu tiên thuê đến một héc-ta đất trồng đào. Ông cũng là người từng nhiều năm sống chết với đào thất thốn. Nghệ nhân này tâm sự: “Đào thất thốn mang dáng vẻ trầm mặc, cổ kính. Nếu các loại đào khác chỉ có gốc mới xù xì, thì đào thất thốn từ gốc cho đến ngọn đều nổi những u, những mấu, trông phong trần sương gió tựa như những gốc đa già. Đào thất thốn mang mầu đỏ thẫm, không loài đào nào sánh kịp. Nhị hoa vàng, vươn dài kiêu sa. Đào bích, đào phai, đào đá, chỉ đơm hoa từ những cành nhỏ, nhưng đào thất thốn có thể bất chợt đơm hoa từ thân, từ những trụ gốc xù xì, từ những chỗ không tưởng nhất”.
Cho đến giờ, người Nhật Tân vẫn chưa thống nhất về cách giải thích tên gọi đào thất thốn, cũng không biết giống đào này có tự bao giờ. Có người bảo do cứ bảy thốn (đơn vị đo cổ) là cây trổ một bông hoa; có người bảo do lá đào dài bảy thốn; cũng có người bảo thất thốn là sự thể hiện mong muốn mất đi cái thiếu thốn… Tuy cách giải thích khác nhau nhưng điểm chung là ở Nhật Tân, nhiều người ví đào thất thốn như một giai nhân có vẻ đẹp bí ẩn. Đào thất thốn dáng không cao, quá lắm chỉ chừng một mét. Giữa vườn đào, những cây thất thốn chỉ nằm khiêm nhường. Một cây có độ hai mươi bông đã là quý lắm. Nhưng người đẹp này đã “hé môi cười” là “nghiêng nước, nghiêng thành”. Bông đào thất thốn to, cánh dày. Hoa nở bền đến non nửa tháng. Sắc đào thắm như mầu đỏ của nền đôi câu đối Tết. Chỉ một bông nở đã làm ấm không gian. Đào thất thốn đẹp từ khi còn nụ, đến khi hàm tiếu, và cả khi mãn khai. Chẳng thế mà khi có bông vừa hé, có người đã thức qua đêm để ngắm hoa nở. Cây hoa là những sự tương phản đến ngỡ ngàng giữa mầu đen của thân cây với mầu đỏ của hoa, giữa sự cằn cỗi của gốc và mầu xanh biếc như làm sáng lên không gian của chồi. Những bông đào thất thốn được người am tường văn hóa phương Đông hết sức trân trọng. Cách trổ hoa từ gốc khiến mọi người liên tưởng những bông hoa này như từ bức tranh thủy mặc vươn ra. Đào thất thốn còn mang cái thế của một đời người qua nhiều phong ba, bão táp, vẫn để lại cái tinh túy cho đời.
Thế nhưng, cái tên “đào thất thốn” lại xa lạ với khá nhiều người, cho dù chơi đào là phong tục của mọi gia đình ở phía bắc. Đem băn khoăn này hỏi nghệ nhân Chu Tử Thành, lão nghệ nhân này giải thích: “Đào thất thốn rất khó trồng, lại ra hoa khi tháng Giêng đã sắp cạn ngày. Nhiều người vì mê thất thốn mà tốn bao nhiêu tiền của mua về, mà đào vẫn không chịu nở vào Tết. Vì thế, những người sành chơi chỉ trồng một vài cây cho mình, mấy ai đủ sức chăm thất thốn để kinh doanh”.
Tốn công chăm sóc, cho nên nếu nở dịp Tết, giá một cây đào thất thốn rất cao. Một cây đào cho dăm bông hoa, giá đã lên đến năm, bảy triệu đồng. Đào thất thốn kén người chơi. Xưa là tao nhân mặc khách, nay, cũng vẫn đòi hỏi người có kiến thức uyên thâm kim cổ. Và tất nhiên, không có điều kiện kinh tế, không ai dám nghĩ đến loài hoa được ví như “vương phi” của các giống đào. Suốt một thời gian dài, cả làng hoa Nhật Tân chỉ có lác đác vài gia đình giữ được đào thất thốn. Cây đào thất thốn gần như đã “tuyệt chủng”. Nhưng bởi vẻ đẹp mê hoặc lòng người như thế, cho nên có người không tiếc công sức, hồi sinh giống đào huyền thoại…
Hơn 20 năm “sống, chết” vì đào
Người làng Nhật Tân có hàng trăm năm gắn bó với cây đào. Ấy thế mà những người giàu kinh nghiệm nhất vẫn có năm thất bại. Chăm đào bích, đào phai nở đúng Tết đã khó. Từ làm đất, bón phân, tuốt lá, tỉa cành, khoanh gốc… đều đòi hỏi quy trình phức tạp. Chỉ sơ suất một chút khiến hoa không nở đúng thời điểm là mất công sức cả năm lao động sương nắng. Nhưng chăm đào thất thốn còn khó hơn nhiều. Nhưng cũng vì thế, chinh phục đào thất thốn là mong ước của không ít người ở đất Nhật Tân. Và anh Lê Hàm là một trong những người như thế.
Sinh ở Nhật Tân, từ bé Lê Hàm đã nghe các cụ kể về giống đào huyền thoại này. Nhưng “người đẹp” kiêu sa này cứ khai hoa trễ hẹn. Mà hoa đào chỉ thật sự ý nghĩa khi nở hoa đúng dịp Tết đến, xuân về. Sau khi rời quân ngũ, Lê Hàm về với nghề trồng đào. Anh bắt tay vào công cuộc chinh phục đào thất thốn. Năm nay, anh Hàm ngoài 40 tuổi, thì có hơn một nửa thời gian ấy, anh “vật vã” với những gốc đào thất thốn. Nhưng cũng đã bao mùa hoa, thất thốn cứ nhằm giữa tháng Giêng mới nở những bông đầu tiên. Lê Hàm đành ngậm ngùi thưởng hoa một mình. Trước đây, từng có những nghệ nhân tài hoa ở Nhật Tân trồng đào thất thốn, nhưng thời gian làm cho bí quyết phôi pha. Đến cả người mê đào như nghệ nhân Chu Tử Thành cũng đã “rửa tay gác kiếm”. Anh đành phải bỏ dở chừng, tiếp tục làm đào thế. Ở mảng này, anh cũng thu được nhiều thành công. Chẳng hạn Lê Hàm có cây đào, một gốc cho ra năm loại hoa khác nhau, từ bạch, phai, đến bích, rồi hoa đơn, hoa kép… Nhưng suốt cuộc đời trồng hoa, không lúc nào anh Hàm thôi nghĩ đến đào thất thốn. Có năm, thấy đào thất thốn của nước ngoài bán sang thị trường, rồi có cả đào thất thốn Đà Lạt. Nhưng so ra, không loài nào đẹp bằng thất thốn Nhật Tân. Lê Hàm quyết tâm mày mò, tìm gặp các nghệ nhân, gặp cả những kỹ sư nông nghiệp học hỏi kinh nghiệm, rồi áp dụng thử. Giữa những năm 1990, tình cờ một loạt cây nở bung đúng Tết. Lê Hàm khấp khởi mừng thầm. Sang năm sau, Lê Hàm hồi hộp hồi hộp chờ đợi bao nhiêu thì anh thất vọng bấy nhiêu. Không có bông nào nở cả. Mãi hơn mươi năm sau, nàng “vương phi” trong các giống đào lại mới thêm một lần khai hoa đúng Tết. Thế nhưng năm sau, những gốc thất thốn lại trông như những khúc củi khô… Nếu trồng đào thất thốn từ lúc bé, phải mất mười năm mới được gốc đào đẹp. Nếu ghép đào thất thốn trên gốc khác, phải mất ba năm (các loại đào khác chỉ một năm là ra hoa). Mà một năm, người trồng đào mất vài tháng dựng lán ngủ ngoài đồng giữa gió bấc, mưa phùn. Nghệ nhân Chu Tử Thành từng viết về nghề trồng đào: Một túp lều tranh ở giữa đồng/ Quạnh hiu ta sống suốt mùa đông. Chừng ấy đủ thấy Lê Hàm tốn nhiều công sức thế nào. Dẫu vậy, chưa có lúc nào anh buông xuôi với khát khao chinh phục đào thất thốn, để đưa giống đào huyền thoại này đến với thị trường.
Có người hỏi vì sao Lê Hàm mê đào thất thốn đến thế. Anh thường chỉ tủm tỉm bảo rằng, có nói chưa chắc mọi người đã hiểu. Có lẽ, nếu biết rằng, Nhật Tân là mảnh đất mà mỗi người khi sinh ra, vừa mới hé mắt nhìn cuộc đời đã thấy phấp phới cành đào đầu ngõ, ngay từ năm đầu tiên trong đời đón Tết, sân nhà, xóm ngõ đều nhuộm đỏ cánh đào thì câu hỏi đó không thật sự cần thiết. Bao nhiêu năm vật vã với những gốc đào thất thốn đúng lúc tưởng rằng đào thất thốn không thể nở đúng Tết thì anh “ngộ ra” phương pháp. Năm 2009, lần đầu Lê Hàm có đào thất thốn nở đúng Tết theo ý muốn. Nghe tin có người trồng đào thất thốn thành công, cố nhà văn Băng Sơn khi ấy, đã lạch cạch đạp xe lên tận nơi chứng kiến. Năm 2010, đào thất thốn của Lê Hàm trúng mùa. Đến giờ, ở Nhật Tân đã lác đác có người trồng được đào thất thốn. Nhưng đào thất thốn của Lê Hàm có thương hiệu riêng. Hễ nói đến giống đào vương giả này, ai cũng nói đến Lê Hàm đầu tiên.
Những ngày cận Tết này, nhiều cây đào thất thốn của Lê Hàm đã bắt đầu khoe sắc. Một số cây đã có chủ, chỉ chờ ngày khách đến đưa về. Ngắm vườn đào của Lê Hàm, chúng tôi nhận ra, tất cả những cây đào thất thốn đều nhận được sự chăm sóc đặc biệt. “Chuyên gia” đào thất thốn Lê Hàm xây hẳn một khu riêng, với cả hệ thống máy sưởi để “phục vụ” hoa đào trong những ngày giá rét. Tôi hỏi anh có giữ bí quyết làm đào thất thốn cho riêng mình không, Lê Hàm cười bảo: “Càng nhiều người biết đến thì càng tốt. Trồng đào thất thốn rất khó, cho nên chính cây đào sẽ chọn lọc. Người nào trụ được lại với cây đào thất thốn hẳn là người có tâm với nghề”. Ngoài cái được về kinh tế, Lê Hàm còn có một cái được khác, qua cây đào, anh có thêm tri kỷ. Rất nhiều người tìm đến Lê Hàm để nói chuyện về đào thất thốn. Có người không đủ tiền mua, đến chỉ để ngắm. Ấy cũng là điều đáng quý với người trồng, khi hiểu giá trị cây đào.
Mùa xuân đang về, những bông đào thất thốn như tín hiệu của một mùa xuân mới viên mãn, đủ đầy. Và những cây đào thất thốn hồi sinh, cho ta hiểu thêm về tâm hồn người Hà Nội, về thú chơi hoa tinh tế trong ngày Tết ở mảnh đất văn hiến này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()