Giòn thơm bánh khẩu sli cốm
- Khẩu sli là một món bánh truyền thống, thường xuất hiện trong các dịp lễ, tết của người dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng. Thông thường, bánh khẩu sli được chế biến từ nguyên liệu như: gạo nếp, lạc, đường phên, nhưng để tạo ra một loại bánh độc đáo, thơm ngon, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, chị Đoàn Thị Len, chủ cơ sở sản xuất bánh khẩu sli Xuân Mai, ở khu 1, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đã sáng tạo ra khẩu sli cốm.
Những ngày cuối tháng 12/2024, đến công tác tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, chúng tôi có cơ hội được thưởng thức bánh khẩu sli cốm. Chia sẻ về loại khẩu sli độc đáo này, chị Đoàn Thị Len cho biết: Tràng Định vốn nổi tiếng có cốm thơm ngon, mềm dẻo, được làm từ những bông lúa nếp cái ong vàng. Cốm cũng là món ăn vặt yêu thích của gia đình tôi. Vì thế, mỗi khi đến mùa cốm, gia đình tôi lại mua cốm về ăn và mua cả cốm khô để bảo quản, chế biến thành các món như xôi cốm. Nhận thấy, cốm khô tựa như hạt gạo nếp đã được chế biến, phơi khô để làm khẩu sli, tôi đã nảy ra ý tưởng làm khẩu sli bằng cốm. Sau khi làm thử, thấy khẩu sli cốm có hương vị rất thơm ngon, gia đình tôi đã làm để bán.
Theo đó, từ năm 2021 đến nay, cứ đến tháng 9 hằng năm (mùa cốm), chị Len lại thu mua cốm khô của người dân quanh vùng về để tích trữ, làm nguyên liệu để chế biến khẩu sli phục vụ nhu cầu của gia đình và bán ra thị trường. Từ khi ra mắt, sản phẩm ngày càng nhận được sự yêu thích của nhiều khách hàng. Riêng từ tháng 9/2024 đến nay, cơ sở sản xuất của chị Len đã cung cấp ra thị trường trên 2.000 túi khẩu sli cốm, với giá bán 20.000 đồng/túi (180g). Dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán 2025, cơ sở sẽ tiếp tục bán ra thị trường từ 3.000 – 4.000 túi khẩu sli.
Để làm được khẩu sli cốm thơm ngon, việc lựa chọn nguyên liệu rất quan trọng. Theo chia sẻ của chị Len, cốm để làm khẩu sli phải là loại cốm được làm từ gạo nếp cái ong vàng – loại gạo đặc trưng của huyện Tràng Định. Sau khi chọn được những bông lúa còn nguyên hương sữa để làm cốm, người dân thường gặt từ sớm và tuốt lấy hạt mang về rửa sạch, rang ngay vì nếu để hôm sau mới rang thì hạt cốm không còn xanh ngon nữa. Khi đã rang xong, người dân sẽ mang vào máy để thổi bớt trấu và ủ trong khoảng 30 phút rồi đem giã.
Một số công đoạn làm bánh khẩu sli cốm
Hạt cốm sau khi giã xong là có thể ăn được. Tuy nhiên, để làm khẩu sli, hạt cốm sau khi giã sẽ được phơi khô, đảm bảo từng hạt cốm được tách rời. Việc chế biến thành cốm cũng là công đoạn phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức nhất trong quy trình làm bánh khẩu sli cốm nhưng lại tạo ra được màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon hơn so với khẩu sli làm bằng gạo nếp thông thường.
Công đoạn tiếp theo sau khi cốm đã khô là tiến hành chiên cốm trong chảo dầu sôi đến khi hạt cốm nổi lên, có hương thơm, độ giòn, xốp nhất định và để nguội. Tiếp đó, để tạo hương vị cho bánh khẩu sli, chị Len thường sử dụng đường phên (loại đường kéo từ mật mía và được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống) để chưng trên bếp lửa đến khi đường nóng chảy, tạo thành đường dạng lỏng có màu nâu đậm. Sau đó, người làm tiến hành trộn đều đường phên hóa lỏng với cốm đã được chiên giòn. Cuối cùng, hỗn hợp vừa trộn đều được người làm cho vào khuôn, ép thành hình và rắc thêm một chút lạc, vừng rồi để nguội. Sau khi khẩu sli cốm đã nguội, người làm mới tiến hành cắt thành các miếng bánh nhỏ để đảm bảo khẩu sli có độ cứng nhất định, khi ăn sẽ giòn hơn.
Bánh khẩu sli cốm không chỉ có màu sắc bắt mắt mà còn có hương vị thơm ngon hơn so với khẩu sli truyền thống. Hương vị của khẩu sli cốm cũng rất đặc biệt khi có sự hòa quyện giữa hương thơm đặc trưng của cốm, độ ngọt của đường phên và vị thơm bùi của vừng, lạc. Với sự độc đáo riêng có ấy, bánh khẩu sli cốm được rất nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh đặt mua.
Chị Đoàn Thị Len chia sẻ thêm: Trong 2 năm đầu khi vừa ra mắt, bánh khẩu sli cốm chủ yếu chỉ được khách hàng ở huyện và một vài địa phương khác trên địa bàn tỉnh biết đến. Để đưa khẩu sli cốm đến gần với người tiêu dùng hơn, cơ sở sản xuất của tôi đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo...; đồng thời thiết kế tem nhãn để xây dựng thương hiệu, tăng độ nhận diện cho sản phẩm. Nhờ đó, hiện nay, sản phẩm đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến và được tiêu thụ rộng rãi, không chỉ ở thị trường trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn...
Chị Trần Thị Toàn, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết: Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2024, khi về thăm người thân tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tôi đã có cơ hội được thưởng thức bánh khẩu sli cốm. Tôi rất ấn tượng nghe người thân giới thiệu đây là khẩu sli được làm từ cốm. Đến khi ăn thử, tôi thật sự bị chinh phục bởi hương vị thơm ngon của bánh. Vì thế, tôi đã mua khẩu sli cốm về làm quà và giới thiệu loại bánh độc đáo này cho bạn bè, đồng nghiệp.
Ông Vương Văn Công, Chủ tịch UBND thị trấn Thất Khê cho biết: Khẩu sli là loại bánh truyền thống, có từ lâu đời được nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn sản xuất để bán ra thị trường. Hiện, toàn thị trấn có 10 hộ làm khẩu sli quanh năm. Trong số đó, cơ sở sản xuất của gia đình chị Len đã sáng tạo ra sản phẩm mới, có tính độc đáo, mang nhiều hương vị đặc trưng. Để hỗ trợ phát triển sản phẩm, thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền cơ sở sản xuất khẩu sli Xuân Mai thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chính quyền thị trấn sẽ tuyên truyền, khuyến khích cơ sở chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để đăng ký xây dựng khẩu sli cốm thành sản phẩm OCOP.
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và khẩu sli là một trong những món bánh quen thuộc, không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền của nhiều gia đình. Đặc biệt, sự xuất hiện của khẩu sli cốm với màu sắc đẹp và hương vị thơm ngon hứa hẹn sẽ được nhiều gia đình lựa chọn, tìm mua trong dịp tết năm nay. Với bánh khẩu sli cốm không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn góp phần làm tăng sự phong phú, đa dạng của ẩm thực Xứ Lạng.
Ý kiến ()