Giới trẻ Trung Quốc ngày càng ngại kết hôn
Một cuộc khảo sát với 2.905 thanh niên chưa kết hôn cho thấy, tỷ lệ phụ nữ thành thị Trung Quốc trong độ tuổi 18-26 không muốn kết hôn là 44%, con số này ở nam giới là 25%.
Theo Business Insider, ngày nay, nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc không hứng thú với việc kết hôn, thậm chí coi hôn nhân như một rào cản đối với cuộc sống kinh tế độc lập. Một cuộc khảo sát với 2.905 thanh niên chưa kết hôn cho thấy, tỷ lệ phụ nữ thành thị Trung Quốc trong độ tuổi 18-26 không muốn kết hôn là 44%, con số này ở nam giới là 25%.
Cùng với sự mất cân bằng giới tính và chi phí tốn kém để nuôi dạy con cái, Trung Quốc đã chính thức bước vào một giai đoạn mà trong đó, thế hệ trẻ theo đuổi quyền tự do tài chính và cuộc sống độc thân, bất chấp áp lực xã hội.
Đám cưới tập thể do Công đoàn Trịnh Châu tổ chức ngày 16-10-2021, tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images |
Chen Yu, một nữ bác sĩ 35 tuổi, quê ở Quảng Đông, đã quen với việc bạn bè, người thân phàn nàn việc cô không chịu kết hôn. “Cha mẹ và người thân của tôi đang lo lắng. Họ nghĩ rằng ở tuổi này lẽ ra tôi phải có gia đình riêng”, cô cho hay. Trên thực tế, Chen Yu đang tận hưởng một cuộc sống vui vẻ. Cô có căn hộ rộng 93m2 ở thành phố và thỉnh thoảng tiếp đón cháu hay em gái đến chơi.
Có tài sản riêng là một tiêu chí quan trọng đối với thế hệ trẻ ở Trung Quốc trước khi nghĩ tới việc kết hôn. Nhiều cặp đôi tan vỡ vì không thể mua được một căn hộ, trong bối cảnh giá bất động sản ở Trung Quốc tiếp tục leo thang. Với bác sĩ Chen Yu, kết hôn không phải là mục tiêu cô đặt ra.
“Người ta mặc nhiên cho rằng phụ nữ phải ở nhà chăm sóc gia đình để chồng đi làm kiếm tiền, điều đó khiến tôi cảm thấy bị áp lực. Khi độc thân, tôi có tự do, có nhiều thời gian hơn. Những mối quan hệ tôi có, những nơi tôi đến, tôi không bị ràng buộc bởi bất kỳ ai”. Cùng chung suy nghĩ như Chen Yu, nhiều phụ nữ Trung Quốc lo ngại hôn nhân sẽ khiến họ phải hy sinh tự do cá nhân và tự do tài chính.
Allison Malmsten, Giám đốc marketing của công ty Daxue Consulting có trụ sở tại Hồng Công cho biết, phụ nữ Trung Quốc ngày càng độc lập và kiếm được nhiều tiền hơn. Họ tiêu pha nhiều hơn cho bản thân thay vì chỉ lo cho gia đình, tự mua sắm những tài sản có giá trị cao như ô tô, bất động sản…
“Đối với một số phụ nữ, cuộc sống độc thân của họ rất tốt, có chất lượng cao và họ biết rằng việc kết hôn có thể khiến họ gặp rủi ro”, Malmsten cho biết. Bên cạnh đó, phụ nữ Trung Quốc nói riêng, phụ nữ Á Đông nói chung thường phải chịu “áp lực kép”: Vừa phải có sự nghiệp thành công, vừa phải là người nội trợ tận tụy. Kết quả là nhiều phụ nữ có trình độ học vấn cao trì hoãn hoặc từ bỏ việc kết hôn để tránh xa những áp lực đó.
Một cuộc khảo sát năm 2021 của trang web tìm kiếm việc làm Zhaopin Recruiting cho thấy, 43,5% phụ nữ độc thân do dự kết hôn vì lo lắng hôn nhân làm giảm chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, 53,6% nam giới cho biết lý do chính khiến họ chọn sống độc thân là do thiếu sự bảo đảm về tài chính để nuôi gia đình.
Esther Zhong, 40 tuổi, nói với Business Insider rằng, nhờ độc thân mà cô được tự do theo đuổi sự nghiệp. Zhong làm giám đốc tài chính cho một công ty tại Quảng Châu với mức lương 50.000 nhân dân tệ (hơn 7.800USD) mỗi tháng. Cô có thể thoải mái đi công tác tại Australia và Singapore. Trong khi đó, nhiều đồng nghiệp của Zhong đã bỏ lỡ cơ hội đi công tác nước ngoài hoặc đến các tỉnh, thành phố khác chỉ vì không thu xếp được việc gia đình, con cái.
Theo Giáo sư Stuart Gietel-Basten, giảng viên khoa học xã hội và chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Công, tỷ lệ kết hôn giảm, bản thân nó không đáng báo động nhưng đó lại là một trong những vấn đề chính gây ra rắc rối về mặt xã hội, bởi nó đồng nghĩa với tỷ lệ sinh thấp. Các nước châu Á vốn đề cao các giá trị gia đình truyền thống, người ta thường chỉ sinh con sau khi kết hôn để tránh phiền phức và áp lực từ dư luận xã hội.
Dân số già hóa nhanh đã trở thành tình trạng khẩn cấp đối với Trung Quốc khi lực lượng lao động ngày càng thu hẹp, số chuyên gia trình độ cao ngày càng ít đi và có thêm hàng triệu người già cần được chăm sóc. Bên cạnh đó, vấn đề mất cân bằng giới tính ở nước này cũng đang ở mức nghiêm trọng. Theo một báo cáo của The South China Morning Post, Trung Quốc có số nam giới nhiều hơn 30 triệu so với nữ giới, tỷ số giới tính là cứ 100 bé gái thì có 111,3 bé trai.
Sự mất cân bằng nam-nữ cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ kết hôn giảm. Theo Giáo sư Stuart Gietel-Basten, để kết hôn, phụ nữ thường chọn người đàn ông có nền tảng kinh tế-xã hội cao hơn mình. Điều đó có nghĩa là, khi phụ nữ trung bình có thu nhập tốt lên thì những người đàn ông nghèo nhất ở Trung Quốc sẽ khó kiếm được bạn đời, trong khi những phụ nữ giàu có cũng khó tìm được người đàn ông hơn họ để kết hôn.
Trước tình trạng già hóa dân số ở mức báo động, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích sinh sản như: Cho phép mỗi gia đình có 3 con, thưởng tiền cho người sinh con, kéo dài thời gian nghỉ thai sản…
Tuy nhiên, các dữ liệu công bố cho thấy, tỷ lệ kết hôn cũng như tỷ lệ sinh ở nước này vẫn tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, chi phí nuôi dạy con cái đắt đỏ khiến những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ càng phải đắn đo.
Theo Business Insider, ước tính chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi ở một thành phố đắt đỏ như Thượng Hải vào khoảng 1,99 triệu nhân dân tệ (hơn 309.000USD). Trong khi tại Mỹ, chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi là 233.610USD.
Ý kiến ()