Giới khoa học nỗ lực nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt
Giới chuyên gia cho rằng vaccine dạng xịt có thể là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhằm giúp khống chế đại dịch COVID-19 (Ảnh minh họa: Shutterstock) |
Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 21/9 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 357.954 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 229.695.115 ca, trong đó 4.711.115 ca tử vong và 206.370.829 ca đã được chữa khỏi.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca mắc COVID-19. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới là 58.003 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 43.023.467 ca, trong đó 693.134 ca đã tử vong.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ghi nhận ở Ấn Độ trong 24 giờ qua là 24.925 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này 33.502.744 ca, trong đó 445.416 ca đã tử vong.
Brazil vẫn là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 21.247.667 ca và số ca tử vong là 590.955 ca.
Đứng thứ tư về số ca nhiễm là Anh với 7.465.448 ca, trong đó 135.252 ca đã tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở quốc gia này là 36.100 ca.
Với 7.294.672 ca nhiễm, Nga theo sát Anh là quốc gia đứng thứ năm thế giới về số ca nhiễm, trong đó 198.996 ca tử vong. Ngày hôm qua, nước này ghi nhận 19.744 ca nhiễm mới.
Tính theo khu vực, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (74.281.533 ca), vượt xa châu Âu (57.740.141 ca). Tiếp đến là Bắc Mỹ với 51.671.825 ca và Nam Mỹ với 37.557.137 ca. Châu Phi (8.239.778 ca) và châu Đại Dương (203.980 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn gia tăng kể cả ở những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tích cực nghiên cứu vaccine dạng xịt mũi nhằm cung cấp khả năng miễn dịch trực tiếp đến khu vực dễ bị lây nhiễm dịch bệnh nhất. Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhằm giúp khống chế đại dịch.
Các loại vaccine hiện có cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại các triệu chứng nặng của COVID-19, nhưng dường như chưa phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn virus lây lan.
Theo chuyên gia Nathalie Mielcarek, kích thích phản ứng miễn dịch trực tiếp tại mũi sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác. Ngoài ra, khả năng bị virus lây nhiễm xâm nhập vào phổi cũng ít hơn, do tải lượng virus thấp hơn đồng nghĩa khả năng chuyển biến nặng cũng ít hơn. Bên cạnh đó, vaccine xịt mũi được cho là dễ dàng sử dụng ngay tại nhà cũng như không gây tâm lý sợ kim tiêm.
Trong nghiên cứu của Đại học Tours (Pháp) trên chuột vừa được công bố tuần trước, 100% số chuột được xịt vaccine đã sống sót sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi những con không sử dụng vaccine đều chết.
WHO cho biết các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để đánh giá 8 loại vaccine xịt mũi nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong số này nổi bật là vaccine dạng xịt của Đại học Hạ Môn, Đại học Hong Kong và Công ty Dược sinh học Wantai Beijing đều của Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2.
Vaccine tiêm ở bắp tay tạo ra các phản ứng miễn dịch cho toàn bộ cơ thể, không nhắm mục tiêu cụ thể vào vùng lây nhiễm của virus. Trong khi đó, vaccine dạng hít nhắm mục tiêu cụ thể vào các bề mặt niêm mạc mũi, họng và phổi, điểm xâm nhập của virus, để tạo ra phản ứng miễn dịch.
Vaccine COVID-19 được tiêm ở bắp tay thường yêu cầu bảo quản lạnh và nhân viên y tế phải được đào tạo để tiêm cho người dân. Đây được xem là một khó khăn đối với các nước có nền công nghiệp kém phát triển và các khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, vaccine dạng xịt có thể được sử dụng thông qua các thiết bị dùng 1 lần mà không cần nhân viên được đào tạo. Điều này giúp chiến dịch tiêm chủng đại trà có thể triển khai dễ dàng hơn./.
Ý kiến ()