Giới chuyên gia dự báo ba kịch bản của đại dịch COVID-19 tới năm 2027
Ở kịch bản thứ nhất, nếu tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ với người trưởng thành tăng từ 61% lên hơn 80% trên toàn cầu thì nhiều người có thể được cứu sống và nguy cơ xuất hiện các biến thể có thể giảm đi.
Đại dịch COVID-19 hiện vẫn chưa kết thúc và giới chuyên gia y tế dự báo dịch bệnh toàn cầu này sẽ kéo dài ít nhất 5 năm nữa, nhưng đại dịch kết thúc như thế nào là tùy thuộc vào hành động của chính con người.
Theo báo cáo mới được công bố, Hội đồng Khoa học quốc tế (ISC) đã đưa ra ba kịch bản về dịch bệnh có thể xảy ra tới năm 2027. Báo cáo do một nhóm gồm 20 chuyên gia trong lĩnh vực y tế, virus học, kinh tế học, khoa học hành vi, đạo đức học và xã hội học thực hiện.
Các chuyên gia cho rằng trong những năm tới, việc phát triển và phân phối vaccine ngừa COVID-19 được cải thiện có thể giúp hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và hầu hết các nước có thể kiểm soát được sự lây truyền của dịch bệnh.
Ở kịch bản thứ nhất, nếu tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đối với người trưởng thành tăng từ khoảng 61% lên hơn 80% trên toàn cầu thì nhiều người có thể được cứu sống và nguy cơ xuất hiện các biến thể có thể giảm đi. Hơn nữa, điều này cũng đem lại những lợi ích nhất định đối với sức khỏe tâm thần, kinh tế và sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản lạc quan này, virus SARS-CoV-2 cũng sẽ không biến mất, nhưng sự lây lan của virus sẽ trở nên dễ kiểm soát hơn.
Mặc dù vậy, ISC cho rằng rất nhiều khả năng, kịch bản này không thể đạt được vì các chính phủ hiện nay đang kéo dài đại dịch khi chỉ tập trung vào các chiến lược quốc gia thay vì hợp tác quốc tế.
Theo kịch bản thứ hai, tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu ở mức dưới 70%. Nếu tỷ lệ này không tăng lên, COVID-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu gây bệnh theo mùa ở nhiều quốc gia, theo đó đòi hỏi các nhà khoa học cần điều chỉnh vaccine và sử dụng thuốc kháng virus.
ISC cho rằng đến năm 2027, kịch bản rất có thể xảy ra là tình trạng bất bình đẳng toàn cầu trở nên trầm trọng hơn. Các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc sẽ bị lùi lại một thập kỷ.
Báo cáo chỉ ra rằng ngay cả khi giai đoạn cấp tính của đại dịch sắp kết thúc ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao thì rủi ro vẫn ở mức cao khi nhiều người trên thế giới chưa được tiếp cận vaccine một cách hiệu quả vì các biến thể mới có thể tiếp tục xuất hiện.
Những người dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi các quốc gia thu nhập thấp sẽ đối mặt với nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế trong tương lai và tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng.
Đối với kịch bản thứ ba, nếu tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu ở mức dưới 60%, thì các quốc gia thu nhập thấp sẽ vẫn bị hạn chế tiếp cận vaccine và thuốc kháng virus. Theo đó, COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát với sự tái phát nghiêm trọng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Để tránh được kịch bản tồi tệ này, các chuyên gia cho rằng các chính phủ cần hợp tác và đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như giải quyết sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục và khoảng cách giàu nghèo.
Báo cáo của ISC cũng kêu gọi các chính phủ không chạy theo những lời xúi giục cắt giảm các mục tiêu về khí hậu để đạt được lợi ích ngắn hạn.
Các tác giả báo cáo nhận định sự gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu và tàn phá môi trường có thể sẽ khiến các đại dịch dễ xảy ra hơn trong tương lai, điều mà không ai muốn trải qua thêm một lần nữa./.
Ý kiến ()