Giỗ Tổ Hùng Vương 2018: Phú Thọ cam kết 5 ‘không’
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào và du khách thập phương về dự Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018, tỉnh Phú Thọ cam kết thực hiện “5 không”. Đồng thời công bố số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2017 |
“5 không” cụ thể là: Không có tình trạng ùn tắc giao thông; không để xảy ra tình trạng kinh doanh dịch vụ với giá cả mang tính chặt chém; không có người ăn xin ăn mày; không để xảy ra các hành vi mang tính phản cảm; không để mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tỉnh cũng đã xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; phương an chống ùn tắc, chen lấn, xô đẩy và đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời có các phương án cứu hộ, cứu nạn, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống khi có sự cố xảy ra. Tăng cường kiểm soát tình hình giá cả dịch vụ nhằm ngăn chặn tình trạng ép giá, tăng giá bất hợp lý; không để xảy ra tình trạng ăn xin, hàng quán chèo kéo khách.
Đồng thời, ban tổ chức lễ hội công khai số điện thoại đường dây nóng tại các địa điểm xung quanh khu vực Đền Hùng để tiếp nhận nhanh nhất thông tin phản ánh của nhân dân và du khách (Số điện thoại 0210 3860026 và 0210 6551666).
Tỉnh Phú Thọ tổ chức diễn tập cho ngày đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: BTC |
Hoạt động Phần lễ và Phần hội trong Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2018 sẽ được tổ chức từ ngày 21 đến 25/4 (tức từ ngày 6 đến 10/3 âm lịch). Toàn bộ phần lễ được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Phú Thọ và tiếp sóng trên các đài truyền hình Trung ương, các tỉnh, thành phố.
Không gian Lễ hội năm nay được trải rộng từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến TP. Việt Trì bao gồm: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố được tổ chức tại khu vực dân khấu quảng trường Hồ Công viên Văn Lang, TP. Việt Trì từ 19h15 ngày 21/4/2018 (tức 6/3 âm lịch).
Chương trình năm nay có quy mô mở rộng với sự tham gia của các xã, phường trên địa bàn TP. Việt Trì và một số địa phương trên địa bàn tỉnh như Huyện Lâm Thao (diễn trò trám), huyện Thanh Thủy (rước voi Đào Xá), huyện Đoan Hùng (đi cà kheo), huyện Tam Nông (đánh phết Hiền Quan) và một số di sản văn hóa diễn xướng dân gian đặc trưng của một số huyện khác trong tỉnh.
Đặc biệt, năm 2018, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng do tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức và mời 4 tỉnh, thành phố là: Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương và Kiên Giang đại diện cho các vùng, miền tham gia theo Đề án Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm đã được Thủ tướng phê duyệt. Kinh phí tổ chức được bố trí từ các nguồn như ngân sách tỉnh, hỗ trợ của các đơn vị, các tỉnh tham gia tổ chức và tài trợ của các tổ chức, cá nhân cho các hoạt động trong lễ hội.
Dịp này, các địa phương trong cả nước cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa hướng về nguồn cội. Tại TPHCM, vào đúng ngày 25/4 (ngày 10/3 âm lịch), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TPHCM sẽ tổ chức lễ Giỗ Tổ tại Khu Tưởng niệm các Vua Hùng thuộc Công viên Lịch sử – Văn hóa Dân tộc (Quận 9, TPHCM).
Tại lễ Giỗ Tổ sẽ diễn ra các nghi lễ truyền thống như: Lễ diễu hành đón rước lễ, lễ tế theo nghi thức cổ truyền; lễ dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ các Vua Hùng, Đức Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Các Đài Truyền hình TPHCM (HTV) và Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) sẽ truyền hình, truyền thanh trực tiếp chương trình lễ.
Cùng thời gian này, UBND Quận 1 phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ giỗ Tổ tại Đền thờ các Vua Hùng trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TPHCM; Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn võ cổ truyền, Vovinam, múa rồng và trống hội tại Khu Tưởng niệm các Vua Hùng trong 2 ngày 24, 25/4. Bên cạnh hoạt động lễ Giỗ Tổ, Ban Quản lý Công viên Lịch sử – Văn hóa Dân tộc TPHCM phối hợp với Thành Đoàn, Nhà văn hóa Thanh niên, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Bộ Tư lệnh TPHCM, Ban chỉ huy Trung đoàn 263 tổ chức hội trại truyền thống với chủ đề “Tự hào nòi giống Tiên Rồng” lần thứ X.
Ban Quản lý Công viên Lịch sử – Văn hóa Dân tộc TPHCM cũng phối hợp với Sở Du lịch TPHCM tổ chức hội thi “Gói, nấu bánh chưng” lần thứ 1 năm 2018; Hội sách, giao lưu thả diều, trò chơi dân gian, biểu diễn võ thuật, thư – họa Việt, trà Việt, ẩm thực 2018.
Tại Hà Tĩnh, lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2018 được tổ chức tại khu di tích Đại Hùng (phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), gồm 2 phần: Phần Lễ và phần Hội sẽ diễn ra từ ngày 23-25/4/2018 (tức từ 8-10/3 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
Trong đó, phần lễ gồm: Dâng hương báo lễ và lễ tế dân gian; lễ rước bài vị và dâng các vật phẩm cúng tế Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng… Phần hội gồm: Giải đẩy gậy truyền thống toàn thị xã Hồng Lĩnh và đêm giao lưu văn nghệ “Tiếng hát từ cuội nguồn”.
Giỗ tổ Hùng Vương được tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hằng năm nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bảo tồn các giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống. Đồng thời, đây cũng là dịp tăng cường quảng bá hình ảnh của thị xã Hồng Lĩnh sau 26 năm xây dựng và trưởng thành, qua đây thúc đấy sự phát triển du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()