Giơ cao đánh khẽ, tạo kẽ hở cho vi phạm
Mặc dù được tiếng là các văn bản, quy định khá rõ ràng nhưng một số trường vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Theo đó, Sở GD và ĐT Hà Nội phê bình 20 trường THPT ngoài công lập và công lập tự chủ tài chính do tuyển sinh vượt chỉ tiêu quy định. Sở GD và ĐT Hà Nội đã ra công văn yêu cầu các trường tuyển vượt chỉ tiêu thông báo cho cha mẹ học sinh được biết; hướng dẫn học sinh rút hồ sơ, chuyển tới làm thủ tục nhập học tại các trường THPT ngoài công lập khác còn đang thiếu chỉ tiêu trước ngày ngày 10-8. Việc làm của Sở GD và ĐT Hà Nội đã gây nên những phản ứng từ phụ huynh học sinh và dư luận xã hội.
Trước tình hình đó, khi hết hạn rút hồ sơ, Sở GD và ĐT lại cho phép các trường tuyển sinh vi phạm vẫn được nhận số học sinh vượt chỉ tiêu. Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội: Sở GD và ĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các trường phải trả lại hồ sơ, không được nhận số học sinh này để đúng theo quy hoạch phát triển giáo dục. Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội yêu cầu các trường làm kiểm điểm. “Lãnh đạo các trường nhận thức sâu sắc đây là lỗi của nhà trường khi chỉ tiêu đã có mà không thực hiện”. Xét điều kiện thực tế cũng như hoàn cảnh, quyền lợi của học sinh, Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội đồng ý các trường xem trong danh sách tuyển vượt, những học sinh nào có nhu cầu, học sinh nào đã rút hồ sơ nhưng vẫn có nguyện vọng thì cho phép ở lại.
Vấn đề đặt ra, vì sao đã có một hệ thống các văn bản quy định đầy đủ nhưng các trường vẫn “vô tư” vi phạm. Lý giải nguyên nhân, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD và ĐT Hà Nội) cho biết việc 20 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu không phải do Hà Nội thiếu trường, lớp học mà vì các trường thực hiện chưa đúng quy định của sở; cùng với đó là việc không ít học sinh khi tốt nghiệp THCS đã đăng ký cùng lúc vào nhiều trường THPT. Tuy nhiên, ông Chất cũng thừa nhận thực tế, các năm trước đây cũng có nhiều trường THPT ngoài công lập và công lập tự chủ tài chính vẫn để xảy ra tình trạng tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Trong khi Sở GD và ĐT cho rằng lỗi vi phạm thuộc về các trường khi cố tình tuyển vượt chỉ tiêu thì hiệu trưởng một số trường THPT bị phê bình như THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) lại từ chối trả lời về công tác tuyển sinh của trường mình.
Một điều dễ nhận thấy trong công tác tuyển sinh đầu cấp của ngành GD và ĐT Hà Nội những năm gần đây luôn “nóng”. Chuyện chạy trường, chạy lớp không còn là điều lạ trong dư luận xã hội; mặc dù các cuộc thanh kiểm tra đều khẳng định không có chuyện đó. Nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra hoài nghi với cách giải quyết của Sở GD và ĐT Hà Nội. Tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu xảy ra từ những năm trước, tại sao năm nay Sở GD và ĐT Hà Nội mới sốt sắng xử lý vi phạm? Sau khi “giơ cao” bằng việc yêu cầu học sinh rút hồ sơ để chuyển trường, sở GD và ĐT Hà Nội lại “đánh khẽ” khi đồng ý cho học sinh tiếp tục ở lại. Lý do được đưa ra hết sức nhân văn là “bảo đảm quyền lợi cho học sinh” nhưng thực chất có đúng như vậy.
Phải chăng, Sở GD và ĐT Hà Nội để cho “chuyện đã rồi” thì xử lý cho có, thông qua việc lấy lợi ích học sinh ra làm “bình phong”. Chỉ tiêu đã được xác định trên cơ sở đội ngũ, cơ sở vật chất… thì những học sinh tuyển vượt sẽ học ở trường chật chội, thiếu giáo viên, lớp quá đông, khó bảo đảm chất lượng dạy và học. Mặt khác, dư luận cũng băn khoăn việc hiệu trưởng các trường cho tuyển sinh vượt chỉ tiêu có khuất tất hay không? Vì sao sai phạm diễn ra nhiều năm mà Sở GD và ĐT Hà Nội không xử lý được dứt điểm?
Rõ ràng, các vấn đề về tuyển sinh đều được Sở GD và ĐT Hà Nội quy định chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên trong cách thực hiện vẫn còn hàng loạt những bất cập và những xử lý khó hiểu. Điều đó đòi hỏi cần có sự minh bạch, công khai, nghiêm túc và xử lý kiến quyết những vi phạm trong tuyển sinh đầu cấp của các trường, nhất đối với người đứng đầu là các hiệu trưởng. Ngoài ra, Sở GD và ĐT Hà Nội cũng cần xem xét lại quá trình quản lý, chỉ đạo, tổ chức và xử lý của chính mình trong công tác tuyển sinh. Có như vậy thì việc trường lớp học tập của con em thủ đô mới không là gánh nặng cho các bậc phụ huynh.
Ý kiến ()