Gìn giữ và phát triển di sản then Xứ Lạng
LSO-Đối với đồng bào dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng, then là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính vì thế, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, làn điệu then vẫn được trao truyền, tồn tại, phát triển và thu hút ngày càng đông người, trong đó có thế hệ trẻ tham gia luyện tập, biểu diễn.
Nghệ nhân ưu tú Nông Thị Lìm tham gia làm phim về hát then |
Then nghi lễ – nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh
Theo quan niệm của người Tày, Nùng, then có nghĩa là “tiên”, “người trời”. Những người làm then là đại diện của trời, được cử xuống trần giúp nhân dân tai qua nạn khỏi, mọi sự tốt lành. Cũng từ đó, then ra đời với những nghi thức, nghi lễ cầu mưa, cầu nắng, cầu an, cầu phúc, cầu mùa màng bội thu… Mỗi khi đối diện với những may rủi trong cuộc sống hằng ngày, người Tày, Nùng đều tìm thấy ở then một điểm tựa an toàn về tinh thần. Then cho con người niềm tin, hướng người ta đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống, tránh xa những suy nghĩ, hành động tiêu cực.
Chị Nông Thị Mai (thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan) cho biết: Hai vợ chồng tôi đều là người dân tộc Tày. Mọi nghi lễ thờ cúng trong gia đình đều phải mời thầy then đến giúp. Nhờ đó, các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh bình an, công việc làm ăn được thuận lợi.
Được coi là “tiên” với hơn 20 năm gắn bó, bà then Nông Thị Lìm (thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc) được nhiều người dân không chỉ trong thị trấn mà ở các xã, các huyện khác cũng tin tưởng và tìm đến mỗi khi gia đình có việc cần. Trung bình mỗi năm, bà làm lễ cầu cúng cho khoảng 300 lượt người.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh, những nghệ nhân then như bà Lìm hiện có khoảng 375 người, trong đó, then Tày là 115 người, then Nùng 260 người. Có nhiều nghệ nhân làm then theo truyền thống gia đình qua nhiều thế hệ như: bà Vi Thị Phằn (Bản Nhùng, Hồng Thái, Văn Lãng) có truyền thống 7 đời làm then; Vi Thị Nhật (Đông Quan, Lộc Bình) 6 đời làm then… Những nghệ nhân này theo năm tháng đã thường xuyên thực hành các nghi lễ để phục vụ nhu cầu tâm linh của gần 80% dân số (người Tày, Nùng) trên địa bàn tỉnh với các nghi lễ phổ biến như: lẩu then, giải hạn, cầu an, thôi tang, sinh nhật…
Với vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần, năm 2015, “Nghi lễ then của người Tày, người Nùng Lạng Sơn” đã được xếp vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Trong đó tỉnh ta có 5 nghệ nhân then vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc” (Quyết định số 2533/QĐ-CTN ngày 13/11/2015). Qua đó cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và địa phương trong việc gìn giữ, tôn vinh giá trị di sản then trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng.
Then biểu diễn – sân chơi của người yêu nghệ thuật
Bên cạnh các bài hát cổ trong then nghi lễ thì nghệ thuật hát then, đàn tính lời mới cũng trở thành một món ăn tinh thần được đông đảo quần chúng nhân dân ưa chuộng. Có lẽ vì thế mà số lượng người tham gia vào các CLB hát then đàn tính ngày càng nhiều. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 70 CLB (nhóm người yêu thích hát then) được thành lập với khoảng 1.400 hội viên. Trong số họ có nam và nữ, có người già, người trẻ, có những người bình thường và có cả những người khuyết tật… Họ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống thường ngày, đến với CLB để gặp gỡ, giao lưu, dạy và học hát then đàn tính, thỏa mãn niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Là một người phụ nữ có giọng hát mượt mà, được nhiều người nhớ đến với bài hát then “Hoa hướng dương”, bà Đàm Thị Na (Hội Người khuyết tật thành phố Lạng Sơn) cho biết: tôi là người dân tộc Nùng, vốn thích hát then từ bé nhưng vì chân bị tật nên ngại tham gia. Nhờ có thầy giáo ở Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh nhiệt tình truyền dạy, tôi đã dành nhiều thời gian để luyện tập. Hơn 2 năm nay, tôi đã tự tin hát, biểu diễn trên sân khấu và dạy hát cho các hội viên khuyết tật khác.
Ngày nay, hát then đàn tính đã và đang được quan tâm dàn dựng và ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật của tỉnh. Nội dung của các bài hát then mới được sáng tác tập trung phản ánh nhịp sống của xã hội trong giai đoạn mới, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()