Ngày Lưu trữ 3-1 năm nay, những người làm lưu trữ trong cả nước phấn khởi đón tin vui: Luật Lưu trữ đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ hai, ngày 11-11-2011. Ngày 25-11-2011, Chủ tịch nước ký Lệnh số 10/2011/L-CTN về việc công bố Luật. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng của ngành lưu trữ Việt Nam. Xử lý tài liệu bằng máy hút chân không, góp phần "kéo dài tuổi thọ" của tài liệu lưu trữ. Nhận thức rõ giá trị to lớn của tài liệu lưu trữ, ngay sau khi giành được chính quyền, trước hiện tượng hồ sơ, tài liệu của chế độ cũ để lại có nguy cơ bị tiêu hủy, ngày 3-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 1C/VP gửi các Bộ trưởng Chính phủ lâm thời phê phán nghiêm khắc hiện tượng tùy tiện loại hủy tài liệu. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tài liệu lưu trữ "có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia" và yêu cầu "các ông Bộ trưởng ban chỉ thị cho nhân viên các sở phải...
Ngày Lưu trữ 3-1 năm nay, những người làm lưu trữ trong cả nước phấn khởi đón tin vui: Luật Lưu trữ đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ hai, ngày 11-11-2011. Ngày 25-11-2011, Chủ tịch nước ký Lệnh số 10/2011/L-CTN về việc công bố Luật. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng của ngành lưu trữ Việt Nam.
Xử lý tài liệu bằng máy hút chân không, góp phần “kéo dài tuổi thọ” của tài liệu lưu trữ.
Nhận thức rõ giá trị to lớn của tài liệu lưu trữ, ngay sau khi giành được chính quyền, trước hiện tượng hồ sơ, tài liệu của chế độ cũ để lại có nguy cơ bị tiêu hủy, ngày 3-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 1C/VP gửi các Bộ trưởng Chính phủ lâm thời phê phán nghiêm khắc hiện tượng tùy tiện loại hủy tài liệu. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tài liệu lưu trữ “có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia” và yêu cầu “các ông Bộ trưởng ban chỉ thị cho nhân viên các sở phải gìn giữ tất cả các công văn, tài liệu và không được hủy những công văn, tài liệu ấy nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép hủy bỏ”; đồng thời, Người chỉ rõ hồ sơ, tài liệu lưu trữ “… sẽ phải gửi về những sở lưu trữ công văn… để tàng trữ”. Từ đó, ngày 3-1 hằng năm trở thành Ngày Lưu trữ Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của ngành lưu trữ cách mạng Việt Nam.
Thực hiện nhiệm vụ trọng yếu mà Đảng và Nhà nước giao phó là giữ gìn và phát huy giá trị di sản tài liệu lưu trữ, từ những năm đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại ở miền bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) đã tổ chức sơ tán, bảo vệ an toàn hàng nghìn mét giá tài liệu lưu trữ quốc gia. Đến nay, mạng lưới các kho lưu trữ chuyên dụng được hình thành từ trung ương đến các tỉnh, nhằm duy trì các hoạt động bảo vệ, bảo quản an toàn hàng trăm nghìn mét giá tài liệu có giá trị lịch sử. Công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ đã thật sự đóng góp đáng kể vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Huân chương Hồ Chí Minh do Chủ tịch nước trao tặng ngành lưu trữ năm 2007 là phần thưởng xứng đáng mà Đảng và Nhà nước ta đã ghi nhận công lao đóng góp của các thế hệ cán bộ lưu trữ thời gian qua.
Hiện tài liệu lưu trữ được coi là di sản, là tài nguyên thông tin quá khứ vô cùng phong phú của dân tộc. Yêu cầu cải cách hành chính của một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải hướng tới công chúng, phục vụ công chúng. Để làm được những điều đó cần có sự phối kết hợp của các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm công tác lưu trữ; sự quan tâm của Chính phủ trong đầu tư kinh phí để xây dựng kho tàng, lắp đặt trang thiết bị, chỉnh lý sắp xếp, lập công cụ tra cứu, trưng bày, công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ. Trên cơ sở đó, phải thường xuyên quan tâm, động viên về tinh thần và nâng cao đời sống người làm công tác lưu trữ; ủng hộ, tạo điều kiện để họ thêm yêu nghề, phấn đấu vươn lên trong học tập và công tác, vì đây là một nghề rất đặc thù, âm thầm, đòi hỏi tính kiên trì, cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo. Bên cạnh đó, các cán bộ làm công tác lưu trữ cần không ngừng phấn đấu, rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn để tiến kịp trình độ chung của thế giới, tìm tòi nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn, để tài liệu lưu trữ phát huy được “giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu cách đây 66 năm.
Luật Lưu trữ hiện đã được Quốc hội thông qua, nhờ đó công tác lưu trữ – lĩnh vực hoạt động không thể thiếu của bất kỳ Nhà nước, cơ quan, tổ chức nào, đã được thể chế bằng Luật, tạo cơ sở pháp lý cao nhất để công tác lưu trữ được quản lý và thực hiện thống nhất, tài liệu lưu trữ được tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị. Để triển khai Luật Lưu trữ vào cuộc sống, thời gian tới, ngành lưu trữ Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật làm hành lang pháp lý để tổ chức quản lý công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ. Tập trung tổ chức xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Lưu trữ và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của xã hội, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ; đẩy mạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác lưu trữ tại các cơ quan trung ương và địa phương. Các cơ quan, tổ chức trong phạm vi trách nhiệm của mình cần thực hiện tốt việc thu thập, bảo vệ, bảo quản an toàn, đặc biệt phải đẩy mạnh việc phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ thông qua các hình thức thuận lợi nhất cho công chúng như phục vụ tại phòng đọc, nơi trưng bày triển lãm, giới thiệu tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, công tác lưu trữ đang đặt ra yêu cầu cấp bách, làm sao để các thế hệ sau không chỉ phát huy được truyền thống của những người đi trước, mà còn phải tiến xa hơn với nhịp độ phát triển của khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước thời kỳ đổi mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()