Gìn giữ trang phục người Dao Lô Gang: Để nét đẹp không bị phai nhạt
– Trang phục là một trong những thành tố văn hóa tạo nên bản sắc của tộc người Dao Lô Gang tại vùng núi Mẫu Sơn. Là huyện có số lượng người Dao Lô Gang sinh sống đông, nhận thấy giá trị của trang phục truyền thống mang lại, thời gian qua, UBND huyện Cao Lộc đã và đang có nhiều giải pháp gìn giữ những nét đẹp truyền thống để không bị phai nhạt.
Những ngày đầu tháng 6/2021, chúng tôi có chuyến công tác đến xã Công Sơn, huyện Cao Lộc. Xã có số lượng người Dao Lô Gang đông nhất huyện với 1.426 nhân khẩu thuộc 289 hộ dân. Được công chức văn hóa xã giới thiệu, chúng tôi đến gia đình chị Triệu Mùi Nảy, xóm Khuổi Tao, thôn Ngàn Pặc đúng lúc chị đang thêu chiếc áo nữ người Dao. Sắc vàng, sắc cam cùng những họa tiết hình con chim, cây thông mà chị đang thêu khiến chúng tôi không khỏi ấn tượng. Chị Nảy cho biết: Với chúng tôi, bộ quần áo giống như linh hồn của dân tộc. Lúc cưới hay lúc về với tổ tiên, chúng tôi đều mặc nó. Người con gái dân tộc Dao ai cũng biết thêu, khi đến tuổi trưởng thành đều được bà, được mẹ dạy cho. Bộ quần áo nữ thì tỉ mỉ, kỳ công hơn của người nam. Mỗi bộ như vậy, tôi phải làm gần 1 năm mới xong.
Phụ nữ người Dao Lô Gang xã Công Sơn, huyện Cao Lộc thêu trang phục truyền thống
Để bảo tồn và phát huy giá trị trang phục người Dao, hằng năm, UBND xã Công Sơn quan tâm, xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền. Ông Triệu Trần Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho biết: Chúng tôi đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức như cử cán bộ đến từng nhà, lồng ghép trong các cuộc họp xã, thôn… Đồng thời, hằng năm, chúng tôi đều tổ chức hoạt động lồng ghép trình diễn trang phục của người Dao vào các ngày lễ hội và ngày hội văn hoá các dân tộc trên địa bàn.
Không riêng xã Công Sơn, hiện nay, tại huyện Cao Lộc, người Dao Lô Gang có hơn 1.600 người, tập trung ở các xã: Công Sơn, Mẫu Sơn và thôn bản Pèng, xã Xuất Lễ. Thời gian qua, các cấp, ngành liên quan và người dân tộc Dao tại huyện đã tích cực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của trang phục người Dao Lô Gang và được đẩy mạnh thực hiện trong những năm gần đây. Cụ thể, thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” của UBND tỉnh, ngày 5/8/2019, UBND huyện Cao Lộc đã ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND thực hiện đề án trên địa bàn huyện. Cụ thể hóa đề án, UBND huyện đã chỉ đạo các xã có đồng bào Dao sinh sống đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tộc Dao mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, tết, hội xuân, cưới hỏi; chỉ đạo các trường học trên địa bàn xã Công Sơn, Mẫu Sơn triển khai cho 100% học sinh mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần. Hằng năm, UBND huyện cũng bố trí kinh phí để các xã thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá trang phục truyền thống người Dao; giao Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện mỗi năm xây dựng 10 tin, bài, phóng sự, thông tin hình ảnh quảng bá về trang phục các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, trong đó có trang phục của người Dao Lô Gang.
Ông Đinh Đức Độ, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống của dân tộc người Dao Lô Gang, thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các nội dung đề án; tham mưu UBND huyện tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa trang phục các dân tộc nói chung, dân tộc Dao Lô Gang nói riêng.
Có thể thấy, bên cạnh các thành tố văn hóa khác, trang phục đã tạo nên nét riêng có, độc đáo, cũng như cốt cách của mỗi tộc người. Tin rằng, chính quyền huyện Cao Lộc sẽ tiếp tục có những giải pháp hiệu quả nhằm góp phần bảo lưu giá trị trang phục và những nét đẹp văn hóa của người Dao Lô Gang trên địa bàn
Phụ nữ Dao Lo Gang mặc áo dài bốn thân bổ tà trước ngực, bên trong có yếm thêu hoa văn, gắn các ngôi sao bằng bạc và trang trí bằng hạt cườm kèm với thắt lưng màu trắng thêu hoa văn đen hình cành cây, đầu đội mũ hình mái nhà, quấn quanh mũ bằng dây hạt cườm đủ màu sắc. Trang phục đàn ông người Dao đơn giản hơn với chiếc áo màu đen, có đính các tua chỉ ngũ sắc, quần ống rộng buộc néo bằng sợi dây gai có đồng xu để giữ, đầu đội khăn xếp. |
Ý kiến ()