Tết Thanh minh: Hướng về nguồn cội
- Trong đời sống văn hóa dân gian Lạng Sơn, Tết (tiết) Thanh minh là một trong những tết quan trọng của đồng bào Tày, Nùng nơi đây, là văn hóa truyền thống thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Theo phong tục của người Tày, Nùng Lạng Sơn, Tết Thanh minh là một trong ba cái tết chính của một năm, cùng với Tết Nguyên đán và Rằm tháng 7 âm lịch. Quan niệm dân gian cho rằng, tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày, thanh có nghĩa là trong lành, sạch sẽ; minh có nghĩa là tươi sáng. Tết Thanh minh là khoảng thời gian thời tiết ôn hòa, sáng sủa, không khí mát mẻ dễ chịu, vạn vật sinh sôi, tươi tốt. Năm nay, tiết Thanh Minh bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 7/3 âm lịch đến ngày 22/3 âm lịch.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Đối với người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, Tết Thanh Minh, còn gọi là Tết “so slam, bươn slam” (tức mùng Ba tháng Ba). Bà con dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn thường tổ chức Tết Thanh Minh vào đúng ngày 3/3 âm lịch. Tuy nhiên, ngày nay, do điều kiện công việc, tại một số nơi, người dân có thể chọn một ngày đẹp vào dịp cuối tuần trong tiết Thanh Minh để đi tảo mộ, miễn là trong tháng 3 âm lịch. Dù lựa chọn ngày có khác nhau, nhưng cách thức tảo mộ của đồng bào Tày, Nùng đều giống nhau, cùng hướng về tổ tiên, cội nguồn.
Trong những ngày này có thể dễ dàng nhận thấy, tại các khu nghĩa trang của các gia đình, dòng họ của đồng bào Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh đều nhộn nhịp người dân đi tảo mộ, thắp hương cho tổ tiên, người thân đã khuất để tưởng nhớ và tỏ lòng hiếu kính. Thông thường, sau khi làm lễ cúng gia tiên tại nhà xong, con cháu trong dòng họ mới bắt đầu đi tảo mộ. Đồ cúng tùy thuộc vào hoàn cảnh của con cháu. Đặc biệt, trong dịp Tết Thanh minh của người Tày, Nùng không thể thiếu “khẩu nua đăm đeng” (xôi nếp đỏ, đen), xôi cẩm hoặc xôi ngũ sắc, bánh ngải, bánh dày ngũ sắc...
Chị Hà Thị Tươi, dân tộc Nùng, thôn Phai Luông, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc chia sẻ: Ngày Tết Thanh minh thì bánh ngải là món không thể thiếu trong mâm lễ cúng ông bà tổ tiên. Để làm được những chiếc bánh ngải ngon, dẻo, màu xanh đều, tôi phải chọn gạo nếp ngon, đường làm bánh là đường phên có màu vàng, ngọt, không có sạn. Còn lá ngải phải là những lá tươi, non...
Anh Nông Tiến Thành, thôn Nà Tốn, xã Tri Phương, huyện Tràng Định cho biết: Tôi đi làm khu công nghiệp ở Bắc Ninh nhưng mỗi năm cứ đến Tết Thanh minh, tôi đều cố gắng thu xếp đưa vợ con về quê tảo mộ, thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Tôi cảm thấy phong tục này rất ý nghĩa, tạo cơ hội cho con cháu xa quê được về quây quần, để không quên đi nguồn cội của mình.
Nhằm gìn giữ những nét đẹp văn minh trong phong tục Tết Thanh minh, đẩy lùi hủ tục, chính quyền các huyện, thành phố đã chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND cấp xã vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; hạn chế đốt vàng mã gây lãng phí, lây lan cháy rừng; gìn giữ vệ sinh môi trường tại khu vực nghĩa trang...
Ngày nay, những nghi thức bài bản của người xưa đã thay đổi ít nhiều để ngày lễ được tổ chức một cách tiết kiệm, phù hợp nhịp sống hiện đại. Dẫu vậy, ý nghĩa nhân văn thể hiện lòng biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên trong ngày Tết Thanh minh vẫn luôn là nét đẹp tạo nền nếp gia phong, được bảo tồn trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.

Ý kiến ()