Gìn giữ, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc Xứ Lạng
– Với hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trang phục truyền thống là một thành tố quan trọng tạo bản sắc riêng của từng dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của Xứ Lạng. Những năm qua, các cấp, ngành liên quan của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Trang phục là thành tố văn hóa đặc biệt, là tri thức dân gian quý báu phản ánh quá trình sáng tạo, tính thẩm mỹ của của mỗi cộng đồng dân tộc. Do sự phát triển nhanh của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mỹ. Những năm qua, một bộ phận không nhỏ người DTTS Việt Nam nói chung trong đó có Lạng Sơn đã thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống bằng trang phục phổ thông, đặc biệt là lớp trẻ. Các nghệ nhân biết nghề dệt và may trang phục truyền thống ngày càng mai một. Trang phục truyền thống bị pha tạp nhiều cả về chất liệu và kiểu dáng, khó phân biệt các trang phục của dân tộc.
Người Dao thôn Lũng Slàng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định mặc trang phục dân tộc chụp ảnh lưu niệm với khách du lịch
Từ thực trạng trên, ngày 18/1/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có Quyết định số 209 về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 117 ngày 3/7/2019 về việc thực hiện đề án này. Thực hiện đề án, các cấp, ngành liên quan trong tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều biện pháp thiết thực như: tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng; rà soát, kiểm kê các trang phục truyền thống; phục dựng lễ hội truyền thống có sử dụng các trang phục truyền thống; đưa trang phục truyền thống vào trường học…
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Thực hiện giai đoạn I của đề án (2019 – 2025), từ năm 2019 đến nay, Sở VHTTDL đã đẩy mạnh tuyên truyền; rà soát, kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các DTTS; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về trang phục truyền thống… Nổi bật, ngày 3/11/2022, chúng tôi đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các DTTS tỉnh Lạng Sơn với gần 30 tham luận của các nhà quản lý văn hóa, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi tiếp tục tham mưu giải pháp giữ gìn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.
Với sự chỉ đạo của Sở VHTTDL, công tác nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày trang phục truyền thống các DTTS được chú trọng. Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Từ năm 2020 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã lập 253 phiếu kiểm kê trang phục của 5 DTTS trong tỉnh. Đồng thời sưu tầm bổ sung một số bộ trang phục truyền thống DTTS còn thiếu. Tính đến nay, Bảo tàng tỉnh đã có khoảng 450 hiện vật về trang phục dân tộc và các hiện vật liên quan đến quy trình tạo nên trang phục dân tộc. Đây là những tư liệu quý giúp cho việc nghiên cứu đặc trưng, sự biến đổi của trang phục truyền thống DTTS qua các thời kỳ trên địa bàn tỉnh được thực hiện chính xác, hiệu quả. Ngoài ra, trang phục DTTS còn trưng bày tại các triển lãm cố định; triển lãm chuyên đề; triển lãm lưu động… Qua đó quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa của các trang phục truyền thống các đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Cùng với sưu tầm, trưng bày, các hoạt động tuyên truyền, tôn vinh giá trị trang phục dân tộc được đẩy mạnh. Các chương trình văn hóa, nghệ thuật, du lịch lễ hội từ tỉnh đến cơ sở đều có các tiết mục hát dân ca truyền thống, trong đó có người biểu diễn mặc trang phục dân tộc. Đặc biệt đầu tháng 11/2022, Sở VHTTDL tổ chức Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống và hát dân ca các DTTS Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022. Liên hoan thu hút hơn 250 nghệ nhân, diễn viên đến từ 11/11 huyện, thành phố tham gia. Trong đó phần trình diễn trang phục dân tộc Dao của huyện Lộc Bình đã đạt giải đặc biệt.
Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình cho biết: Với đặc trưng văn hóa của huyện, chúng tôi đã lựa chọn trình diễn trang phục các dân tộc, trong đó có dân tộc Dao, 100% trang phục tham gia liên hoan đều đảm bảo tính truyền thống, nguyên gốc, đủ các phụ kiện đi kèm, thể hiện đúng phong tục tập quán, lễ nghi. Mặt khác, để phát huy giá trị trang phục truyền thống, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện đề án của tỉnh trên địa bàn huyện, trong đó phòng phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tăng cường tuyên truyền, xây dựng các mô hình điểm tại 8 trường học về dạy cắt may trang phục và mặc trang phục dân tộc đồng loạt vào 1 ngày trong tuần.
Với những giải pháp trên, trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục được bảo tồn và phát huy, đặc biệt người dân đã có ý thức trong việc gìn giữ và lan tỏa trang phục dân tộc truyền thống. Chị Hoàng Thị Duyên, thôn Kéo Giểng, xã Quang Trung, huyện Bình Gia cho biết: Còn trẻ tuổi, tôi ít khi mặc trang phục truyền thống dân tộc. Qua các hội nghị tuyên truyền, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tôi hiểu hơn ý nghĩa trang phục dân tộc, thấy thêm yêu và tự hào về trang phục của dân tộc Nùng. Từ đó, tôi thường xuyên mặc trang phục dân tộc truyền thống, đồng thời học hỏi các bà, các mẹ cách làm trang phục của người Nùng.
Tin tưởng rằng với những biện pháp thiết thực, đồng bộ của các cấp, ngành, trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS Xứ Lạng luôn được gìn giữ, phát huy, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú trong trang phục cổ truyền của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Tiến sỹ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh
“Để tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của trang phục các đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, theo tôi, thời gian tới, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, phát huy giá trị văn hóa trang phục của các DTTS trong phát triển kinh tế – xã hội. Cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền về bảo tồn, gìn giữ và phát triển, kết hợp các hình thức tuyên truyền. Đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ người uy tín, già làng, trưởng bản để tạo sự đồng thuận giá trị về trang phục truyền thống dân tộc. Cùng đó nghiên cứu, rà soát, thống kê trang phục của từng dân tộc, từng địa phương; tích cực quảng bá hình ảnh, thương hiệu di sản văn hóa trang phục dân tộc truyền thống ra ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế.
Các cấp cần huy động sự tham gia của người dân, các đoàn thể vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống trong việc tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra nên kịp thời biểu dương, khen thưởng, phổ biến kinh nghiệm của các tập thể, cá nhân có những đóng góp đối với công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển các trang phục truyền thống; có chính sách động viên, khen thưởng, công nhận các danh hiệu đối với những người có nhiều công lao trong việc giữ gìn giá trị văn hóa của trang phục truyền thống đồng bào các DTTS”.
Tiến sĩ Chử Thị Thu Hà, Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Đại học Văn hóa Hà Nội
“Sự biến đổi về trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS Việt Nam trong đó có Lạng Sơn là tất yếu để phù hợp với môi trường tự nhiên, xã hội. Tuy nhiên, biến đổi đến mất bản sắc văn hóa, biến đổi để không còn nhận diện được tộc người lại là nguy cơ đáng báo động cho chính bản thân các tộc người nói riêng và cho cả nền văn hóa quốc gia nói chung. Để tránh tình trạng này, các cấp, ngành liên quan của tỉnh Lạng Sơn cần nghiên cứu giải pháp kịp thời, đúng đắn và lâu dài. Trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp đặc sắc, giá trị văn hóa, lịch sử của bộ trang phục truyền thống đến các tầng lớp Nhân dân; tạo môi trường văn hóa cho đồng bào các dân tộc có dịp trình diễn những bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Đồng thời cần có chính sách đãi ngộ, tôn vinh thỏa đáng đối với những nghệ nhân, thợ giỏi; tăng cường mở các lớp dạy nghề truyền thống về thổ cẩm, may thêu trang phục đồng bào DTTS…”
Ý kiến ()