Gìn giữ nét đẹp truyền thống trong lễ hội xuân
LSO-Lễ hội xuân vốn là một hoạt động văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của nhân dân. Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa linh thiêng, vừa tưng bừng, náo nức bởi hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng này gắn với nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.
Chùa Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc thu hút nhiều du khách trẩy hội – Ảnh: BT |
Hằng năm, lễ hội Xuân Xứ Lạng đều được tổ chức phong phú, chủ yếu là các lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tiêu biểu là Lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng, Chùa Bắc Nga (Cao Lộc), Lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa – Tả Phủ, Đền Kỳ Cùng, Chùa Tiên, Chùa Tam Thanh (TP Lạng Sơn), Lễ hội Đền Bắc Lệ (Hữu Lũng), Lễ hội Háng Đắp (Lộc Bình), Lễ hội Quỳnh Sơn, Lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn), Lễ hội Bủng Kham (Tràng Định)… và hàng trăm lễ hội chủ yếu là lễ hội lồng thồng (chiếm khoảng 90% tổng số các lễ hội trên địa bàn tỉnh) được tổ chức tại các xã, thôn, bản với bầu không khí vui tươi, náo nhiệt thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của nhân dân và du khách thập phương. Các lễ hội đều được tổ chức theo nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc trong đó gồm hai phần “lễ” và phần “hội”. Phần “lễ” được tổ chức trang trọng, linh thiêng. Trong không gian tâm linh, tín ngưỡng, nhân dân và du khách thập phương thực hiện nghi lễ truyền thống như dâng lễ, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe, bình an, may mắn, tham gia rước kiệu, rước bài vị… Phần “hội” được tổ chức đa dạng, phong phú với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian như múa sư tử, kéo co, đẩy gậy, đá bóng, đu quay, tung còn… Các lễ hội đều có chương trình biểu diễn văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Xứ Lạng như hát phong slư, sli, then, lượn, ví… Một số lễ hội còn tổ chức thi cắm trại và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu tại các trại, thi văn hóa ẩm thực. Đặc biệt một số lễ hội cấp xã còn tổ chức thi tìm hiểu về các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa; thi tìm hiểu Luật Biên giới quốc gia; lễ hội lồng thồng tổ chức thi giã gạo và gói bánh chưng, thi cày giữa các thanh niên trong xã để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Những năm qua, nhận thức rõ vai trò của lễ hội, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, gắn với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Do vậy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh đã thực sự đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường đã làm cho những phong tục đẹp trong lễ hội cũng đang dần nhuốm màu thực dụng. Một số đền chùa vẫn tràn ngập tiền lẻ, tiền trên ban thờ, tiền gài tay Phật; số lượng người dân đến các đền chùa cúng cầu an, dâng sao giải hạn, dâng vàng mã mâm to mâm nhỏ đốt hóa vàng, đặt tiền giọt dầu vẫn còn phổ biến. Ở một số nơi, công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội chưa quan tâm nhiều đến việc tuyên truyền, giới thiệu những giá trị đích thực của di tích, lễ hội để du khách thập phương được bổ trợ kiến thức về văn hóa dân tộc, hiểu về nghi thức và nhân vật thờ nơi lễ hội… thậm chí chỉ quan tâm đến việc thu trong mùa lễ hội, đặt nhiều hòm công đức, khuyến khích người đi lễ đặt tiền. Ngoài ra, ở một số lễ hội, hiện tượng hành khất, khấn thuê, đổi tiền lẻ, trộm cắp, móc túi, xả rác vẫn diễn ra gây bức xúc trong dư luận. Trong quan niệm của người xưa, đi lễ là chuẩn bị tâm thế để đến với thần linh, phải để thần linh cảm được mình, tức là tu thân tích đức, sống có đức thì cảm được thần linh, rồi được thần linh phù trợ, chứ không phải nhiều tiền sẽ kêu được thần linh. Nếu những hiện tượng trên chưa được loại bỏ sẽ mất dần sự linh thiêng và ý nghĩa của lễ hội.
Để đảm bảo các lễ hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức thực sự vui tươi, lành mạnh, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 138/UBND-VX, ngày 15/2/2015 về tăng cường công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội. Trong đó yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư, bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục tập quán của từng địa bàn và điều kiện kinh tế xã hội thực tế của tỉnh; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng, lưu thông tiền tệ, đặc biệt là tại các di tích, công trình tín ngưỡng, tôn giáo, nơi tổ chức lễ hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội và tham gia các hoạt động lễ hội. Các ban tổ chức lễ hội hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ đúng nơi quy định; bố trí sắp xếp hàng quán, dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông gọn gàng, thuận tiện cho nhân dân, tránh gây ùn tắc, mất an ninh trật tự; đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân tham gia lễ hội; nghiêm cấm các hoạt động thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để kinh doanh những dịch vụ không phù hợp; loại bỏ các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, đổi tiền lẻ trong lễ hội; khắc phục tình trạng đặt hòm công đức và đặt tiền lễ tùy tiện, quản lý và sử dụng tiền công đức công khai minh bạch, phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội. Đặc biệt trong đó yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư, chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
Nét đẹp lễ hội mang lại là truyền thống uống nước, nhớ nguồn, góp phần bồi đắp cho con người lòng nhân ái, biết yêu thương nhau, trọng hiếu nghĩa, là cốt lõi về giá trị đạo đức văn hóa hướng con người đến chân – thiện – mỹ. Đến với lễ hội bằng tấm lòng thành, “lòng thành thắp một nén nhang” tưởng nhớ công đức của các bậc thánh thần đã có công xây dựng và bảo vệ làng, bản, quê hương, đất nước và tham gia vui hội bằng những ứng xử có văn hóa. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có trong lễ hội cần được gìn giữ.
THANH TÂM (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến ()