Gìn giữ mạch nguồn cải lương
Phải 8 giờ tối, đêm diễn của Nhà hát cải lương tỉnh Long An mới mở màn. Thế nhưng, ngay từ chiều người dân thành phố Tân An đã bàn tán về tiết mục sắp được trình diễn. Tại nhiều hàng quán, khách và chủ rôm rả chuyện trò. Cũng lại là chuyện về vở cải lương sẽ diễn tối nay… |
Trong căn nhà nhỏ tại một hẻm gần đó, vợ chồng Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hữu Lộc và NSƯT Ánh Hồng cũng đang sửa soạn để đến nhà hát. Bao năm rồi, ông bà vẫn chộn rộn, háo hức trước giờ nhà hát mở cửa như thế, mặc dù hai nghệ sĩ lớn tuổi nay không còn lên sân khấu mà chỉ đến để xem học trò, bạn hữu biểu diễn mà thôi. Trước khi đến với sân khấu cải lương chuyên nghiệp, NSƯT Hữu Lộc (tên khai sinh: Võ Phú Hữu) là một thanh niên chơi đờn ca tài tử khá sành điệu ở quê nhà (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Thuở ban đầu ấy, bởi tay đàn trẻ này biết chơi ghi-ta phím lõm và đờn kìm điệu nghệ, lại được tạo hóa ban tặng cho vóc dáng lý tưởng và giọng ca mùi mẫn, nên đã nhanh chóng trở thành kép chính từ lúc 18 tuổi, rong ruổi khắp các sân khấu: Hương Hoa, Trúc Giang, Tinh Hoa, Kiên Giang, Thanh Minh – Thanh Nga, Bạch Tuyết,… Vợ chồng Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Lộc – Ánh Hồng luôn mê đắm sân khấu cải lương và những điệu đờn ca tài tử. Không chỉ sau này NSƯT Hữu Lộc mới làm thầy, mà ngay từ khi còn đang tuổi thanh niên, chàng diễn viên bảnh trai ấy đã phụ trách chuyên môn, đào tạo các diễn viên trẻ tại chỗ. Kể từ sau năm 1975, nghệ sĩ Hữu Lộc được giới thiệu về hát chính cho Đoàn cải lương Tây Ninh. Ông gắn bó ở đây đúng 10 năm, để lại không ít dấu ấn qua từng vai diễn, ấn tượng nhất là vai ông già trồng cây trong vở Người trong cõi nhớ. Cũng giai đoạn này, ông đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ một số bạn trẻ sớm trở thành đào kép chính như: NSƯT Kim Thoại, nghệ sĩ Thanh Thanh Mai, Thiện Lục, Vương Sang,… Rồi như định mệnh, nghệ sĩ Hữu Lộc sau những rong ruổi với nghề ở Tây Ninh rồi khắp miệt vườn Nam Bộ, đã quyết định gắn bó với sân khấu cải lương Long An. Ở đây ông gặt hái nhiều thành tựu nghệ thuật, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Phó đoàn rồi Trưởng đoàn cải lương của tỉnh. Với tình yêu nghệ thuật cải lương, trải qua không ít thời gian, từ một đơn vị cải lương vừa được củng cố, nghệ sĩ Hữu Lộc đã xây dựng thành công một sân khấu chính quy nghiêm túc. Ông liên tục mời các đạo diễn hàng đầu của sân khấu cải lương về xây dựng vở diễn như: Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Huỳnh Nga, NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Thành Trí, NSƯT Hoa Hạ, Lê Văn Tỉnh… giúp phong cách của đoàn ngày thêm phong phú, nhiều màu sắc. NSƯT Hữu Lộc đặc biệt quan tâm việc đào tạo nguồn diễn viên trẻ cho đoàn, để nhiều nghệ sĩ sớm trở thành những diễn viên nòng cốt, sáng giá như: Hồ Ngọc Trinh, Vương Tuấn, Vương Sang, Ngân Cường, Nguyên Tâm, Tấn Hùng, Kim Ngà, Huyền Châu, Hạ Vân… Ông còn trực tiếp dàn dựng cho đoàn hơn 20 vở, trong đó, nhiều vở gặt hái những thành tựu đáng kể, chắp cánh không ít diễn viên đoạt giải thưởng cao trong các vở như: Hoàng tử và tên ăn mày, Hãy yêu nhau thật lòng, Ánh sáng phù du, Giọt đắng, Người đánh rơi hạnh phúc, Sau cơn mê, Chỉ còn là kỷ niệm,… Đồng nghiệp của NSƯT Hữu Lộc vẫn thường nhắc lại rằng, ông có hai sáng kiến được nhiều người đánh giá cao: Một là, đề xuất lãnh đạo tỉnh hỗ trợ để đoàn biểu diễn trong tỉnh 170 suất/năm không doanh thu, để đưa cải lương đến với khán giả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hai là, đẩy mạnh hoạt động giao lưu trao đổi nghệ thuật với các tỉnh bạn nhằm tạo cho khán giả từng địa phương thưởng thức nhiều phong cách, gương mặt nghệ thuật và các đơn vị có dịp học hỏi lẫn nhau. Trong hành trình sự nghiệp nhọc nhằn và lắm say mê của người nghệ sĩ già luôn có người bạn đời là NSƯT Ánh Hồng, đồng thời cũng là một nghệ sĩ cải lương tài sắc một thời. Tuy nghỉ hưu đã nhiều năm, song bà vẫn liên tục được mời tham gia ban giám khảo nhiều cuộc thi, tìm kiếm tài năng cải lương. Ở tuổi xế chiều, trong căn nhà nhỏ luôn ấm áp tình chồng nghĩa vợ, bà vẫn thường so dây cho ông đàn. Rồi ông đàn, bà hát. Trong khi đợi đến giờ ra nhà hát, ông nảy đàn để bà cất giọng ca hòa điệu vọng cổ, du dương mênh mang như sóng lúa vàng Đồng Tháp, tưởng như thuở nào hai người cùng diễn trên sân khấu. Thấy ông bà vẫn miệt mài đàn ca, miệt mài chăm chút cho các mầm non cải lương của quê hương, tôi hỏi: “Gần cả một đời cống hiến rồi, sao về già, ông bà không dành thời gian ngơi nghỉ?”. NSƯT Ánh Hồng cười hồn hậu, nói như thay cả lời của chồng: “Đã mang phận tằm thì phải gắng nhả tơ vàng chứ!”. Không chỉ ở Long An mà ở nhiều tỉnh trải dài miệt vườn, sông nước Nam Bộ, tôi đã gặp biết bao những người say mê với đờn ca tài tử và sân khấu cải lương như vợ chồng nghệ sĩ Hữu Lộc – Ánh Hồng. Họ vẫn đang ngày đêm miệt mài, đau đáu với việc bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này. Mỗi người góp một nét riêng trong tiếng đàn giọng hát để làm nên sức hấp dẫn của cải lương Nam Bộ. Sinh thời, GS Trần Văn Khê từng nhận định về nghệ thuật Cải lương thế này: Một bộ môn nghệ thuật được coi là “truyền thống” khi nào bộ môn ấy do người Việt sáng tạo trên đất nước Việt Nam cho người Việt Nam; được cha truyền, con nối từ thế hệ này qua thế hệ khác; đã chịu thử thách của thời gian và hiện nay vẫn còn tồn tại, được người Việt Nam thưởng thức. Với cải lương, tuy sinh sau đẻ muộn so với các loại hình sân khấu diễn xướng như chèo, hát bội (tuồng), nhưng sân khấu cải lương trong một thời gian lịch sử ngắn hơn đã đi một bước rất dài, rất sâu vào lòng người Nam Bộ, trở thành một di sản vững chắc trong nền kịch nghệ Việt Nam. Thời gian từ lúc hình thành và chính thức lên với sân khấu cho đến nay vừa tròn một thế kỷ, nhưng số lượng kịch bản và gánh hát cải lương đã cho thấy sau bao thử thách và thay đổi. Cải lương ngày nay đã đóng góp không nhỏ vào kho tàng sân khấu truyền thống của dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu, từ đầu đến những năm cuối của thế kỷ 20, nhiều vở cải lương được các nghệ sĩ tài danh sáng tạo, thể hiện qua các thời kỳ, để lại dấu ấn khó phai trong công chúng. Khắp nơi trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, người dân đều mến chuộng nghệ thuật cải lương. Ở Nam Bộ, gần như tỉnh, thành phố nào cũng có đoàn cải lương. Riêng ở TP Hồ Chí Minh đã có lúc hàng chục đoàn cải lương, trong đó có cả cải lương – tuồng cổ, thi nhau ra đời và biểu diễn hết sức sôi động. Còn ở phía bắc, trước đây cũng có nhiều đoàn cải lương chuyên nghiệp. Tuy vậy, trong tiến trình phát triển, cải lương đã có những lúc thăng, trầm, khủng hoảng đòi hỏi cần có những đổi mới, cách tân về cả hình thức trình diễn lẫn nội dung kịch bản và quảng bá để thu hút khán giả. GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, người chủ trì công trình nghiên cứu cấp bộ “100 năm nghệ thuật cải lương” cho chúng tôi biết: Quy luật thăng trầm trong nghệ thuật biểu diễn là chuyện bình thường. Điều này có thể nhận thấy trong một thế kỷ, con thuyền cải lương đã biết bao lần vượt qua sóng cả, gió to, để đến hôm nay được khẳng định là một trong ba thể loại sân khấu ca kịch truyền thống mạnh nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam là tuồng, chèo, cải lương. Bàn về giải pháp phát triển, đưa sân khấu cải lương khởi sắc, phần nào trở lại thời hoàng kim như trước đây, theo GS Hoàng Chương, Nhà nước cần có một chính sách đặc biệt cho việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống nói chung, trong đó có cải lương. Cụ thể là đầu tư kinh phí cho những công trình sáng tác, dàn dựng và biểu diễn để có được những vở hay, những tác phẩm vừa đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, vừa có tính tư tưởng cao. Tránh cách làm có tính đối phó, kế hoạch, chỉ tiêu. Một giải pháp quan trọng nữa là thường xuyên “tuyên truyền quảng bá” cái hay cái đẹp của nghệ thuật cải lương cho các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên,… Những gì mà các giáo sư, các nghệ sĩ một đời tâm huyết với nghệ thuật truyền thống nhận định về cải lương đã và sẽ tiếp tục được minh chứng sống động trong thực tế. Sức sống của loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc này, không chỉ thể hiện trên từng sân khấu, nhà hát hay vở diễn, mà còn lan tỏa trong mỗi gia đình, truyền lửa từ đời này qua đời khác, thể hiện ở những buổi sinh hoạt văn nghệ quần chúng một cách tự phát khi mọi người quây quần dưới rặng dừa, trong các vườn cây hay trên cả những chiếc xuồng, ghe thuận tiện để cùng nhau biểu diễn, thưởng thức tiếng đờn, giọng hát. Đó cũng là hướng gìn giữ bền vững nhất, bảo tồn và phát huy trong cộng đồng một cách sống động. |
Ý kiến ()