Gìn giữ các di tích cổ sinh trên vùng đất Lạng Sơn
Từng có lịch sử hình thành và phát triển từ rất sớm, hiện nay, Lạng Sơn là một trong những địa bàn phát hiện nhiều di tích cổ sinh nhất ở nước ta. Các di tich cổ sinh là tài sản văn hóa quý giá, là địa điểm tham quan, nghiên cứu, học tập và giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp nhân dân.
Di tích cổ sinh là nơi chứa đựng các hóa thạch động, thực vật được hình thành một cách tự nhiên. Đó có thể là tầng đất, đá hoặc các lớp trầm tích trong hang động… Loại di tích này thường tập trung ở những nơi có lịch sử hình thành địa chất sớm, vùng núi có nhiều hang động thuận lợi cho sự phát triển của các loài sinh vật cổ như các tỉnh: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Ninh Bình, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa…
Đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng lịch sử quốc gia và Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn khảo sát di chỉ khảo cổ học ở xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng. Ảnh: NGỌC HIẾU
Các nhà khảo cổ, địa chất học đã xác nhận sự có mặt của loại hình di tích này tại một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Huyện Lộc Bình là nơi tập trung khá nhiều di tích cổ sinh phản ánh lịch sử kiến tạo địa chất, sự hình thành và phát triển của động, thực vật cổ. Tại khu vực mỏ Na Dương, năm 2002, các nhà địa chất, cổ sinh vật học đã tìm thấy hóa thạch của cây, lá, rùa, cá sấu, vỏ ốc, vỏ trai… Tiếp đó, tại di tích Rinh Chùa (xã Tú Đoạn), phát hiện hóa thạch bọ cánh cứng, sò, ốc, động vật thân mềm, thực vật, bào tử phấn hoa… Các mẫu hóa thạch có niên đại hàng triệu năm là những di vật rất có giá trị trong việc nghiên cứu quá trình hình thành địa chất và sự sống trên đất nước Việt Nam. Huyện Bình Gia là nơi tập trung khá nhiều di tích cổ sinh quan trọng. Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (xã Tân Văn) là những di chỉ khảo cổ phát hiện hóa thạch của nhiều loài động vật cổ sinh giai đoạn Trung kỳ Cánh Tân như voi răng kiếm, tê giác, báo sao, hổ, gấu, khỉ, nhím, lợn rừng, bò rừng, hươu, nai… Đặc biệt là những chiếc răng của người vượn đứng thẳng có niên đại 475.000 năm cách ngày nay. Bên cạnh đó là hang Kéo Lèng (xã Tô Hiệu) với những phát hiện quần động vật giai đoạn Hậu kỳ Cánh tân (đười ươi, voi răng kiếm, gấu tre…) và di cốt người hiện đại. Với những phát hiện khảo cổ học quan trọng đó, Lạng Sơn đi vào lịch sử dân tộc là nơi xuất hiện những dấu tích đầu tiên của loài người trên đất nước ta. Tại các huyện: Tràng Định, Văn Lãng có các di tích hang Cốc Mười (thôn Lũng Phầy xã Chí Minh), hang Pác Đây (bản Vạc, xã Trùng Quán) là nơi các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật khảo cổ trong các năm: 2013, 2016. Tại đây đã tìm thấy xương răng của các loài động vật có niên đại Hậu kỳ Cánh Tân (khoảng 114.000 năm cách ngày nay) gồm: đười ươi, vọoc, khỉ, vượn, voi châu Á, voi răng kiếm, hổ, gấu tre, gấu ngựa, tê giác, trâu, bò rừng, lợn rừng, nhím… Lẻ tẻ ở một số địa phương khác cũng có các di tích cổ sinh thuộc giai đoạn Hậu kỳ Cánh Tân như: Phai Vệ, Phai Đeo (thành phố Lạng Sơn), Thẩm Chăn (Bình Gia), Lý Lân (Hữu Lũng)… Đó là tư liệu quý để nghiên cứu quá trình hình thành địa chất, hệ sinh thái, môi trường cổ và sự tiến hóa của sinh vật và con người trên đất nước Việt Nam. Sự quý giá còn ở chỗ đó là loại di tích không tái tạo, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số hệ thống di tích lịch sử văn hóa của đất nước. Từ năm 1964 đến nay, các di tích cổ sinh của Lạng Sơn đã trở thành đối tượng nghiên cứu, là điểm đến của các nhà khảo cổ, địa chất học trong nước và nước ngoài như: Nga, Đức, Hà Lan, Pháp, Úc… Nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) với nước ngoài đã được triển khai tại các địa điểm có di tích cổ sinh của Lạng Sơn. Hiện nay, nhiều di tích vẫn đang trong quá trình nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ các vấn đề về niên đại, đặc trưng di tích, đặc điểm di vật…
Theo các chuyên gia khảo cổ học, Lạng Sơn là tỉnh rất giàu tiềm năng, trữ lượng di tích cổ nhân, cổ sinh. Nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của các di tích đó, trong những năm qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để quản lý, bảo vệ, phá huy giá trị các di tích này theo quy định Luật Di sản văn hóa. Như các loại hình di tích khác, di tích cổ sinh của tỉnh đều đã được nghiên cứu khảo sát, đưa vào danh mục kiểm kê và giao cho các huyện, thành phố quản lý. Hiện tại đã có 4 điểm di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 1 điểm xếp hạng di tích cấp tỉnh. Các di tích còn lại đang tiếp tục được nghiên cứu để tiếp tục xếp hạng phù hợp với giá trị của từng di tích. Trong đó, một số di tích trọng điểm được quan tâm đầu tư tôn tạo, đủ điều kiện để đón tiếp khách tham quan, nghiên cứu, học tập. Năm 2015, di tích Thẩm Khuyên, Thẩm Hai được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Đó là những di sản văn hóa vô cùng quý giá giúp cho việc nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử của địa phương và đất nước thời kỳ tiền sử. Vì vậy cần được chính quyền cơ sở, các ngành chức năng tiếp tục gìn giữ, bảo vệ tốt để phòng tránh xâm hại, phá hủy, xóa sổ di tích.
Ý kiến ()