Gìn giữ, bảo tồn làn điệu hát quan lang
– Hát quan lang là một trong những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống được hát trong đám cưới của người Tày, tuy nhiên, ngày nay trên địa bàn tỉnh, hát quan lang đang đứng trước nguy cơ mai một. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các cấp, ngành cũng như bản thân những người hát quan lang đã và đang nỗ lực gìn giữ, bảo tồn làn điệu này.
Hát quan lang (có nơi gọi là quan làng, tón cheo, văn nghệ châu trần…) là phong tục độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, gồm hệ thống các bài thơ, bài hát được chia thành các cung đoạn khác nhau, tương ứng với từng hành động, lễ thức cụ thể trong đám cưới. Trước đây, hát quan lang xuất hiện phổ biến trong các đám cưới người Tày trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, đám cưới ở nhiều gia đình người Tày hiện nay, đặc biệt là các gia đình sinh sống ở thành thị đã đơn giản hóa một số phong tục truyền thống. Bên cạnh đó là sự mai một tiếng dân tộc trong thế hệ trẻ khiến cho phong tục hát quan lang trong đám cưới ngày càng hiếm gặp, chủ yếu chỉ còn được thực hiện trong một số đám cưới tại nông thôn vùng sâu, vùng xa. Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh còn khoảng 30 người biết hát thuần thục làn điệu này.
Tiết mục trích đoạn hát quan lang của huyện Văn Quan tại Liên hoan dân ca tỉnh lần thứ nhất (năm 2020)
Trước nguy cơ mai một làn điệu hát quan lang, những năm qua, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh và các đơn vị liên quan đã nỗ lực gìn giữ, bảo tồn điệu hát quan lang trong cộng đồng dân tộc Tày. Ông Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Chúng tôi khuyến khích các chi hội, các câu lạc bộ dân ca lựa chọn các trích đoạn hát quan lang lên sân khấu để lan tỏa, từ đó, khơi dậy niềm yêu thích trong thế hệ trẻ; đồng thời, nắm bắt, động viên những người hát quan lang tại địa phương phát huy vai trò lan tỏa và tích cực truyền dạy làn điệu này.
Với sự định hướng từ Hội Bảo tồn dân ca tỉnh, chi hội bảo tồn dân ca tại huyện Văn Quan, các câu lạc bộ dân ca huyện Bắc Sơn, Văn Lãng, Chi Lăng… đã tích cực sân khấu hóa điệu hát quan lang. Trong 3 lần tổ chức liên hoan dân ca cấp huyện tại Văn Quan (năm 2012, 2015, 2017), đều có 1 – 2 tiết mục hát quan lang tham gia dự thi và đều đoạt giải. Tại Liên hoan dân ca cấp tỉnh lần thứ nhất năm 2020 có 2 tiết mục trích đoạn hát quan lang của huyện Văn Quan, Văn Lãng, trong đó, tiết mục của huyện Văn Quan đoạt giải nhất. Các trích đoạn hát quan lang như “lạy họ”, “xin dâu”… cũng được biểu diễn thường xuyên hơn trong các chương trình văn nghệ ở cơ sở. Đây cũng là cơ hội để địa phương phát hiện những hạt nhân, trong đó, có cả những người thuộc thế hệ trẻ có khả năng hát quan lang trong cộng đồng, từ đó, vận động họ phát huy và duy trì phong tục này tại địa phương.
Bên cạnh sự quan tâm của các tổ chức bảo tồn dân ca, các cá nhân thực hành hát quan lang cũng chủ động trong việc gìn giữ làn điệu này. Ông Hoàng Lương Sơn, xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng cho biết: Những năm gần đây, nhiều gia đình không còn đặt nặng vấn đề hát quan lang trong đám cưới. Tuy nhiên khi có điều kiện, tôi vẫn chủ động xướng đan xen một số câu hát khi nói chuyện với đoàn nhà gái, nhà trai hoặc khi làm thủ tục, để mọi người thấy được cái hay và ý nghĩa trong từng câu hát. Tôi đã ghi chép lại một bản hát quan lang hoàn chỉnh để lưu giữ. Trong 5 năm qua, tôi đã truyền dạy hát quan lang cho 8 người ở trong và ngoài huyện quan tâm đến làn điệu này.
Không chỉ ông Sơn, một số người hát quan lang cũng tích cực ghi chép lại từ kinh nghiệm của bản thân. Theo đó, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 100 bản ghi chép các bài hát quan lang được truyền tay trong cộng đồng người Tày.
Cùng với sự tích cực của các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hành làn điệu quan lang, tháng 3/2022, cuốn “Văn, thơ quan lang người Tày Lạng Sơn” của nhóm tác giả Hoàng Tuấn Cư, Đỗ Trí Tú đã được xuất bản. Anh Đỗ Trí Tú, cán bộ Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng tác giả cuốn sách cho biết: Trăn trở với việc bảo tồn, lưu giữ làn điệu hát quan lang có nguy cơ mai một, chúng tôi đã dành gần 10 năm (từ năm 2011) để nghiên cứu, sưu tầm từ các tài liệu cũng như tìm gặp những “Pú, Dà, Tai, Ta” biết hát quan lang (những người đại diện của họ nhà trai, họ nhà gái) ở một số địa phương của huyện Văn Quan, Bắc Sơn… để tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa và ghi chép lại trên 200 đoạn hát quan lang xuyên suốt trong tất cả nghi lễ đám cưới của người Tày với mong muốn bảo tồn làn điệu này cho thế hệ sau.
Sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trong thời gian qua đã góp phần gìn giữ và bảo tồn làn điệu hát quan lang. Với những cách thức, sự nỗ lực này, mong rằng làn điệu hát quan lang sẽ vang xa hơn nữa trong cộng đồng nói chung và cộng đồng người Tày Xứ Lạng nói riêng.
Ý kiến ()