Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4) chăm sóc vườn cây giống. Mường Lát, nơi cực Tây của tỉnh Thanh Hóa xa xôi và nhiều gian khó đang từng ngày thay da, đổi thịt. Những thay đổi đó là thành quả của sự nỗ lực của chính người dân nơi đây, đồng thời có đóng góp không nhỏ của những người lính đã hàng chục năm "trụ bám" cùng đồng bào để đánh thức một vùng đất biên cương. Họ là những cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT - QP 5 (Quân khu 4).Sự "trở lại" với vai trò "chung tay góp sức" đánh thức một vùng đất biên cương của những người lính Đoàn KT- QP 5 bắt đầu từ cuối năm 2002. Hành trình mười năm an dân miền biên viễn tuy không phải quá dài nhưng đã và đang đọng lại trong lòng mỗi người lính biết bao kỷ niệm. Đại tá Lê Văn Thuyết, Đoàn trưởng Đoàn KT- QP 5 cho biết: "Các dự án phát triển kinh tế - xã hội được triển khai tại Khu KT- QP Mường Lát trên địa bàn năm xã (Pù Nhi, Tam...
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 5 (Quân khu 4) chăm sóc vườn cây giống. |
Mường Lát, nơi cực Tây của tỉnh Thanh Hóa xa xôi và nhiều gian khó đang từng ngày thay da, đổi thịt. Những thay đổi đó là thành quả của sự nỗ lực của chính người dân nơi đây, đồng thời có đóng góp không nhỏ của những người lính đã hàng chục năm “trụ bám” cùng đồng bào để đánh thức một vùng đất biên cương. Họ là những cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT – QP 5 (Quân khu 4).
Sự “trở lại” với vai trò “chung tay góp sức” đánh thức một vùng đất biên cương của những người lính Đoàn KT- QP 5 bắt đầu từ cuối năm 2002. Hành trình mười năm an dân miền biên viễn tuy không phải quá dài nhưng đã và đang đọng lại trong lòng mỗi người lính biết bao kỷ niệm. Đại tá Lê Văn Thuyết, Đoàn trưởng Đoàn KT- QP 5 cho biết: “Các dự án phát triển kinh tế – xã hội được triển khai tại Khu KT- QP Mường Lát trên địa bàn năm xã (Pù Nhi, Tam Chung, Tén Tằn, Quang Chiểu, Mường Chanh), có diện tích tự nhiên rộng hơn 53 nghìn ha (với gần 100 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào); dân số hơn 21 nghìn người; là địa bàn sinh sống của sáu dân tộc anh em (trong đó, dân tộc Thái và Mông chiếm hơn 90% dân số). Kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng yếu kém, tập quán canh tác lạc hậu (chủ yếu phát nương làm rẫy, “chọc lỗ, tra hạt”…), tỷ lệ đói nghèo còn cao (chiếm đến 75% số hộ); hệ thống chính trị ở cơ sở thiếu và yếu, hoạt động kém hiệu quả; còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như mê tín dị đoan, học và truyền đạo trái pháp luật; các thế lực phản động luôn rình mò, hoạt động chống phá, lôi kéo đồng bào di cư tự do, vượt biên trái phép, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…
Tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thực tế địa bàn để nắm bắt và hỗ trợ bà con những cái “cần” làm cơ sở triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội, gắn với củng cố quốc phòng – an ninh là nội dung được Đoàn triển khai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Thực hiện phương châm “ba bám” (bám cơ sở; bám cấp ủy, chính quyền địa phương; bám nhân dân) và “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng đồng bào và cùng làm với nhân dân), Đoàn đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ đến từng thôn bản, từng gia đình để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết hợp vận động bà con mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đoàn đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn bà con theo hướng “cầm tay, chỉ việc”, từ những việc cụ thể như: làm đất, ủ phân, gieo trồng, chăm sóc, cho đến thu hoạch. Đặc biệt, Đoàn đã tổ chức xây dựng các mô hình thí điểm trồng cây lúa nước, ngô lai, sắn cao sản, trồng cây ăn quả, nuôi nhốt gia súc, gia cầm, nuôi cá… và vận động nhân dân đến tham quan, đối chiếu thực tế sản lượng sau thu hoạch. Cùng với hỗ trợ cây, con giống, vật tư sản xuất, Đoàn còn tổ chức các hội thảo, tập huấn đầu bờ, giải đáp những thắc mắc, hướng dẫn bà con học và làm theo. Từ chỗ sản lượng của phương pháp sản xuất truyền thống rất thấp, năng suất bình quân của phương pháp canh tác mới của lúa được nâng lên từ 3,7 đến 5 tạ/sào, ngô đạt từ 7 đến 7,5 tấn/ha cho nên bà con rất tin tưởng, hăng hái thi đua lao động sản xuất, giúp hàng nghìn hộ dân trong vùng dự án xóa được đói nghèo. Các mô hình VACR (vườn cây ăn quả, ao thả cá, trại chăn nuôi bò, trồng rừng), được quản lý chặt chẽ, tổ chức đúng phương pháp đã phát huy tốt, hiệu quả cao trở thành những điển hình xóa đói, giảm nghèo cho các địa phương. Bằng nguồn vốn hỗ trợ, Đoàn đã cung cấp 25 con bò giống lai sin, bò mẹ thuần, hàng trăm con lợn hướng nạc… cho nhân dân, đã giúp cải tạo đàn gia súc của địa phương theo hướng chất lượng, mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch UBND xã Tén Tằn Lương Văn Chung khẳng định: “Nhờ bộ đội Đoàn 5, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đã có những mô hình cụ thể để đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc…”.
Đối với một địa phương có diện tích cơ bản là rừng, việc trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng, khai thác tốt các nguồn lợi từ rừng, giúp đẩy nhanh việc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào địa phương, đồng thời cũng là điều kiện sống còn cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội của Đoàn triển khai, phát huy hiệu quả bền vững. Cho nên, ngay từ những ngày đầu thực hiện dự án, Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương làm tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Với nguồn vốn đầu tư hơn sáu tỷ đồng, với các mô hình trồng mới 50 ha cây lát tại xã Mường Chanh; trồng 224 ha rừng thuộc địa bàn các xã Tén Tằn, Mường Chanh và Quang Chiểu; chăm sóc, bảo vệ hàng nghìn ha rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng đã giúp nâng độ che phủ của rừng trong vùng dự án lên 46%. Theo đó, tỷ lệ đói nghèo ở các xã giảm nhanh và bền vững theo từng năm (đến nay, số hộ nghèo theo tiêu chí mới thuộc vùng dự án còn 56,6%). Ngoài ra, Đoàn còn xây dựng kế hoạch và đề nghị cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương. Các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt như đập Suối Cánh; đập nước bản Cá Tớp (xã Pù Nhi); hệ thống cấp nước sinh hoạt cho Bản Pùng và Bản Mường (xã Quang Chiểu) được đầu tư hàng chục tỷ đồng, đưa vào hoạt động đã cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha ruộng lúa và rau màu, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân. Cùng với đó, Đoàn đã triển khai xây dựng 11,9 km đường giao thông nội bộ; xây dựng hai cầu treo, một trạm biến áp 50 KVA; xây dựng bảy điểm dân cư và vận động 749 hộ dân sinh sống, ổn định sản xuất. Đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, Đoàn đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt. Những năm qua, Đoàn đã cử hàng trăm lượt đội công tác phối hợp các địa phương rà soát, triệu tập lực lượng tham gia thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, dân quân, tổ chức huấn luyện quân sự cho các đối tượng; phối hợp Bộ đội Biên phòng vận động nhân dân tham gia tuần tra bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; phối hợp làm tốt công tác phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân; vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình…
Có thể nói rằng, những dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội triển khai tại Khu KT-QP Mường Lát của Đoàn KT-QP 5 đã mang lại hiệu quả rõ rệt, trực tiếp góp phần giúp nhân dân và chính quyền địa phương đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, động viên và phát huy tốt sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xung yếu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()