Gieo con chữ - Gặt tình người
LSO-Hiện nay, vấn đề chăm sóc, nuôi dạy trẻ ngày càng được quan tâm về mọi mặt, thế nhưng, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn không ít các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên không được đến trường học. Để các em nhỏ có số phận không may mắn được học chữ, được yêu thương, sẻ chia, đùm bọc thì việc mở những lớp học tình thương là rất cần thiết, góp phần giúp trẻ có hoàn cảnh không may mắn được học tập và nuôi dưỡng ước mơ như bao trẻ em khác.
Cô Vũ Kim Cương, giáo viên nghỉ hưu, hiện đang đảm nhận dạy lớp học tình thương tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh |
Những ngày trung tuần tháng 10/2017, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, tham quan lớp học tình thương được tổ chức tại đây. Nói là lớp học nhưng chỉ tận dụng không gian chật hẹp từ phòng ngủ của các em để kê 2 bộ bàn ghế học tập. Lớp học không có bảng và những điều kiện học tập khác nhưng cũng thu hút 4 “học sinh” khác nhau về độ tuổi tham gia học tập. Người lớn tuổi nhất năm nay 32, còn em nhỏ nhất là 6 tuổi nhưng giống nhau ở điểm ham muốn học chữ, ngày nào lớp học cũng bắt đầu từ 8 giờ 30 phút sáng đến 11 giờ trưa. Tuy lớp học mới tổ chức được 1 tháng nay nhưng đã giúp các em biết đọc, biết viết.
Lớp học tình thương này xuất phát từ những tấm lòng hảo tâm, thiện nguyện thuộc Câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin, thành phố Lạng Sơn. Từ ý tưởng ban đầu của những tấm lòng hảo tâm là chăm sóc, nuôi dưỡng em Hoàng Gia Bảo (sinh năm 2011), quê xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng. Bố mẹ em mất do tai nạn giao thông, còn Gia Bảo cũng ảnh hưởng của đợt tai nạn bị gãy xương cột sống, liệt chi dưới và không tự chủ được vệ sinh cá nhân. Ban đầu, các nhà hảo tâm thuê một cô giáo đã nghỉ hưu hằng ngày đến trung tâm để dạy chữ cho Gia Bảo. Nhưng cùng phòng ở với Gia Bảo và trong trung tâm cũng có các số phận khác kém may mắn nên đã đến lớp học đặc biệt này để xin học chữ. Lớp không dạy đầy đủ các môn học hay theo khối lớp cụ thể mà chủ yếu dạy các em biết đọc, biết viết.
Cô Vũ Kim Cương, trực tiếp dạy lớp học tình thương tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: Việc dạy các em học sinh phát triển bình thường có khó khăn riêng. Thế nhưng dạy các em khuyết tật thì càng khó khăn, vất vả hơn bởi cần sự kiên trì, tận tình chỉ bảo từng nét chữ, nét viết. Tuy khiếm khuyết về cơ thể nhưng các em đều rất ham học. Qua một tháng truyền đạt, các em đã nhận biết được mặt chữ, có em đã có thể tự viết, nhìn chung các em đều có cố gắng học tập. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều lớp học tình thương để các em khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh được học chữ, nuôi dưỡng những ước mơ tương lai.
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 10.000 người khuyết tật, trong số đó có trên 3.000 trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi. Đa số các em đều có hoàn cảnh rất khó khăn nên số trẻ khuyết tật chưa được đến trường học còn chiếm hơn một nửa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có một lớp học tình thương duy nhất tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh dạy cho 4 cháu nhỏ. Cùng với đó, các em mồ côi được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước như tại Trung tâm Hy vọng Lộc Bình thì được đi học tại các trường phổ thông trên địa bàn huyện, được miễn các khoản tiền học.
Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: Việc mở lớp học tình thương cho các cháu khuyết tật, trẻ mồ côi để học chữ là rất cần thiết. Bởi đó là chìa khóa mở ra tương lai tươi sáng cho mỗi con người, đồng thời cũng sẽ góp phần vào công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của địa phương. Cùng với mở lớp học tình thương thì việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi cũng cần được quan tâm nhiều hơn nhằm góp phần vào sự phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách sống tốt đẹp ở trẻ khuyết tật và trẻ mồ côi.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()