Giấy đi đường ở Hà Nội - câu chuyện nhỏ, ảnh hưởng lớn
Giấy đi đường chỉ là câu chuyện nhỏ, nhưng những rắc rối quanh vấn đề này không được xử lý triệt để thì hệ quả là làm giảm sút sự đồng thuận của toàn xã hội trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Thủ đô.
Bắt đầu từ hôm nay – ngày 8/9, theo kế hoạch đã được công bố, Hà Nội chính thức áp dụng giấy đi đường mẫu mới, căn cứ vào Chỉ thị số 20/CT-UBND của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đến ngày 21/9. Tuy nhiên, giấy đi đường cũ vẫn có tác dụng trong một thời gian nhất định.
Mặc dù có độ trễ 2 ngày so với thời điểm áp dụng sự phân tách vùng dịch tại Hà Nội (từ ngày 6/9), việc cấp và kiểm tra giấy đi đường có mã QR vẫn gây nhiều tranh cãi, khó cho cả phía quản lý cũng như đối tượng được quản lý.
Giấy đi đường chỉ là câu chuyện nhỏ, nhưng những rắc rối quanh vấn đề này không được xử lý triệt để thì hệ quả là làm giảm sút sự đồng thuận của toàn xã hội trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại Thủ đô.
Vì sao phải đổi giấy đi đường?
Tối 5/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định với báo chí rằng Thường trực Thành ủy đã giao cho Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân chỉ đạo Công an thành phố hướng dẫn, tổ chức cấp giấy đi đường cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đúng quy định, đảm bảo tính khoa học, nhanh gọn, thuận tiện, không gây khó cho người dân để bảo đảm thực hiện giãn cách trong “vùng đỏ.”
Trước đó, ngày 3/9, nói về mẫu giấy đi đường cũ ở Thủ đô, Công an thành phố Hà Nội cho biết, chỉ có khoảng 10% giấy đi đường là do cơ quan nhà nước cấp, gần 90% là do các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân cấp.
Trong thời gian qua, nhiều người đã sử dụng giấy đi đường giả hoặc giấy có đóng dấu khống và khai là họ “nhặt được.”
Trong thời gian Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên đường vẫn đông người và xe đi lại, ai cũng có “lý do chính đáng” và hầu như đều có giấy đi đường. Việc hạn chế người dân ra đường để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh vì thế bị giảm hiệu quả.
Để khắc phục những vấn đề tiêu cực trong việc cấp giấy đi đường cũ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, yêu cầu phối hợp triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện bằng mã QR.
Việc cấp giấy đi đường cần có sự phối hợp trong việc thẩm định, kiểm tra của nhiều cơ quan, đơn vị để xác nhận và phân loại các nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường, tránh tình trạng “dễ dãi” trước đây.
Tuy vậy, trong số 6 nhóm đối tượng được phép ra đường trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài, sau ngày 6/9 vẫn có 3 nhóm tiếp tục sử dụng giấy đi đường cũ – giấy do thủ trưởng đơn vị ký và đóng dấu.
Sự chuẩn bị tích cực của cơ quan chức năng
Ngày 3/9, Công an thành phố Hà Nội ra văn bản hỏa tốc do Đại tá Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Giám đốc, ký gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đề nghị sẵn sàng phối hợp triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện bằng mã QR, cho các nhóm đối tượng đủ điều kiện tham gia giao thông.
Cụ thể, các cơ sở cần chuẩn bị 2 bộ máy tính có kết nối internet, phần mềm cài đặt, 2 máy in tốc độ cao và một bộ máy tính dự phòng; tạo lập 3 địa chỉ gmail phục vụ việc tiếp nhận email đăng ký cấp giấy đi đường của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đồng thời để gửi, nhận mã khóa xác thực cài đặt phần mềm từ bộ phận quản trị hệ thống. Ba địa chỉ email phục vụ triển khai phần mềm phải được tạo lập hoàn thành trong ngày 3/9.
Sau khi hoàn thành tạo lập, các đơn vị sử dụng các mail đó để gửi xác nhận với nội dung “Ủy ban nhân dân xã (phường/thị trấn) đã hoàn thành tạo lập địa chỉ mail về địa chỉ email: [email protected] cho bộ phận quản trị để xác nhận, gửi đường dẫn tải tập tin cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm “Cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện.”
Theo quy định, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) cấp giấy đi đường cho nhóm đối tượng bao gồm: Cá nhân thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu; Cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu.
Trung bình một ngày đơn vị sẽ tiếp nhận và hoàn thành giấy đi đường cho hàng chục nghìn trường hợp. Đơn vị sẽ cử cán bộ trực 24/24h để phục vụ việc cấp giấy và trả kết quả ngay khi hoàn thành.
Riêng trong chiều 5/9 Phòng Cảnh sát Giao thông đã kịp cấp 500 giấy đi đường đầu tiên cho các cá nhân, tổ chức hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu để họ có thể sử dụng luôn trong ngày 6/9.
Kết quả chưa như kỳ vọng và nguyên nhân
Từ ngày 6/9 các chốt kiểm soát bắt đầu siết chặt việc ra, vào “vùng đỏ.” Mục đích là để người từ “vùng đỏ” không mang SARS-CoV-2 sang “vùng xanh” và “vùng vàng.”
Mặc dù trong hai ngày 6 và 7/9 các chốt chặn giữa “vùng đỏ” và “vùng xanh,” “vùng vàng” chưa yêu cầu mọi người xuất trình giấy đi đường mới nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ, gây nguy cơ lây nhiễm chéo SARS-CoV-2.
Từ ngày 8/9 trở đi, khi giấy đi đường mẫu mới được cấp phát với số lượng lớn hơn và việc kiểm tra giấy đi đường mới được bắt đầu thì tình trạng ùn tắc sẽ còn nghiêm trọng hơn. Có quá nhiều người sống ở “vùng đỏ” nhưng làm việc tại “vùng xanh” và ngược lại.
Mặt khác, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân dù đáp ứng đủ điều kiện nhưng cho đến tối 7/9 vẫn chưa được cấp giấy đi đường mới. Nhiều công ty, doanh nghiệp e ngại phải lùi thời gian phục hồi sản xuất-kinh doanh hoặc giảm công suất hoạt động chỉ vì cán bộ, nhân viên, người lao động chưa được cấp hoặc cấp chưa đủ số lượng giấy đi đường mới như đã đăng ký.
Có nhiều nguyên nhân được nêu ra. Trong đó có sự lúng túng, nóng vội, thiếu kế hoạch dài hơi từ phía chính quyền và cơ quan chức năng.
Có những quyết định quan trọng, ảnh hưởng tới số đông người dân, nhưng được công bố vào tối ngày nghỉ cuối tuần và có hiệu lực vào sáng ngày đầu tuần tiếp theo. Trong khi đó, để các tổ chức, doanh nghiệp không rơi vào thế bị động thì họ cần tới ít nhất 4-5 ngày để chuẩn bị.
Qua 3 đợt giãn cách xã hội kéo dài 45 ngày mà Hà Nội có 4 lần thay đổi quyết định về giấy đi đường. Thêm một sự thay đổi mới được đưa ra vào tối 7/9, theo đó, giấy đi đường cũ chưa hết hiệu lực vào sáng 8/9 như đã công bố mà còn được công nhận thêm một thời gian nữa.
Nhiều người cho rằng thủ tục đăng ký, phê duyệt và cấp giấy đi đường mới vẫn còn nhiêu khê, rườm rà và khá phức tạp trong khâu thực thi.
Việc phân chia tới 6 nhóm đối tượng khiến một số người không biết mình thuộc nhóm nào và cần làm thủ tục ở Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) hay Công an phường (xã, thị trấn)…
Quy trình gồm 4 bước và do nhiều khâu, nhiều cấp phê duyệt, xử lý. Với số lượng hồ sơ đăng ký khổng lồ và cách xử lý phức tạp thì dù các cơ quan chức năng rất cố gắng cũng khó đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Hàm lượng công nghệ chưa cao trong thủ tục đăng ký, phê duyệt và cấp giấy đi đường ở Thủ đô mặc dù chúng ta đang ở thời đại của cuộc Cách mạng 4.0. Hà Nội cũng đứng thứ 6 toàn quốc về chỉ số ICT Index trong Báo cáo xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam năm 2020 (Vietnam ICT Index 2020).
Hà Nội nói nhiều về phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường, song cho đến nay vẫn chưa có một phần mềm đồng bộ và hoàn thiện được công bố và áp dụng trên thực tế.
So với quy trình thủ tục cấp giấy đi đường được đưa ra vào cuối tháng 7 thì trong quy trình hiện tại sự tiến bộ về công nghệ được ghi nhận chỉ là việc nộp hồ sơ thông qua thư điện tử thay cho nộp trực tiếp ở phường, xã. Như vậy là chưa đủ.
Tại Việt Nam, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Cà Mau đã thực hiện cấp giấy đi đường bằng mã QR, còn Thành phố Hồ Chí Minh mới dừng ở mức thí điểm diện hẹp.
Từ ngày 4/9, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường (xã) ở Đà Nẵng chính thức cấp giấy có mã QR cho công nhân, công chức, viên chức đi đường, đến nơi làm việc.
Người dân và đại diện cơ quan, tổ chức chỉ mất khoảng 5 phút điền các thông tin đăng ký để nhận mã QR phục vụ cho việc đi lại trong thời gian Đà Nẵng giãn cách xã hội.
Tại Cà Mau, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn cho phép cấp giấy đi đường bằng mã QR-Code trên nền tảng Zalo dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy đi đường đơn giản, gồm tờ khai đề nghị cấp giấy đi đường (có mẫu dành cho doanh nghiệp và mẫu dành cho cá nhân, có thể đánh máy hoặc viết tay), bản chụp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân. Đối tượng thuộc diện phải bắt buộc xét nghiệm âm tính SARS-COV-2 thì chụp phiếu xét nghiệm và gửi kèm.
Người dân, doanh nghiệp có nhu cầu cấp giấy đi đường thì chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng Zalo và thực hiện các thao tác: tìm kiếm, kết nối dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau trên Zalo/bấm chọn quan tâm/nhắn tin ghi rõ thông tin họ và tên, số điện thoại liên hệ/chụp gửi kèm theo đầy đủ thành phần hồ sơ nêu trên.
Sau đó, kết quả sẽ được chuyển trực tuyến bằng hình thức giấy đi đường điện tử có mã QR-Code vào Zalo của từng cá nhân đã kết nối với Zalo dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau.
Chỉ trong 3 ngày thực hiện (từ ngày 2/9 đến ngày 4/9) đã có trên 5.500 lượt người tương tác và gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy đi đường điện tử sử dụng mã QR-Code, có hơn 717 giấy đi đường đã được cấp.
Bài học kinh nghiệm
Hà Nội chỉ còn chưa đầy 2 tuần quý giá để vừa khống chế dịch ở “vùng đỏ,” vừa khôi phục sản xuất-kinh doanh ở “vùng vàng” và “vùng xanh.”
Câu chuyện về giấy đi đường ở Thủ đô lẽ ra không nên kéo dài từ đợt giãn cách thứ nhất sang đợt thứ tư, một vấn đề không lớn mà theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thật ra không quá khó để xử lý cả về mặt kỹ thuật lẫn tư duy quản trị.
Về mặt kỹ thuật, liên quan đến việc cấp giấy đi đường cho người lao động, sẽ không quá phức tạp đối với chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng trong việc thẩm định năng lực của một doanh nghiệp nếu có sự chia sẻ thông tin từ phía Cục Thuế và Bảo hiểm xã hội.
Hai cơ quan này có trong tay thông tin đầy đủ về các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, số lượng lao động của doanh nghiệp.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần huy động kho dữ liệu của hai đơn vị này, từ đó cung cấp danh sách tên doanh nghiệp, mã số thuế, số điện thoại, số lao động mà doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm cho Ủy ban nhân dân các phường (xã, thị trấn) để xác nhận trong việc phê duyệt giấy đi đường.
Cục Thuế Hà Nội quản lý khoảng 311.000 doanh nghiệp với đầy đủ mã số thuế và ngành nghề kinh doanh. Đây là cơ sở để lọc ra những doanh nghiệp đang hoạt động ở ngành nghề thiết yếu theo giấy phép đăng ký kinh doanh.
Còn Bảo hiểm xã hội thành phố qua phần mềm VssID (bảo hiểm số) cũng nắm được từng doanh nghiệp có bao nhiêu lao động đang đóng bảo hiểm, độ tuổi của lao động.
Các thông số trên sẽ giúp chính quyền xác định được số người cần được cấp giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Để đẩy nhanh và đơn giản hóa thủ tục đăng ký, phê duyệt, cấp và kiểm tra giấy đi đường thì việc ứng dụng công nghệ tiên tiến là điều hết sức cần thiết.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, nhận xét: Tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin Hà Nội là cái gì cũng có nhưng rời rạc, mỗi thứ một ít. Tỉnh nào, ngành nào cũng có QR Code, nhưng QR Code Hà Nội không giống ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng.
Ứng dụng QR theo trào lưu hơn là tính đến hiệu quả thực tiễn. Việc cấp giấy đi đường tại Hà Nội dù có mã QR Code nhưng vẫn là “thủ công nối thủ công” từ khâu nộp hồ sơ đến kiểm tra trên đường.
Theo ông Liên, Hà Nội không thiếu nguồn lực và nhân lực công nghệ nhưng cần thay đổi tư duy quản trị và tầm nhìn quản lý tổng thể, không nên chạy theo các vấn đề cụ thể đang nóng mà bỏ qua tư duy quản lý chung.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh từng thừa nhận, việc cấp giấy đi đường là “vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ.”
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố có tinh thần cầu thị, đã nhiều lần lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, của người dân để điều chỉnh các giải pháp phòng, chống dịch nói chung và trong việc cấp giấy đi đường nói riêng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã nêu rõ, trước ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, Ban Thường vụ Thành ủy giao cho Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc để có sự điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.
Trước mắt, giấy đi đường cũ vẫn tiếp tục được sử dụng đồng thời với việc cấp và sử dụng giấy đi đường mới có kết hợp nhập dữ liệu dân cư. Giấy đi đường cũ chỉ bị loại bỏ khi điều kiện thực tiễn cho phép. Người dân có giấy đi đường thì được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.
Bí thư Thành ủy Hà Nội kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp chủ động tổ chức lại hoạt động, tăng cường làm việc trực tuyến, giảm bớt nhân công làm việc trực tiếp để chung tay với thành phố chống dịch; kêu gọi người dân Hà Nội chia sẻ, ủng hộ các biện pháp của thành phố để quyết tâm khống chế dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, mọi chủ trương, chính sách nếu không có sự ủng hộ, đồng lòng của người dân thì không thể thực hiện thành công, đúng như Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ đã nêu: Cần vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ để vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra./.
Ý kiến ()