Thứ 7, 16/11/2024 09:50 [(GMT +7)]
Giáp Tết Nguyên đán: Cần tăng cường kiểm dịch sản phẩm thịt gia cầm
Thứ 4, 09/01/2013 | 10:59:00 [(GMT +7)] A A
Từ thực tế này, các cơ quan chức năng, ngành thú y cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch đối với sản phẩm thịt gia cầm để có thể làm yên tâm người tiêu dùng yên tâm. Mặt khác, ngành thú y cũng cần quản lý, giám sát chặt chẽ khâu vận chuyển, tổ chức thu mua, giết mổ tập trung phải đúng quy trình kỹ thuật để sản phẩm thịt sạch đảm bảo an toàn về sức khỏe, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
LSO-Càng gần Tết Nguyên đán, giá các loại sản phẩm thịt gia cầm tăng lên do nhu cầu tiêu dùng. Do tâm lý “thích thuận tiện” nên nhiều người tiêu dùng đã mua thực phẩm gia cầm thịt sẵn về chế biến. Tuy nhiên, do công tác kiểm soát giết mổ chưa sát nên dẫn đến công tác kiểm dịch sản phẩm thịt gia cầm tại một số chợ trên địa bàn cũng chưa được tốt. Việc “thả nổi” sản phẩm thịt gia cầm như hiện nay khiến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở lên đáng lo ngại.
Ngành thú y cần tăng cường công tác kiểm dịch cả sản phẩm thịt gia súc
Những tháng cuối năm 2012, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có thông cáo báo chí nhằm cảnh báo người tiêu dùng về tình trạng phát hiện trong thịt gà nhập lậu có tồn dư nhiều loại kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Theo thông cáo, cơ quan kiểm nghiệm của Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra và đã phát hiện trong thịt gà nhập lậu có tồn dư nhiều loại kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Những hóa chất đó nếu sử dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Đối với các hộ kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm cần phải thực hiện đúng quy định pháp luật và không vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong thông cáo báo chí, Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng vận chuyển, kinh doanh và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, hiện công tác kiểm dịch các loại sản phẩm thịt gia cầm đang được bày bán tại một số chợ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được chặt chẽ. Dạo một vòng thị trường để tìm hiểu thì được biết, giá thịt gia cầm, đặc biệt là thịt gà hiện có giá từ 140.000 – 160.000 đồng/kg. Nhưng tại một số điểm chợ, nhiều chủ hàng bày bán sản phẩm thịt gà chỉ với giá 80.000 – 100.000 đồng/kg. Cụ thể, chị H bán thịt gà ở chợ Chi Lăng chào mời khách mua với giá gà thịt khá rẻ so với thị trường chung (chỉ có 90.000 đồng/kg). Tuy vậy, nhìn những con gà đã được thịt sẵn màu thịt đều tái, có nhiều sản phẩm đã thâm, nhiều sản phẩm da còn nổi các nốt đỏ. Khi khách hàng hỏi gà ở đâu? Gà loại gì?… thì đều được chị H cho biết rằng: đó là gà thả đồi được nuôi ở Bắc Giang. Nghe thì biết vậy, thực ra người tiêu dùng không thể biết được xuất xứ thật của sản phẩm mà mình muốn mua.
Một điều đáng lo ngại nhất chính là: hiện phần lớn các sản phẩm thịt gia cầm bày bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh đều không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Trao đổi về công tác kiểm dịch sản phẩm thịt gia cầm, cán bộ Trạm Thú y thành phố Lạng Sơn cho biết rằng, gà còn sống bán ở chợ đã khó kiểm soát, gà đã giết mổ lại càng khó kiểm soát hơn. Bởi số lượng gà được mổ tại các lò mổ tập trung chỉ chiếm rất ít, trong số lượng thịt gà bày bán tại các chợ, nhất là các chợ lẻ, chợ cóc, chợ vỉa hè. Do giết mổ gia cầm đơn giản, dễ làm nên nhiều tiểu thương tự giết thịt gia cầm tại nhà rồi đưa ra chợ bán, điều này khiến cho việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của gia cầm càng trở lên khó khăn.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện trên toàn tỉnh có hơn 560 điểm giết mổ đều do tư nhân quản lý. Quy mô các điểm này đều nhỏ, lẻ, phân tán, nằm rải rác trong các khu dân cư, vì vậy việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ kiểm soát giết mổ gia cầm thông qua kiểm tra trong thời gian qua chỉ đạt 15 – 20 % trên tổng số điểm giết mổ hiện có trên toàn địa bàn. Thực trạng này khiến thị trường sản phẩm thịt gia cầm gần như đang “thả nổi”, vì thế việc kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh giết mổ đối với gia cầm cũng không đảm bảo được. Khó kiểm soát từ quản lý mua bán đến giết mổ gia cầm chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm lây lan các nguồn dịch bệnh đã gây ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi chân chính và làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tâm sự, nhiều người tiêu dùng cũng e ngại với thịt gia cầm không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, tuy nhiên, phần lớn thịt gia cầm hiện bày bán đều như vậy nên có tìm muốn mua sản phẩm có dấu kiểm dịch cũng không dễ dàng.
Từ thực tế này, các cơ quan chức năng, ngành thú y cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch đối với sản phẩm thịt gia cầm để có thể làm yên tâm người tiêu dùng yên tâm. Mặt khác, ngành thú y cũng cần quản lý, giám sát chặt chẽ khâu vận chuyển, tổ chức thu mua, giết mổ tập trung phải đúng quy trình kỹ thuật để sản phẩm thịt sạch đảm bảo an toàn về sức khỏe, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Trí Dũng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()