Giáo viên giúp đỡ giáo viên - giải pháp nâng cao chất lượng
LSO-Để nâng cao chất lượng giáo dục, song song với việc đề ra và duy trì thực hiện nhiều giải pháp khác nhau về công tác đào tạo, bồi dưỡng, phong trào giáo viên giúp đỡ giáo viên chính là một giải pháp tốt để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Giáo viên Trường Mầm non xã Tam Gia (Lộc Bình) trao đổi công tác chuyên môn |
Phong trào giáo viên giúp đỡ giáo viên của ngành được phát động từ 3 năm học trước, khi toàn ngành triển khai sâu rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Đối với ngành giáo dục, tinh thần trách nhiệm bao hàm cả ý thức tổ chức kỷ luật trong công tác, lối sống, phong cách sư phạm, tính gương mẫu về đạo đức của nhà giáo và chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm. Quán triệt nội dung của phong trào, các nhà trường xác định nội dung giúp đỡ gồm 3 mặt: giúp đỡ về chuyên môn, giúp đỡ về ý thức tổ chức kỷ luật trong công tác và giúp đỡ về các kỹ năng khác, nhất là kỹ năng sư phạm. Bước vào năm học mới 2013-2014, toàn ngành có 19.331 cán bộ giáo viên, nhân viên, trong đó có 13.381 giáo viên chính thức và 1.329 giáo viên hợp đồng. Theo đánh giá, tổng số giáo viên khá, giỏi của toàn ngành đạt tỷ lệ 55,67%, tỷ lệ đảng viên đạt 41,4%. Với việc linh hoạt trong điều động, di chuyển đội ngũ CBGV trong ngành, các nhà trường không chỉ đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu nghiệp vụ mà còn đảm bảo hợp lý về chất lượng đội ngũ, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ giáo viên giúp đỡ lẫn nhau trong công tác.
Với tinh thần đó, trong 3 năm học gần đây, toàn ngành đã có hàng vạn giáo viên được giúp đỡ. Riêng trong năm học 2012-2013 đã có 5.453 giáo viên được giúp đỡ, chiếm 34,5% tổng số giáo viên toàn ngành, trong đó có 4113 giáo viên được giúp đỡ về chuyên môn, 1365 giáo viên được giúp đỡ về ý thức tổ chức kỷ luật trong công tác và 2380 giáo viên được giúp đỡ về các kỹ năng khác. Với lòng tự trọng nghề nghiệp, tinh thần tự giác, thực sự cầu thị, cầu tiến bộ, các cán bộ giáo viên đã coi việc làm này là công việc thường xuyên của mỗi người. Cách thức giúp đỡ cũng đa dạng, phong phú, đó có thể là một sự góp ý về chuyên môn của giáo viên giỏi, được tập huấn cốt cán đối với giáo viên còn yếu về cách soạn, trình bày giáo án, làm đồ dùng giảng dạy; là góp ý của những cán bộ đảng viên với quần chúng, là kinh nghiệm của giáo viên đã có thâm niên công tác đối với giáo viên trẻ, giáo viên hợp đồng trong việc giải quyết các tình huống sư phạm, kỹ năng sư phạm. Vì vậy, trong quá trình thực hiện tại các nhà trường, không xuất hiện sự tự cao, tự đại, hoặc tự ti, mặc cảm hay từ chối sự giúp đỡ của đồng nghiệp. Kết quả, năm học 2012-2013, trong số 5.453 giáo viên được giúp đỡ, đã có 4896 giáo viên tiến bộ, đạt tỷ lệ 91%.
Hiệu quả của giải pháp giáo viên giúp đỡ giáo viên, cùng các giải pháp khác như bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chu kỳ, tự bồi dưỡng, các đợt tập huấn chuyên môn…đã góp phần nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ . Tỷ lệ giáo viên khá giỏi tăng cao không chỉ đối với các trường điểm, trường khu vực thành phố, mà còn ở các trường khu vực nông thôn như Trường THPT Lương Văn Tri 78,9%, THPT Tràng Định 55,3%, THPT Tú Đoạn (Lộc Bình) 60,4%; Phòng GD&ĐT Bắc Sơn 75,6%, Phòng GD&ĐT Hữu Lũng 65,2%… Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thầy giáo Trần Quốc An, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hữu Lũng nói rằng, đối với Hữu Lũng, trong kế hoạch đầu năm học của từng trường, công tác giáo viên giúp đỡ giáo viên đã được đề ra một cách cụ thể như tư vấn về kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi, công tác chủ nhiệm lớp, phương pháp giao tiếp với phụ huynh, ứng dụng công nghệ thông tin…Đặc biệt, Phòng GD&ĐT giao nhiệm vụ cho cán bộ chuyên môn của phòng, cán bộ quản lý giỏi phải giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các cán bộ quản lý mới được bổ nhiệm; tổ cốt cán giúp đỡ giáo viên vùng khó khăn…
Khẳng định kết quả của phong trào, ngành GD&ĐT nêu lên sự cần thiết phải duy trì một cách thường xuyên, “tự nhiên” tại các nhà trường. Hiện nay, đội ngũ giáo viên trẻ có thâm niên công tác dưới 10 năm đang chiếm trên 50% đội ngũ; những giáo viên này có ưu thế là năng động, tiếp nhận nhanh kiến thức mới, công nghệ mới và phương pháp mới. Tuy vậy, họ vẫn còn yếu nhiều mặt, nhất là lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách, kỹ năng sư phạm, kỹ năng giao tiếp và cả kỹ năng sống. Nếu được giúp đỡ, họ sẽ khắc phục được nhược điểm này, phấn đấu trở thành những cán bộ giáo viên không những giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn gương mẫu về đạo đức lối sống, thông thạo kỹ năng chuyên môn, trở thành lực lượng nòng cốt tại các cơ sở giáo dục.
Ý kiến ()