Giáo viên được gì sau một năm tự bồi dưỡng trực tuyến?
Đổi mới mô hình bồi dưỡng, thay vì tập trung trong vài ngày để học trực tiếp với báo cáo viên thì đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường phổ thông trên cả nước suốt một năm qua đã tự bồi dưỡng trực tuyến ngay trong quá trình làm việc tại trường. Sau một năm triển khai theo hình thức mới, các thầy, cô đã có thể kết hợp vừa tự bồi dưỡng vừa vận dụng kiến thức học được vào thực tế giảng dạy.
Ngành giáo dục đã linh động bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo trong thời gian dịch bệnh –Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Hiểu kỹ, nắm sâu khi bồi dưỡng đi đôi với thực hành
Tại Yên Bái, cô Sa Thị Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học & THCS Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn) đã được bồi dưỡng 3 modul (1, 2, 3) theo kế hoạch bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT. Hơn một năm được bồi dưỡng vừa theo diện cốt cán (modul 1, 2) vừa theo diện đại trà (modul 3) với hình thức trực tuyến, thường xuyên, liên tục, tại chỗ, với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt, cô Hạnh trải nghiệm được nhiều hiệu quả từ mô hình này. Việc được chủ động thời gian, địa điểm học tập giúp cán bộ, giáo viên có tâm lý thoải mái, từ đó, tăng chất lượng bồi dưỡng. Tuy nhiên, điều mang đến hiệu quả nhất cho hoạt động này là việc giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên, tại chỗ ngay trong quá trình làm việc.
“Học đi đôi với thực hành, chúng tôi vừa song song tự bồi dưỡng, vừa vận dụng kiến thức học được vào thực tế giảng dạy. Khi đó, vướng mắc ở đâu, thấy chưa hợp lý chỗ nào, chúng tôi lại hỏi giáo viên cốt cán, giảng viên sư phạm chủ chốt và đồng nghiệp trong trường để cùng tháo gỡ. Quá trình này tác động ngược trở lại việc bồi dưỡng, giúp chúng tôi hiểu chắc, nắm sâu hơn các kiến thức và tiếp tục vận dụng lại hoạt động dạy học để đạt hiệu quả hơn”, cô Sa Thị Hạnh nói.
Nữ giáo viên này cho rằng việc được bồi dưỡng thường xuyên cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, với các học liệu gốc luôn có sẵn trên Hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS), giáo viên có thể nghiên cứu, ôn luyện nhiều lần. Trong quá trình áp dụng kiến thức vào thực tế giảng dạy, nếu gặp khó khăn, thầy cô có thể xem lại tài liệu, video hướng dẫn để nhận ra chỗ nào mình làm đúng, chỗ nào chưa và tự khắc phục.
“Các đợt bồi dưỡng tập trung trong dịp hè chỉ diễn ra trong một vài ngày nên nếu giáo viên có thắc mắc thì cũng chỉ trao đổi được trong một thời gian nhất định. Vào năm học, khi áp dụng kiến thức được bồi dưỡng vào thực tế, nếu giáo viên có vướng mắc thì việc phản hồi và nhận được hướng dẫn sẽ rất khó khăn. Đối với thắc mắc của giáo viên, nếu cấp trường không giải quyết được thì phải báo lên cấp phòng, quá trình này mất khá nhiều thời gian. Trong khi đó, với hình thức bồi dưỡng qua mạng có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, với cộng đồng kết nối thường xuyên, liên tục giữa những người học, giữa người học với cán bộ/giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt thì mọi thắc mắc sẽ được trao đổi, thảo luận và hỗ trợ kịp thời”, cô Hạnh nói.
Cô cho biết, sau hơn một năm được bồi dưỡng các modul tìm hiểu về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sử dụng phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, đến nay, cô đã tự tin hơn để tiếp tục dạy học chương trình mới.
Nâng cao trình độ công nghệ thông tin
Trường Tiểu học-THCS Chiềng San thuộc xã vùng sâu Chiềng Sa (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) có 36 giáo viên, trong đó nhiều thầy, cô là người bản địa. Việc tiếp cận công nghệ thông tin, kết nối internet của các giáo viên này còn hạn chế, gặp khó khăn. Mỗi đợt tập huấn giáo viên đại trà thực hiện trên môi trường mạng, thầy cô phải tập trung tại trường hoặc đến nơi nào có internet để tham gia. Đường truyền chậm, hệ thống trực tuyến LSM đôi lúc chập chờn và do không quen sử dụng nên thời gian đầu, giáo viên Trường Tiểu học-THCS Chiềng San gặp khá nhiều khó khăn để tự bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp.
Tuy nhiên, các thầy cô của trường đã tìm cách vượt khó, người biết hướng dẫn người chưa biết, người giỏi công nghệ thông tin chỉ dạy cho người còn chưa thành thạo, các tổ nhóm chuyên môn cùng vào để cuộc hỗ trợ đồng nghiệp tự bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và trình độ công nghệ thông tin. “Qua mấy modul, đến giờ các thầy, cô đã thành thạo việc học trực tuyến trên LMS, hiểu biết hơn về cách ứng dụng công nghệ trong tổ chức dạy học và sinh hoạt chuyên môn, họp hành”, thầy Tòng Minh Khánh, Tổ trưởng Tổ chuyên môn khối 4-5 của Trường cho biết.
Thầy Huỳnh Thanh Tín, giáo viên môn Tin học Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) cho hay, khả năng hiểu biết và trình độ công nghệ thông tin của các thầy cô trong trường sau thời gian tự bồi dưỡng trực tuyến 2 modul đã tiến bộ rõ rệt. Nếu hồi đầu, nhiều thầy, cô còn chưa biết cách làm thế nào để vào được hệ thống, làm bài tập và cập nhật bài tập lên LMS, thì nay, họ đã thao tác trơn tru mà không cần trợ giúp của đồng nghiệp dạy môn Tin học nữa.
Khảo sát thái độ của giáo viên trong trường về hoạt động bồi dưỡng, thầy Tín cho biết, đa số thầy, cô đều hài lòng và cho rằng hình thức này thuận tiện, hiệu quả. Giáo viên chủ động được thời gian, địa điểm học tập; có thể đọc tài liệu, xem video bài dạy mẫu không giới hạn số lần để nắm chắc kiến thức được truyền tải trong đó. Các nhóm học tập trên LMS, Zalo, Facebook liên tục hoạt động để giáo viên trao đổi, thảo luận và cùng tìm hướng giải quyết cho vấn đề vướng mắc trong quá trình bồi dưỡng hoặc triển khai vào thực tế dạy học ở trường.
“Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và các hoạt động chuyên môn khác của các giáo viên được nâng lên. Thầy cô tiếp cận nhanh hơn với những thay đổi của thời đại số”, một giáo viên Trường Tiểu học & THCS Thượng Bằng La thuộc huyện miền núi Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) nói. Giáo viên này cho rằng với sự “đi trước” của Bộ GD&ĐT trong việc tổ chức bồi dưỡng trực tuyến đã giúp công tác này thuận lợi, không bị gián đoạn bởi dịch bệnh COVID-19. Nhờ đó, việc dạy học và kiểm tra trực tuyến cho học sinh trong thời gian các em phải tạm dừng đến trường cũng bớt lạ lẫm với giáo viên hơn.
Ý kiến ()