Giáo viên băn khoăn về giấy chứng nhận nghề nghiệp
Dự kiến nhà giáo sẽ phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Đây là một trong những quy định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trong dự thảo xây dựng Luật Nhà giáo.
Giấy chứng nhận này được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trên toàn quốc. Trên một số diễn đàn của giáo viên cũng như quan điểm của nhiều thầy, cô giáo đang có ý kiến trái chiều. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến của giáo viên, người làm công tác giáo dục xung quanh vấn đề này.
Đồng chí NÔNG MINH NHƯỜNG, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn
Chưa nên thực hiện giấy phép hành nghề giáo viên tại thời điểm này
Tôi không ủng hộ chuyện đặt ra và thực hiện giấy phép hành nghề giáo viên ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Có thể trong tương lai 10-15 năm nữa khi giáo dục đi vào quỹ đạo cải cách và đạt được các nền tảng cơ bản, chuyện này mới trở nên cần thiết. Hầu hết giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, nghĩa là những người đã được đào tạo chuyên sâu về giáo dục lại được yêu cầu phải có giấy phép là không cần thiết. Nếu thực hiện không tốt thì việc đặt ra giấy phép hành nghề giáo viên sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề mới trong khi các vấn đề cũ vẫn chưa được giải quyết. Điều đó ngăn cản cải cách giáo dục tiến bộ và không đạt được hiệu quả cao.
Một tiết học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Cô Ba (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng).Ảnh: ĐỨC HUY |
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi có giấy chứng nhận, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác; việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn. Trên thực tế, việc các trường có công nhận giáo viên của nhau hay không, có mời giảng viên thỉnh giảng hay không, chủ yếu căn cứ vào trình độ chuyên môn, khả năng sư phạm, uy tín của người ấy chứ không phải vì người ấy là nhà giáo có giấy chứng nhận. Cho nên, giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ không có nhiều giá trị tác động đến quyết định có tiếp nhận hay không tiếp nhận. Không ai trở thành hoặc được gọi là nhà giáo nếu không làm nghề dạy học. Năng lực chuyên môn thực sự của nhà giáo là cả một quá trình rèn luyện, sàng lọc, bồi đắp qua thực tế giảng dạy. Việc cần làm nhất lúc này là cải thiện đời sống giáo viên và cải thiện môi trường làm việc của họ.
——————
Cô giáo BẾ THỊ THỦY, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng)
Xu hướng chung nên làm là cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết
Điều mà chúng tôi băn khoăn nhất đó là cách tổ chức, quản lý vấn đề này sẽ như thế nào cho hiệu quả. Bởi việc cấp chứng nhận, chứng chỉ thì dễ nhưng bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo dẫn tới cấp chứng nhận mới thực sự khó, là điều đáng phải suy nghĩ nhiều nhất. Cá nhân tôi thấy rằng đề xuất này chưa đủ sức thuyết phục. Tôi thấy việc cấp giấy chứng nhận này không liên quan gì đến phát triển đội ngũ nhà giáo, cũng không tạo thêm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong khi đó, để cấp giấy chứng nhận cho hơn 1,5 triệu người sẽ cần đến nguồn lực lớn để thực hiện, cho dù người được cấp không mất chi phí thì đó cũng là kinh phí từ ngân sách nhà nước hoặc của xã hội. Chưa kể đến thời gian, công sức bỏ ra để làm việc này từ cấp giáo viên cho đến nhà trường và cả hệ thống giáo dục quốc dân. Liệu có cần thiết? Để trở thành giáo viên, mỗi thầy cô phải được đào tạo 4 năm tại các trường đại học và 3 năm đối với các trường cao đẳng. Chưa kể, nhiều thầy cô sau khi ra trường, công tác, còn dành thêm 2 năm học lên thạc sĩ và sau đó là học lên bậc tiến sĩ. Sinh viên sau khi tốt nghiệp trường sư phạm được cấp bằng tốt nghiệp. Đây là văn bản có giá trị hợp pháp cao nhất để giáo viên hành nghề giảng dạy. Do đó, không cần thiết phải cấp chứng nhận nghề nghiệp.
Đội ngũ giáo viên lâu nay chịu nhiều áp lực về thu nhập, về công tác chuyên môn và nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ… Xu hướng nên làm là cắt, giảm các loại giấy tờ không cần thiết, không nên nghĩ thêm loại giấy tờ nào đó chưa có cơ sở vững chắc và chưa chứng minh được hiệu quả trong thực tế.
—————–
Cô giáo LÊ THỊ HỒNG NHUNG, giáo viên Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương
Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ giúp giáo viên tự nâng cao năng lực giảng dạy
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được coi là giấy tờ để chứng minh viên chức có đủ trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể. Do đó, với giáo viên, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là chứng chỉ được cấp cho giáo viên đã tham gia khóa bồi dưỡng theo đúng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Ở nhiều nước, giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Đây là minh chứng một người đủ điều kiện hành nghề giáo viên. Nhiều ngành nghề khác ở Việt Nam như luật sư, bác sĩ cũng đã có quy định về chứng chỉ hành nghề. Phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Đối với lĩnh vực giáo dục, hiện có đồng thời nhiều quy định về chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh giáo viên/giảng viên. Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế những cái này với các tiêu chí cụ thể.
Thiết nghĩ, quy định cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ góp phần giúp giáo viên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao năng lực giảng dạy, đáp ứng mục tiêu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, giáo viên yếu, kém chuyên môn nghiệp vụ, vi phạm đạo đức nhà giáo thì nhất định sẽ bị đào thải. Như thế, sẽ chấm dứt việc người yếu kém năng lực, vi phạm đạo đức chuyển từ trường này sang trường kia, từ trường công lập sang tư thục, kể cả trung tâm bồi dưỡng văn hóa (vì không có giấy chứng nhận nghề nghiệp). Đó là những lí do tôi ủng hộ giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo thay thế chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp như hiện nay.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()