Giao tranh ác liệt và lan rộng ở Li-bi
* Quân đội Mỹ sẽ giảm bớt sự can dự ở Li-bi Theo các nguồn tin nước ngoài, ngày 28-3 là ngày thứ mười lực lượng liên quân mở cuộc tiến công quân sự chống Li-bi.Các cuộc giao tranh giữa quân đội Li-bi với lực lượng chống chính phủ nước này được sự yểm trợ của không quân nhiều nước phương Tây tiếp tục diễn ra ác liệt và lan rộng.Một nguồn tin quân sự cho biết, trong ngày 28-3, máy bay của liên quân đã mở các cuộc tiến công vào nhiều khu vực quân sự và dân sự ở các TP Ga-ry-an và Mi-dơ-đa ở phía nam Thủ đô Tơ-ri-pô-li, gây nhiều thương vong cho dân thường. Máy bay của liên quân ném bom Thủ đô Tơ-ri-pô-li và TP Xơ-tê, quê hương của Tổng thống M.Ca-đa-phi. Trong mười ngày qua, được sự hỗ trợ của máy bay liên quân, lực lượng chống chính phủ đã chiếm được nhiều thành phố dầu lửa nằm ven bờ biển phía đông của Li-bi. Tuy nhiên, đà tiến công hướng về Thủ đô Tơ-ri-pô-li của lực lượng chống chính phủ đã bị quân đội Li-bi chặn lại ở TP Xơ-tê. Giao...
Theo các nguồn tin nước ngoài, ngày 28-3 là ngày thứ mười lực lượng liên quân mở cuộc tiến công quân sự chống Li-bi.
Các cuộc giao tranh giữa quân đội Li-bi với lực lượng chống chính phủ nước này được sự yểm trợ của không quân nhiều nước phương Tây tiếp tục diễn ra ác liệt và lan rộng.
Một nguồn tin quân sự cho biết, trong ngày 28-3, máy bay của liên quân đã mở các cuộc tiến công vào nhiều khu vực quân sự và dân sự ở các TP Ga-ry-an và Mi-dơ-đa ở phía nam Thủ đô Tơ-ri-pô-li, gây nhiều thương vong cho dân thường. Máy bay của liên quân ném bom Thủ đô Tơ-ri-pô-li và TP Xơ-tê, quê hương của Tổng thống M.Ca-đa-phi. Trong mười ngày qua, được sự hỗ trợ của máy bay liên quân, lực lượng chống chính phủ đã chiếm được nhiều thành phố dầu lửa nằm ven bờ biển phía đông của Li-bi. Tuy nhiên, đà tiến công hướng về Thủ đô Tơ-ri-pô-li của lực lượng chống chính phủ đã bị quân đội Li-bi chặn lại ở TP Xơ-tê. Giao tranh giữa hai bên diễn ra ác liệt ở khu vực ngoại ô thành phố này.
* Chính phủ Li-bi tố cáo mục tiêu của liên quân không phải là bảo vệ dân thường như tuyên bố mà trên thực tế là nhằm tạo lợi thế cho lực lượng chống chính phủ. Trong khi đó, dư luận quốc tế tiếp tục phản đối liên quân tiến công Li-bi, 'lạm dụng' Nghị quyết 1973 của LHQ. Nhiều quốc gia, trong đó có Nga đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự của NATO vượt khỏi những điều khoản trong Nghị quyết 1973. Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp nêu rõ, việc liên quân tiến công lực lượng ủng hộ Tổng thống Ca-đa-phi là hành động can thiệp vào một cuộc nội chiến chứ không phải thực hiện nghị quyết LHQ. Ngày 29-3, Tổng thống In-đô-nê-xi-a B.Giu-đô-giô-nô đã kêu gọi thực hiện ngừng bắn ngay lập tức ở Li-bi và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại nước này để duy trì hòa bình.
* Ngày 29-3, tại Luân Đôn (Anh), diễn ra hội nghị quốc tế về Li-bi với sự tham dự của các bộ trưởng ngoại giao và đại diện cấp cao của gần 40 nước và tổ chức. Hội nghị tập trung thảo luận về tình hình tại Li-bi và việc thực hiện Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ. Ngoài các vấn đề liên quan việc thúc đẩy hoạt động của liên quân và tương lai của nhà nước Li-bi, hội nghị cũng đề cập việc tiến hành viện trợ nhân đạo khẩn cấp để tránh xảy ra khủng hoảng nhân đạo ở Li-bi.
* Trước thềm hội nghị quốc tế về Li-bi nói trên, lãnh đạo bốn nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã tiến hành cuộc họp qua truyền hình và cho rằng hội nghị Luân Đôn cần tìm biện pháp hỗ trợ cho 'sự chuyển giao chính trị tại Li-bi'. Trước đó, Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di và Thủ tướng Anh Đ.Ca-mê-rôn ra tuyên bố chung khẳng định tiếp tục can thiệp quân sự vào Li-bi và kêu gọi nhà lãnh đạo M.Ca-đa-phi từ chức. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp đều thừa nhận, biện pháp quân sự không thể giải quyết được vấn đề ở Li-bi và cần tìm một giải pháp chính trị.
* Ngày 29-3, nhà lãnh đạo Li-bi M.Ca-đa-phi đã gửi thư tới hội nghị quốc tế về Li-bi tổ chức tại Luân Đôn (Anh), kêu gọi 'ngừng ngay cuộc tiến công man rợ (của lực lượng liên quân) vào Li-bi'.
* Tối 28-3, trong bài phát biểu được truyền hình trên toàn quốc, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã biện minh cho hành động can thiệp của Mỹ tại Li-bi và cho rằng, Oa-sinh-tơn có trách nhiệm phải hành động khi một 'cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể sắp xảy ra'. Tuy nhiên, ông Ô-ba-ma cam kết quân đội Mỹ sẽ giảm bớt sự can dự của nước này ở Li-bi. Ông Ô-ba-ma cho biết, từ hôm nay (30-3), NATO tiếp nhận toàn quyền chỉ huy chiến dịch quân sự của liên quân ở Li-bi. Ông Ô-ba-ma tuyên bố, Oa-sinh-tơn không thể lặp lại kịch bản I-rắc ở Li-bi. Ông nêu rõ, sự thay đổi chế độ ở I-rắc đã mất tám năm, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người Mỹ và I-rắc cũng như gần một nghìn tỷ USD. Đó là cái giá nặng nề mà Mỹ và liên quân không nên lặp lại ở Li-bi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()